Cuộc đua giành thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam

Bài 3: Nên "chọn mặt gửi vàng" thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với mỗi tổ chức, doanh nghiệp có ý định "lên mây", việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đám mây (Cloud) phù hợp sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí, đồng thời cải thiện hoạt động nghiệp vụ và nâng cao năng lực sản xuất. 

Bài 3: Nên "chọn mặt gửi vàng" thế nào?

Hiện nay tại Việt Nam, các dịch vụ Cloud chủ yếu đang được cung cấp gồm lưu trữ dữ liệu, máy chủ ảo, SaaS (phần mềm đám mây), IaaS (hạ tầng đám mây), PaaS (nền tảng đám mây), BaaS (sao lưu dữ liệu đám mây)...

Theo ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, "thị trường dịch vụ Cloud có vài trăm dịch vụ, nhưng doanh nghiệp nội địa mới chỉ cung cấp được trên dưới 30 dịch vụ, nên không gian thị trường còn mênh mông".

Xu hướng lựa chọn dịch vụ Cloud nước ngoài

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) hoặc các startup, do họ cần một giải pháp trọn gói, một hệ sinh thái Cloud với đầy đủ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu "lên mây" từ con số 0, nên họ thường lựa chọn ngay dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài như Amazon Web Service (AWS), Microsoft Azure hay Google Cloud, do các nhà cung cấp dịch vụ Cloud Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hệ sinh thái toàn diện như các "ông lớn" nước ngoài. Hơn thế nữa, do quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp SMB không bị áp lực quá nhiều về giá cả, đường truyền nên giai đoạn đầu họ chấp nhận sử dụng dịch vụ đám mây nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp lớn, sau thời gian đầu sử dụng giải pháp nước ngoài, để tối ưu về chi phí vận hành cũng như hạn chế sự chênh lệch múi giờ trong hỗ trợ dịch vụ, họ đang có thiên hướng chuyển dần về các nhà cung cấp Việt Nam.

Theo thống kê năm 2023 của Câu lạc bộ điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (VNCDC), đối với doanh nghiệp nội địa, thị phần dịch vụ laaS chiếm khoảng 59%, PaaS chiếm khoảng 10% và dịch vụ SaaS chiếm khoảng 31%.

Các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT đang có xu hướng đầu tư nhiều vào SaaS nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đám mây. Cá biệt, có doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đạt doanh thu loại hình SaaS chiếm tới 87% trên tổng doanh thu dịch vụ đám mây.

Theo đánh giá của Cục Viễn thông, vẫn cần thời gian để các nhà cung cấp trong nước có thể xây dựng được các nền tảng Cloud mạnh với các dịch vụ đa dạng.

Chia sẻ với VietTimes, ông Phạm Quang Minh, kỹ sư quản trị độ tin cậy hệ thống (Senior SRE), công ty Castalk, cho biết công ty của ông hiện đang sử dụng dịch vụ Cloud của AWS, Google Cloud và Azure Cloud. Trước đây, công ty cũng đã sử dụng các dịch vụ Cloud khác như Digital Ocean, Vultr và cả Cloud của doanh nghiệp Việt như Bizfly.

Nhận xét về chất lượng dịch vụ, ông Minh nói rằng 3 ông lớn là AWS, Google Cloud hay Azure đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của công ty, tuy nhiên giá thành khá cao do đó Castalk luôn có sự kết hợp với các Cloud giá thấp hơn như Digital Ocean hay Vultr.

Về loại hình dịch vụ thì các công ty Cloud Việt Nam không phong phú như các ông lớn, nhưng với một số nhu cầu cơ bản như máy chủ ảo, bộ nhớ lưu trữ, Kubernetes,... thì đã đáp ứng được.

Ông Minh chia sẻ thêm rằng, trước khi thuê dịch vụ Cloud, Castalk đã có đánh giá về chất lượng, loại hình dịch vụ mà các nhà cung cấp Cloud có thể đáp ứng để lựa chọn nhà cung cấp phù hợp về dịch vụ và giá cả. Với các sản phẩm cần độ tin cậy cao cũng như yêu cầu phức tạp, đòi hỏi nhiều loại hình sản phẩm, thì lựa chọn hàng đầu luôn luôn là AWS, Google và Azure.

