Nhịp đèn giao thông cài đặt sẵn, thiếu linh hoạt
Trao đổi với VietTimes, Trung tá Phạm Quang Minh – Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông – Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an TP Hà Nội thông tin, TP. Hà Nội đã đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông và Trung tâm Điều khiển giao thông TP. Hà Nội đang vận hành trên 500 nút với khoảng 605 camera giao thông các loại, quan sát chung toàn cảnh giao thông, camera lưu lượng, camera xử phạt,... Trong đó có hơn 100 camera 360 độ. Lượng camera chưa đáp ứng yêu cầu theo dõi giao thông của Hà Nội. Nhiều tuyến chính, nhiều nút giao chính không có camera.
“Điều chúng tôi thấy cần nhất hiện nay là hệ thống camera phải có độ phủ đủ để lực lượng CSGT nắm được tình hình giao thông trên toàn thành phố. Khi nắm được dữ liệu và có thông tin về tình trạng giao thông đầy đủ và chính xác thì việc điều phối giao thông, điều chỉnh nhịp đèn mới có thể hiệu quả nhất” – Trung tá Phạm Quang Minh nói.
Trung tá Phạm Quang Minh – Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông |
Phóng viên đặt vấn đề về nhịp đèn tín hiệu giao thông tại nhiều nút giao trên địa bàn TP. Hà Nội chưa linh hoạt, chưa hợp lý với thực tế và mật độ di chuyển của người dân vào các khung giờ cao điểm, giờ thấp điểm, dịp lễ Tết, lãnh đạo Đội Chỉ huy giao thông và Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông thẳng thắn: “Hiện Hà Nội chưa có hệ thống điều khiển giao thông thông minh. Toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông được vận hành và thiết lập trên các chu kỳ cố định. Chúng tôi phân ra các khung giờ cao điểm sáng, cao điểm trưa, cao điểm chiều, giờ ban đêm, giờ bình thường,... Ứng với mỗi khung giờ như vậy, chu kỳ đèn có sự thay đổi khác nhau để phù hợp với lưu lượng giao thông thời điểm ấy.
Chính vì thế, hệ thống đèn giao thông của Hà Nội chưa có tính linh hoạt. Các thiết lập về chu kỳ đèn, chiến lược điều khiển, pha đèn, thời lượng đèn xanh của từng hướng thì đang có tính chất cố định”.
Mỗi ca trực tại Trung tâm Điều khiển giao thông TP. Hà Nội có 5 cán bộ quán xuyến toàn bộ tình hình giao thông trên địa bàn thành phố.
Không chỉ điều phối nhịp đèn tín hiệu, các cán bộ Trung tâm còn thực hiện các công việc liên quan sự cố bất ngờ, từ tai nạn đến các vụ việc liên quan an ninh trật tự, liên hệ, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để điều phối giao thông.
Trung tá Minh giải thích, chu kỳ đèn và các chiến lược điều khiển đèn đã được cài đặt theo các khung giờ cố định, nên thiếu sự linh hoạt. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc điều khiển nhịp đèn liên quan điều khiển liên tuyến và điều khiển vùng.
Tại vị trí nút giao, người tham gia giao thông quan sát thời gian dừng chờ đèn đỏ theo hướng đi của mình và các tuyến khác, thấy thời gian chờ rất dài. Tuy nhiên, về tổng quan, thời gian dừng chờ đèn đỏ như vậy là cần thiết để đảm bảo tổng thể chung. Nếu người tham gia giao thông ở hướng di chuyển ít quan trọng thì thời gian phải chờ sẽ lâu hơn các hướng đi khác.
“Còn ở một số thời điểm - như lúc thấp điểm, chu kỳ đèn chưa sát với lưu lượng thực tế, chưa linh hoạt thì đó là tồn tại của hệ thống điều khiển giao thông hiện nay” – lãnh đạo Trung tâm Điều khiển giao thông TP. Hà Nội nói.
Nhịp đèn giao thông được cài đặt sẵn theo khung giờ. Ví dụ khung giờ cao điểm buổi sáng, hệ thống sẽ ưu tiên hướng di chuyển theo trục hướng tâm vào thành phố - thời lượng đèn xanh sẽ lâu hơn theo hướng đi vào thành phố. Đến giờ cao điểm buổi chiều, thời lượng đèn xanh lại ưu tiên cho hướng đi ra ngoài thành phố.
