Bài toán kiểm soát độc quyền nhìn từ khủng hoảng nước sạch Sông Đà

Nguyễn Xuân Thành
Nguyễn Xuân Thành

Chuyên gia, Đại học Fulbright Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Cuộc khủng hoảng nước sạch Hà Nội lần này cần được nhìn nhận như một hồi chuông cảnh báo khẩn cấp để các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát các quy chế quản lý và thực thi việc kiểm tra định kì chất lượng nước nói riêng, chất lượng các dịch vụ công nói chung – Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.

Ngày 25/10, hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ nước sinh hoạt nhiễm dầu, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cũng đã đưa ra lời xin lỗi đối với người dân và hứa bồi thường cho người dân một tháng miễn phí tiền nước. Dưới áp lực của dư luận, công ty này đã buộc phải thay đổi thái độ, khi chỉ một tuần trước đó, họ vẫn khăng khăng cho rằng mình chỉ là “nạn nhân” của vụ đổ trộm dầu thải.

Cuộc khủng hoảng nước sạch Sông Đà đã gây xáo trộn cuộc sống của người dân Hà Nội.
Cuộc khủng hoảng nước sạch Sông Đà đã gây xáo trộn cuộc  sống của người dân Hà Nội.

Trong khi đó, người đầu tiên phải đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm trước người dân là chính quyền Thành phố Hà Nội thì lại gần như im lặng. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu.

Và cho đến giờ, chính quyền Hà Nội cũng chưa trả lời cho dân biết những giải pháp dài hạn nhằm đảm bảo không tái diễn cảnh tượng như thời bao cấp bốn chục năm trước khi ngay giữa Thủ đô ở thế kỷ 21 người dân phải xếp hàng nhiều giờ trong đêm để hứng nước từ bồn di động.

Khi người dân "bị bắt làm con tin"

Khi vụ khủng hoảng nước sạch nổ ra, dư luận mới vỡ lẽ rằng công ty nước sạch sông Đà đã được cổ phần hóa từ lâu và giờ thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tư nhân. Người dân, dù phẫn nộ với việc công ty này bưng bít thông tin ô nhiễm cũng không còn lựa chọn nào khác. Bởi một lẽ đơn giản: không dùng nước của họ thì dùng nước của ai?

Quyền tẩy chay sản phẩm, thứ vũ khí hiệu quả nhất của người tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường đã hoàn toàn vô hiệu trong trường hợp này. Nhưng chúng ta cũng phải rất thận trọng khi coi tư nhân hóa như kẻ tội đồ, khi những người đó chỉ có động cơ tìm kiếm lợi nhuận với quyền cung cấp những dịch vụ công thiết yếu hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân hàng ngày.

Trong vài năm trở lại đây, từ chỗ còn nhiều e ngại, Nhà nước đã bắt đầu mạnh dạn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia các lĩnh vực cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch, xử lý chất thải, giao thông…mà trước nay các doanh nghiệp nhà nước vốn nắm giữ vị thế độc quyền.

Ngành nước thậm chí còn đi trước một bước so với ngành điện, khi tư nhân được tham gia vào cả khâu sản xuất và phân phối nước sạch.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam: "Tình cảnh “một người bán, vạn người mua” này, về thực chất, chính là bản chất của độc quyền".
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam: "Tình cảnh “một người bán, vạn người mua” này, về thực chất, chính là bản chất của độc quyền".

Công bằng mà nói, cổ phần hóa là hướng đi đúng đắn nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn từ quá trình cổ phần hóa những dịch vụ thiết yếu như viễn thông…khi chúng tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa nhiều nhà cung ứng, buộc họ phải nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và hạ giá thành.

Đối với dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cũng tương tự. Về nguyên tắc, khi nhiều nhà máy sản xuất nước bán nước cho nhiều công ty phân phối nước; sau đó những công ty này cạnh tranh nhau để bán cho  người dân, như vậy sẽ có thị trường cạnh tranh.

Vậy tại sao nguyên tắc thị trường cạnh tranh đã không vận hành hiệu quả trong trường hợp này? Theo phản ánh của báo chí, quy trình cấp nước ở Hà Nội hiện nay được thực hiện theo cơ chế độc quyền từng vùng, thậm chí là từng quận.

Trong trường hợp này, nhà máy nước sạch sông Đà chịu trách nhiệm cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, các công ty phân phối nước khu vực này không thể tìm được các nhà cung cấp thay thế.