Doanh nghiệp Cloud Việt Nam thì có giá thành thấp hơn với các hãng Cloud hàng đầu như AWS, Google, tương đương với Digital Ocean và Vultr nhưng chất lượng thì chưa bằng họ, do đó, ông Minh đánh giá doanh nghiệp Cloud Việt Nam hiện tại chưa có sức cạnh tranh so với các hãng Cloud thế giới.

chuyen gia vnpt cloud.jpg

Ông Trần Tuấn Anh, kỹ sư làm việc tại FPT Software cho biết công ty của mình đang sử dụng một số nền tảng Cloud nội địa như Bizfly, Viettel, Kdata. Ông Tuấn Anh cho biết công nghệ Bizfly đang dẫn đầu thị trường trong nước, tuy nhiên tính năng đang thay đổi để giống các nhà cung cấp Cloud công cộng có trên thị trường. Chính vì giống nên khó cạnh tranh với các nhà cung cấp Cloud công cộng.

Với các dịch vụ Cloud cơ bản thì doanh nghiệp nội có mức giá tương đương với doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như dịch vụ máy chủ ảo thì VNPT có mức giá 199.000 đồng/tháng; Viettel là 265 đồng/ giờ (tương đương 190.000 đồng/tháng); Amazon Web Service (AWS) có giá 190.000 đồng/tháng.

Đối với dịch vụ cao hơn như Kubernetes thì Viettel có mức giá khoảng 4,1 triệu/tháng, BizFly là 1,2 triệu + phí tài nguyên, còn AWS khoảng 10,8 triệu tháng.

Với dịch vụ lưu trữ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu lưu trữ khoảng 50.000 GB thì sẽ phải trả cho Viettel khoảng 43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó mức giá của AWS là khoảng 32 triệu đồng/ tháng (0,025 USD/cho mỗi GB)

Ông Tuấn Anh đánh giá dịch vụ của các ông lớn như AWS, Google Cloud, Azure hay Huawei và Alibaba hiện tại khá là đa dạng. Các nền tảng đều có các USP rõ ràng và đi thẳng vào nhu cầu của người dùng.

Với kinh nghiệm 10 năm sử dụng các dịch vụ Cloud, ông Tuấn Anh cho rằng lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Cloud nội địa là chất lượng dịch vụ, độ trễ thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì trung tâm dữ liệu của họ thông thường đặt ở Singapore chứ không phải Việt Nam.

Nhưng nhược điểm của các doanh nghiệp Việt Nam đó chính là chưa có một chiến lược đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước sử dụng Cloud nội địa. Ông Tuấn Anh dẫn chứng Huawei sẵn sàng cung cấp 50 người sang Việt Nam để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi toàn bộ dịch vụ từ AWS sang Huawei Cloud miễn phí trong 3 tháng.

Ông Tuấn Anh cho rằng các công ty Việt Nam cần có những chiến lược “sống còn” như vậy để tạo được sự hấp dẫn và quan tâm của khách hàng Việt đối với Cloud trong nước.

Bảo mật dịch vụ Cloud là nhu cầu cấp thiết

Xu hướng bảo mật dịch vụ Cloud cũng trở thành một nhu cầu cấp thiết khi lựa chọn thuê dịch vụ từ các nhà cung cấp.

Theo báo cáo từ Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ), 32.265 nguy cơ tấn công mạng đã được phát hiện thông qua hệ thống giám sát an toàn thông tin trong quý I/2024, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính, ngân hàng, hệ thống công nghiệp và một số những ngành nghề khác (thương mại điện tử, bán lẻ, logistics,...) được xác định là đối tượng mục tiêu chính của các tin tặc.

Điều này chứng tỏ, bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích về hiệu suất và chi phí, dịch vụ Cloud cũng có thể mang đến những nguy cơ về rò rỉ thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh, nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời.

Nhận xét về khả năng bảo mật của các doanh nghiệp Cloud nội địa, ông Trần Tuấn Anh cho biết các doanh nghiệp Cloud Việt Nam đã có những mối quan tâm và đầu tư khá mạnh về việc bảo mật dữ liệu và tuân thủ theo các chính sách của nhà nước.

