Trong khi thực hiện loạt bài về bất cập đèn tín hiệu giao thông tại Thủ đô, nhóm tác giả VietTimes thông tin thêm với bạn đọc về giải pháp được Cục Cảnh sát giao thông ghi nhận, đã được ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả tại nhiều nút giao thông của Thủ đô và dự kiến sắp được áp dụng tại các địa phương khác.
|
Ông Dương Anh Tuấn – tác giả Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. |
Trao đổi riêng với VietTimes, ông Dương Anh Tuấn – tác giả Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để không ùn tắc vừa giành giải Nhất Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 hào hứng nói về ý tưởng không sử dụng nhịp đèn điều khiển giao thông ở phần lớn các nút giao và tổ chức phân luồng lại cho phương tiện.
Theo ông Tuấn để khắc phục và đáp ứng tình trạng phương tiện tăng nhanh mà đường vẫn không tắc, giải pháp kịp thời hiệu quả và phù hợp với thực tế hiện nay cũng như lâu dài là: Không sử dụng đèn đỏ ở các nút giao tại phần lớn các tuyến đường và tổ chức phân luồng lại cho phương tiện, nhằm đạt được mục đích là để phương tiện tham gia được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, do đó phương tiện không bị ùn ứ và như vậy lượng phương tiện sẽ được giải phóng lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện nay, chắc chắn đường sẽ thông, không còn ùn tắc.
Lấy một ví dụ về tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc tại Hà Nội, ông Tuấn tính toán, nếu loại bỏ toàn bộ 7 nút giao đèn giao thông từ đường Trần Duy Hưng (đoạn từ Big C Thăng Long) đến cuối đường Văn Cao (mép Hồ Tây) thì hiện đang cần khoảng 25-27 phút. Trong khi, nếu áp dụng sáng kiến bỏ đèn đỏ theo hướng xuyên tâm ưu tiên này, thời gian di chuyển cho quãng đường 5km này còn 7 phút, tiết kiệm được gần 3 lần về thời gian, giảm được 60% mật độ phương tiện so với hiện tại. Các phương tiện trên hướng lưu thông khác không nằm trên trục ưu tiên này sẽ được phân luồng, tạo điểm quay đầu liên hoàn.
“Giải pháp loại bỏ đèn đỏ chưa có ở quốc gia nào. Đa phần các nước khác đều làm hầm chui, cầu vượt phối hợp với đèn tín hiệu vì phương tiện giao thông của các nước thuần nhất, không nhiều xe máy như Việt Nam” - ông Tuấn trao đổi với VietTimes.
Nói rõ hơn về giải pháp, ông Tuấn giải thích bản chất của ý tưởng áp dụng tổng thể vào mạng lưới giao thông đô thị, trong đó có các nhóm tuyến đường các kích thước bề rộng lòng đường khác nhau, từ đường có bề mặt rộng đến các đoạn đường bề mặt nhỏ hẹp.
Cụ thể, đối với những đoạn đường bề mặt lớn (từ 14m trở lên) thì bỏ đèn đỏ và tạo 2 điểm quay. Đường có độ rộng vừa phải thì vẫn sử dụng đèn tín hiệu, kết hợp với đèn xanh liên thông, quy định vận tốc tối thiểu và tạo điểm quay điểm dừng chờ. Còn đối với các đoạn đường có bề mặt nhỏ hơn (từ 8m trở xuống) như khu phố cổ thì chuyển những tuyến đường này thành những đường một chiều ngược hướng nhau rồi kết hợp với những tuyến đường cắt ngang tạo thành nhánh quay liên hoàn và bỏ đèn đỏ ở các nút giao giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện.
Giảm tắc đường tại nhiều nút giao của Hà Nội
Sau khi giành được giải Nhất tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022, ông Tuấn cho biết, tính đến tháng 4/2023, sáng kiến này đã được áp dụng tại nhiều nút giao trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó, việc bỏ hẳn đèn đỏ, tổ chức phân luồng lại phương tiện tất cả các chiều đường được áp dụng tại ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì.
|
Tổ chức phân luồng các chiều đường tại ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì. |
Các nút áp dụng giảm bớt thời gian dừng chờ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại phương tiện ở 2 chiều đường là nút giao Ngã tư Sở; Ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám; Ngã ba Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu; Ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Ngã tư Chu Văn An - Quang Trung (Hà Đông); Ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng - Tôn Thất Thuyết; Ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng; Ngã tư Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Lãng Yên.
Theo ông Tuấn, lượng phương tiện tăng quá nhanh làm cho mạng lưới giao thông bị quá tải, dẫn đến hệ thống đèn tín hiệu giao thông và cách tổ chức phân luồng phương tiện hiện nay không còn phù hợp.