Tình cảnh “một người bán, vạn người mua” này, về thực chất, chính là bản chất của độc quyền.

Bài toán quản lý chất lượng

Công bằng mà nói, việc chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân đều đem lại một số thách thức giống nhau. Mấu chốt của câu chuyện là vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát cả giá lẫn chất lượng cung ứng dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng khi cổ phần hóa các dịch vụ cơ sở hạ tầng, chính quyền chủ yếu tập trung vào vấn đề giá cả để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư tư nhân và khả năng chi trả của người dân. Nguồn cơn những bức xúc lâu nay của người dân cũng xoay quanh câu chuyện giá cả.

Chỉ đến khi sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải xảy ra, người ta mới giật mình nhận ra cả Thủ đô gần chục triệu dân không có lấy một trạm quan trắc chất lượng nước nào. Hà Nội cũng không hề có cơ chế kiểm tra chất lượng nước định kỳ hoặc có mà không công bố minh bạch, dẫn đến câu chuyện khi người dân phát hiện nước có mùi lạ, lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà vẫn khăng khăng khẳng định hệ thống kiểm định của nội bộ công ty này cho thấy “nước hoàn toàn không có vấn đề gì”.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu không phải nhờ người dân phát hiện ra, họ sẽ tiếp tục cung cấp nước ô nhiễm đến khi nào?

"Quyền tẩy chay sản phẩm, thứ vũ khí hiệu quả nhất của người tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường đã hoàn toàn vô hiệu trong trường hợp này", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành.
"Quyền tẩy chay sản phẩm, thứ vũ khí hiệu quả nhất của người tiêu dùng trong một nền kinh tế thị trường đã hoàn toàn vô hiệu trong trường hợp này", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành. 

Cũng khó trách các ông chủ công ty này khi các doanh nghiệp tư nhân phải đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu. Để đảm bảo lợi nhuận, họ sẽ cắt giảm mọi chi phí xuống mức thấp nhất có thể. Các ông chủ tư nhân lại càng chẳng có mấy động cơ để phải đầu tư vào hệ thống kiểm định chất lượng nước, nếu họ không bị kiểm tra định kì.

Đấy là lý do vì sao ngay cả các nước theo kinh tế thị trường tự do đến đâu đều phải có chính sách và khung chế tài nhằm đảm bảo an toàn và khắc phục những “thất bại của thị trường”. Đối với cung cấp nước sinh hoạt, đó là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng ở cấp độ quốc gia và địa phương đi cùng với bộ máy thực thi và chế tài.

Ngay cả khi như vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn không ngừng tranh luận về tần suất kiểm tra, giám sát, mức độ minh bạch trong công bố thông tin về chất lượng nước và liệu các mức chế tài và xử phạt có đủ sức răn đe.

Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt từ lâu. Quy chuẩn mới nhất được Bộ Y tế ban hành vào năm 2009. Các nhà máy nước và công ty phân phối nước cũng phải có bộ phận kiểm tra nội bộ về chất lượng nước.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có trách nhiệm thực hiện quan trắc và kiểm tra chất lượng nước nguồn, nước sản xuất và nước phân phối theo định kỳ và đột xuất.

Điểm yếu nhất ở đây là tính minh bạch. Người dân và có lẽ cả các đại biểu dân cử không bao giờ được biết đến các kết quả kiểm tra chất lượng nước. Về mặt kỹ thuật, không có gì khó khi chất lượng nước sạch ở từng vùng được công bố thường xuyên cho người dân.

Điểm yếu tiếp theo là hệ thống chế tài, quy định để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm khi những rủi ro phát sinh như chuyện nhiễm độc nguồn nước hay vỡ ống lại chưa rõ ràng, trừ khi hình sự hóa hoặc có ai đó khởi kiện dân sự công ty cấp nước.

Nhưng ngay cả khi một vài cá nhân lãnh đạo công ty bị đưa ra tòa xét xử thì hiệu ứng răn đe và chế ước những hành vi tương tự trong tương lai vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Trong khi chờ đợi các nhà làm luật rà soát và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật nhằm kiểm soát những rủi ro của độc quyền, thì chí ít chính quyền có thể làm ngay một việc: kiểm tra định kì chất lượng nước và công bố công khai cho người dân được biết.

Làm được việc này thôi là đã tạo được cơ chế hữu hiệu đặt các nhà máy nước tư nhân phải tự mình đảm bảo chất lượng nước./.

Trường Minh (ghi)