Còn ông Phạm Quang Minh thì cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều quy định, chế tài rõ ràng về bảo mật dữ liệu trong các doanh nghiệp tư nhân (trái ngược với các quy định bảo mật dữ liệu của các cơ quan nhà nước rất khắt khe và chặt chẽ). Thêm vào đó các văn bản thỏa thuận người dùng của các doanh nghiệp Cloud Việt Nam còn chưa được biên soạn chi tiết và chặt chẽ so với các hãng Cloud nước ngoài, do đó vấn đề bảo mật dữ liệu của các doanh nghiệp dịch vụ Cloud Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn mà các doanh nghiệp tư nhân chưa thể chắc chắn đặt niềm tin.

Nên dùng dịch vụ Cloud trong nước hay nước ngoài?

Không có một đáp án chung cho từng doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ Cloud. Việc thuê dịch vụ tùy thuộc vào quy mô dự án, các bài toán về hạ tầng và chi phí. Tuy nhiên, đối với các cơ quan nhà nước, việc sử dụng dịch vụ Cloud nội địa là điều được khuyến nghị.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ dữ liệu người dùng quan trọng như các ngân hàng, công ty viễn thông/Internet, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân yêu cầu các công ty phải lưu trữ dữ liệu này trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Vì thế bắt buộc các doanh nghiệp này phải sử dụng dịch vụ Cloud nội địa khi các doanh nghiệp nước ngoài chưa xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang tìm cách thích ứng với luật pháp Việt Nam. Nguồn tin từ Reuters hôm 29/8 tiết lộ Google đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam. Trung tâm dữ liệu này sẽ ở mức hyperscale, tức có dung lượng lưu trữ lớn, khả năng tính toán mạnh mẽ hơn các trung tâm dữ liệu thông thường. Dự kiến trung tâm sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027.

Khi chưa đặt được trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại cũng đã đàm phán để sử dụng hạ tầng của doanh nghiệp nội địa. Chẳng hạn như Viettel và Microsoft đã ký kết hợp tác triển khai dịch vụ đám mây, trong đó kết hợp hạ tầng Viettel Cloud với nền tảng Azure của Microsoft.

trung tam du lieu 2.jpg

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn, công ty FPT Digital chia sẻ rằng dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là nền tảng căn bản phục vụ cho hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời đại số. Doanh nghiệp cần phân tích nhu cầu theo định hướng phát triển của mình sẽ phát triển đến mức độ nào trên môi trường số, hiện trạng về công nghệ bao gồm hệ thống ứng dụng, dữ liệu và hạ tầng đang có ra sao, mức độ sẵn sàng sử dụng điện toán đám mây đến đâu; mức độ nhạy cảm của các hệ thống công nghệ thông tin và dữ liệu như thế nào; các quy định nào cần tuân thủ và nguồn lực tài chính của mình để lựa chọn phương án dịch vụ phù hợp.

Ông Hậu nhấn mạnh doanh nghiệp nên cân nhắc đồng hành cùng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có được bức tranh toàn cảnh, xác định hướng đi và lộ trình triển khai hiệu quả, an toàn.

Các loại hình dịch vụ Cloud đang được cung cấp tại Việt Nam

1. Infrastructure as a Service (IaaS) - Hạ tầng như một dịch vụ

IaaS là mô hình cung cấp hạ tầng công nghệ như máy chủ, lưu trữ và tài nguyên mạng. Người dùng có thể thuê tài nguyên theo nhu cầu mà không cần đầu tư vào hạ tầng vật lý.

Ưu điểm: Linh hoạt, dễ mở rộng, giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Nhược điểm: Người dùng phải tự quản lý hệ điều hành và ứng dụng.

Amazon Web Services, Microsoft Azure, Google Cloud là những nhà cung cấp IaaS tại Việt Nam. Các dịch vụ IaaS nội địa của FPT Cloud, Viettel Cloud cũng đang phát triển mạnh mẽ.

thi-phan-iaas-vn.jpg

2. Platform as a Service (PaaS) - Nền tảng như một dịch vụ

PaaS cung cấp một nền tảng để phát triển, thử nghiệm, triển khai và quản lý các ứng dụng mà không cần lo lắng về việc quản lý cơ sở hạ tầng phần cứng.