Nói về ý tưởng bỏ đèn đỏ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) đánh giá “giải pháp bước đầu đã được áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, để phát triển ý tưởng này thì rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Cùng với đó là việc chung tay góp sức của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức. Những ý tưởng, giải pháp ấy chỉ có thể trở thành điều tốt đẹp nếu nó được đưa vào cuộc sống thực, tạo ra những thay đổi tích cực trong việc tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay, cũng như giúp ích cho các cơ quan quản lý về an toàn giao thông trong việc tiếp cận, ứng dụng vào công tác quản lý.
“Một là đèn đỏ chặn luồng phương tiện làm mật độ dày đặc, hình thành điểm nút ùn tắc. Hai là tại các nút giao do việc phân làn rẽ trái mà dẫn đến kéo dài thời gian dừng chờ đèn đỏ của phương tiện ở các làn khác hoặc các nút giao chưa phân làn rẽ trái thì phương tiện rẽ trái gây xung đột, rối luồng, tắc nghẽn” – ông Tuấn lý giải 2 nguyên nhân chính làm tăng mật độ phương tiện, gây ra nạn ùn tắc.
Mặc dù sáng kiến đã được triển khai thí điểm ở nhiều nút giao thông và đã giải quyết được vấn đề ùn tắc, ông Dương Anh Tuấn bày tỏ nuối tiếc vì hiệu quả chưa được như kỳ vọng khi nhiều nút giao khác chưa thể áp dụng bỏ đèn giao thông.
Cùng với đó, theo ông Tuấn, không chỉ riêng Hà Nội mà giải pháp này sẽ mang lại hiệu tích cực, rõ rệt tại nhiều địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,...
Xem chi tiết về giải pháp bỏ đèn đỏ theo 3 nhóm tuyến đường tại đây.
Giải pháp chia mạng lưới giao thông thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ra thành 3 nhóm tuyến đường để tổ chức hệ thống đèn tín hiệu và phân luồng lại phương tiện, cụ thể như sau:
I. Đối với những tuyến đường hai chiều có mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe (khoảng 14m ÷ 15m) trở lên:
|
Áp dụng bỏ đèn đỏ tại các ngã 3, 4, 5, … tạo điểm quay liên hoàn, giúp cho phương tiện di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện. Như vậy số lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, đường được thông suốt.
Cách này phù hợp với các tuyến đường như đường Trần Phú (Hà Đông) – Nguyễn Trãi, đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển,… ở thủ đô Hà Nội.
II. Đối với những tuyến đường hai chiều có mỗi chiều đường rộng 3 làn xe (khoảng 10,5m ÷ 12m):
|
– Phương án 1: Nếu các chiều đường tại nút giao điều kiện cho phép mở rộng được lòng đường thì mở mỗi chiều đường rộng 4 làn xe (khoảng 14m ÷ 15m) và áp dụng bỏ đèn đỏ – tạo các điểm quay liên hoàn như những tuyến đường có mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe ở phần trên.
– Phương án 2: Nếu các chiều đường tại các nút giao không thể mở rộng được thêm lòng đường thì áp dụng đèn xanh tại các nút giao liên thông với nhau và quy định vận tốc tối thiểu, lập các điểm quay – điểm dừng chờ và phân luồng lại cho các phương tiện nên phương tiện không bị xung đột cản trở bởi phương tiện chạy trên các tuyến đường khác rẽ trái. Như vậy sẽ giúp cho phần lớn các phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại do đèn đỏ hoặc bị xung đột, còn lại số ít phương tiện phải dừng do đèn đỏ thì thời gian dừng chờ ngắn hơn. Vì thế không làm tăng mật độ phương tiện và số lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, đường được thông suốt.
Phương án này phù hợp với những tuyến đường như đường Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ; đường Nguyễn Hoàng – Hàm Nghi; đường Nguyễn Cơ Thạch… ở thủ đô Hà Nội.
III. Đối với những tuyến đường hai chiều có mỗi chiều đường rộng 2 làn xe (khoảng 8m) trở xuống mà có các tuyến đường khác chạy song song bên cạnh và có các tuyến đường cắt ngang:
|
Áp dụng chuyển những tuyến đường này thành những đường một chiều ngược hướng nhau rồi kết hợp với những tuyến đường cắt ngang tạo thành nhánh quay liên hoàn và bỏ đèn đỏ ở các nút giao giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế không làm tăng mật độ phương tiện. Như vậy lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, đường được thông suốt.
Phương án này phù hợp với các tuyến đường như Trần Phú – Nguyễn Thái Học cắt với các đường Lê Trực – Hùng Vương – Chu Văn An – Hoàng Diệu hoặc đường Tràng Thi – Hai Bà Trưng – Lý Thường Kiệt – Trần Hưng Đạo cắt với các đường Phan Bội Châu – Quán Sứ – Quang Trung – Bà Triệu – Phố Huế,… hoặc các khu nội đô như Mỹ Đình, khu phố cổ ở thủ đô Hà Nội,…