Trung Quốc: “Đóng băng” chức vụ quan chức bị điều tra
Ở Trung Quốc, tham nhũng của cán bộ, công chức từng chiếm khoảng 10% GDP của đất nước. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quyết sách quan trọng về đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề ra tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc cơ bản, nhấn mạnh ba mảng công tác quan trọng cần phải làm là: “Tự rèn luyện tính liêm khiết và chấp hành kỷ luật của cán bộ lãnh đạo; điều tra các vụ án lớn, án điểm; uốn nắn tác phong sai lệch của các bộ, ngành”.
Trung Quốc đã chuyển chống tham nhũng, tiêu cực ở “phần ngọn” sang trị cả gốc lẫn ngọn, từ trừng trị sang coi phòng ngừa là chính; chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công”, từ “giám sát sau sự việc” thành “giám sát trước sự việc”, nghĩa là giám sát chặt chẽ, tìm những chỗ có sơ hở, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để xử lý trước khi có thể xảy ra.
Về tổ chức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung Quốc có nhiều tổ chức phòng, chống tham nhũng, nhưng lấy Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của Đảng làm trung tâm, trao thẩm quyền đủ mạnh để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật hành chính.
Trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Trung Quốc áp dụng biện pháp “song quy”. “Song quy” là cơ quan giám sát trong khi điều tra vụ án có quyền yêu cầu đương sự “có mặt tại địa điểm quy định, trong thời gian quy định để giải thích, trình bày về vụ việc có liên quan”.
Địa điểm “song quy” thường là một khách sạn, nhân viên điều tra (thường là cán bộ của ủy ban kiểm tra - kỷ luật), đối tượng được triệu tập đến đây coi như bị giam lỏng để phục vụ việc điều tra, không thể tiếp xúc với bên ngoài trong suốt quá trình làm án, chức vụ và quyền lực của đối tượng trong thời gian được triệu tập bị “đóng băng” không còn giá trị. Đồng thời thành lập biệt đội “săn cáo” truy bắt các quan tham trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản bị tham nhũng rất hiệu quả.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang từng bước xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chặt chẽ.
Trước hết, họ thiết lập hệ thống chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo chung của Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của Đảng.
Hai là, bắt đầu từ việc giải quyết “các triệu chứng” của tham nhũng và lồng ghép những thành tích đã đạt được vào cuộc chiến xóa bỏ nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, ngăn chặn đảng viên và cán bộ lạm quyền, ngăn chặn từ khi tham nhũng còn là ý đồ.
Ba là, duy trì tính nghiêm minh trong kỷ luật và hình phạt áp dụng với những người tham nhũng, không khoan nhượng đối với loại tội phạm này.
Bốn là, tạo ra một hệ thống tương đối hoàn chỉnh gồm các quy định trong nội bộ đảng và luật chống tham nhũng.
Họ thực thi kỷ luật đảng và pháp luật nghiêm ngặt để ngăn một số người lợi dụng các sơ hở trong hệ thống và đảm bảo tất cả luật, quy định và thể chế hoạt động hiệu quả.
Năm là, xây dựng tư tưởng phòng chống tham nhũng. Các đảng viên và cán bộ được trang bị lý tưởng và niềm tin đúng đắn, từ đó đảm bảo có sự liêm chính về đạo đức và có quan điểm chính trị đúng đắn. Cuối cùng, tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực thi quyền lực, đổi mới sâu rộng hệ thống kiểm tra kỷ luật Đảng và hệ thống giám sát quốc gia.
Singapore thực hiện “bốn không với tham nhũng”
Là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á và họ thực sự đã tiến hành rất thành công công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về cơ bản, bằng giải pháp “4 không với tham nhũng”:
“Không dám tham nhũng”: Theo quy định của Chính phủ Singapore, công chức, quan chức hàng tháng phải trích một tỷ lệ tiền lương để gửi vào quỹ tiết kiệm. Khởi đầu là 5%, sau đó tăng dần theo tỷ lệ tăng lương. Quan chức có chức vụ càng cao, thì tỷ lệ % trích gửi tiết kiệm càng cao. Số tiền đó do ngân hàng Nhà nước quản lý. Khi nghỉ hưu, số tiền tiết kiệm nói trên thuộc quyền sở hữu của công chức. Nếu công chức, quan chức phạm tội tham nhũng, dù chỉ bị xử lý hành chính, buộc thôi việc, thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm sẽ bị Nhà nước trưng thu. Quan chức có chức vụ càng cao mà tham nhũng thì số tiền bị trưng thu càng lớn.
“Không thể tham nhũng”: Hằng năm, viên chức, công chức, quan chức từ Trung ương tới cơ sở đều phải làm tờ khai báo các khoản tài sản của bản thân và của vợ (chồng) bao gồm: Tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà đất.
Đối với tài sản tăng lên so với năm trước, đương sự phải giải trình rõ nguồn gốc. Số tài sản tăng lên không giải trình được nguồn gốc có thể bị coi là do tham nhũng mà có, nên sẽ bị Nhà nước trưng thu.
“Không cần phải tham nhũng”: Chế độ tiền lương ở Singapore bảo đảm cho viên chức, công chức, quan chức Singapore đủ sống theo mức sống chung của xã hội nước này và còn có thể chu cấp cho gia đình con cái.