Ưu điểm: Giúp giảm bớt gánh nặng về quản lý cơ sở hạ tầng, tập trung vào phát triển ứng dụng.

Nhược điểm: Hạn chế về tùy chỉnh cơ sở hạ tầng.

Google App Engine, Microsoft Azure App Services, Heroku là những nền tảng PaaS phổ biến toàn cầu. Tại Việt Nam, các nền tảng PaaS như VNG Cloud cũng đang được chú ý.

vnpt cloud 2.jpg
Nhân viên làm việc tại Trung tâm dữ liệu của CMC

3. Software as a Service (SaaS) - Phần mềm như một dịch vụ

SaaS cung cấp phần mềm qua internet, người dùng có thể sử dụng trực tiếp mà không cần cài đặt hay quản lý phần mềm đó trên máy tính cá nhân.

Ưu điểm: Dễ sử dụng, không cần cài đặt, chi phí thấp hơn so với phần mềm truyền thống.

Nhược điểm: Phụ thuộc vào nhà cung cấp về mặt bảo mật và dữ liệu.

Microsoft 365, Google Workspace, Salesforce là những ứng dụng SaaS phổ biến. Tại Việt Nam, các ứng dụng như MISA, FastWork cũng là những ví dụ về SaaS trong lĩnh vực quản lý và kế toán.

4. Backup as a Service (BaaS) - Sao lưu như một dịch vụ

BaaS là dịch vụ sao lưu dữ liệu lên đám mây, giúp bảo vệ dữ liệu trước các rủi ro như mất dữ liệu do hỏng hóc thiết bị, lỗi hệ thống hoặc tấn công mạng.

Ưu điểm: Bảo vệ dữ liệu an toàn, khôi phục dữ liệu nhanh chóng.

Nhược điểm: Chi phí có thể tăng theo dung lượng dữ liệu cần sao lưu.

Các dịch vụ BaaS có thể kể đến như AWS Backup, Google Backup and Sync, Acronis Cloud Backup. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp như FPT, CMC Telecom cũng cung cấp dịch vụ BaaS cho doanh nghiệp.

5. Disaster Recovery as a Service (DRaaS) - Khôi phục sau thảm họa như một dịch vụ

DRaaS là dịch vụ khôi phục hệ thống IT sau các sự cố nghiêm trọng như thiên tai, tấn công mạng, mất điện. Hệ thống sẽ được khôi phục từ bản sao lưu dữ liệu trên đám mây.

Ưu điểm: Đảm bảo hệ thống luôn hoạt động, giảm thiểu thời gian gián đoạn.

Nhược điểm: Chi phí cao hơn so với các dịch vụ sao lưu đơn giản.

Các dịch vụ DRaaS phổ biến có thể kể đến như Veeam, Zerto, AWS Elastic Disaster Recovery. Ở Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ như Viettel và FPT cũng bắt đầu cung cấp các giải pháp DRaaS.

6. Database as a Service (DBaaS) - Cơ sở dữ liệu như một dịch vụ

DBaaS là dịch vụ cung cấp cơ sở dữ liệu qua đám mây. Người dùng có thể truy cập, quản lý cơ sở dữ liệu mà không cần lo lắng về hạ tầng phần cứng.

Ưu điểm: Quản lý cơ sở dữ liệu đơn giản, dễ dàng mở rộng.

Nhược điểm: Chi phí tăng theo dung lượng và số lượng giao dịch.

Amazon RDS, Google Cloud SQL, Microsoft Azure SQL Database là các dịch vụ DBaaS được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Tại Việt Nam, một số nhà cung cấp như CMC cũng đã cung cấp dịch vụ DBaaS cho khách hàng.

Theo ước tính của VNCDC, nếu 100 triệu người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ đám mây, thì riêng thị trường lưu trữ đám mây có thể đạt mức 10.800 tỉ đồng. Nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt chuyển sang dùng dịch vụ đám mây, thị trường sẽ đạt mức 53.200 tỉ đồng (khoảng 2,3 tỉ USD).