Mỗi ca trực tại Trung tâm Điều khiển giao thông TP. Hà Nội có 5 cán bộ quán xuyến toàn bộ tình hình giao thông trên địa bàn thành phố |
Để chuẩn bị việc cài đặt sẵn thời gian này, ông Minh cho biết, Trung tâm Điều khiển giao thông đã khảo sát thực tế để tính toán thời lượng tương đối hợp lý của đèn xanh và đèn đỏ tại nút giao. Khi mưa gió, hay có vấn đề đột xuất khiến lượng người tham gia giao thông đông hơn, hoặc thông tin phản ánh về trung tâm từ người dân, và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các nút giao, Trung tâm Điều khiển giao thông sẽ điều chỉnh thời gian dừng chờ đèn đỏ, để phù hợp với thực tế.
Công nghệ sẽ thay CSGT làm nhiệm vụ?
Với hệ thống điều khiển giao thông của TP. Hà Nội hiện nay còn nhiều bất cập, lãnh đạo Đội Chỉ huy giao thông và Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết, hiện Phòng CSGT TP. Hà Nội đang phối hợp xây dựng dự án tiếp theo để nâng cấp Trung tâm Điều khiển giao thông. Việc này nhằm mở rộng hệ thống camera, lắp đặt thêm tại các tuyến, tập trung chủ yếu trên các tuyến trục chính, trục hướng tâm đi vào thành phố, để việc thu thập thông tin về tình hình giao thông được kịp thời nhất, phục vụ công tác quản lý điều hành giao thông.
Cùng với đó, Hà Nội cũng bắt đầu điều khiển tự động giao thông thông minh tại các nút trọng điểm, các nút có tình hình giao thông phức tạp, để đảm bảo hoạt động của các chu kỳ đèn được linh hoạt nhất, sát với tình hình thực tế, đảm bảo người dân tham gia giao thông được thông suốt, an toàn.
Nói thêm về tương lai của giao thông Hà Nội, Trung tá Phạm Quang Minh cho rằng sẽ có hệ thống camera, đo đếm nhận diện phương tiện từ các chiều, các hướng vào nút. Hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với các thuật toán và phần mềm dự đoán sẽ tự động tính toán và điều chỉnh tuỳ thuộc theo mật độ phương tiện di chuyển trên mỗi hướng. Hướng nào đông hơn sẽ được ưu tiên nhiều hơn.
“Chúng ta hình dung, về mặt công nghệ, hệ thống như một CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường, khi nhìn thấy hướng nào đông hơn thì sẽ ưu tiên hướng đó nhiều hơn. Chúng tôi sẽ dùng camera để đo đếm lưu lượng phương tiện và điều khiển hệ thống đèn. Hệ thống linh hoạt hơn nữa khi hoạt động 24/7, cập nhật theo thời gian thực, chứ không như hiện nay – được cài đặt ở từng khung giờ cưỡng bức”, Trung tá Phạm Quang Minh nói.
Ông Minh cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp giao thông thông minh, nhưng Trung tâm vẫn đang tiến hành đánh giá, chưa có dự kiến về nhà cung cấp dịch vụ.
Khác với ở nước ngoài - dòng phương tiện là thuần nhất, mà chủ yếu là ô tô, Việt Nam có đặc thù riêng khi dòng phương tiện chủ yếu là hỗn hợp, gồm cả rất nhiều xe máy. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng phương tiện hàng năm, tăng trưởng dân số cơ học của Hà Nội, sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng,... cũng là những vấn đề thách thức đối với giao thông Hà Nội. Việc này liên quan đến tổng thể quy hoạch giao thông thành phố.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông là xu thế chung của thế giới, nên việc nghiên cứu phát triển thêm hệ thống giao thông thông minh là nhu cầu rất bức thiết. Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới, khi được đầu tư, nâng cấp, hệ thống điều khiển giao thông của TP. Hà Nội được tích hợp những công nghệ hiện đại, có thể đáp ứng tốt giao thông Thủ đô” – Trung tá Phạm Quang Minh bày tỏ./.
Đón đọc Bài 3: Thực tế hệ thống điều tiết giao thông ở Đà Nẵng