Cuộc đua giành thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam

Bài 2: Doanh nghiệp nội trong cuộc đua với các "ông lớn" nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà cung cấp dịch vụ Cloud nội địa đã đáp ứng tốt hạ tầng lưu trữ, sao lưu dự phòng phục vụ nhu cầu các cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ còn gặp không ít thách thức về thương hiệu và hệ sinh thái sản phẩm.

Bài 2: Doanh nghiệp nội trong cuộc đua với các "ông lớn" nước ngoài

Như đã đề cập trong bài viết trước, thị trường dịch vụ đám mây (Cloud) tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các "ông lớn" nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa. Mặc dù lép vế trước tiềm lực về tài chính và công nghệ so với các ông lớn nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nội địa đang từng bước vươn lên mạnh mẽ bằng những "chiêu thức" riêng.

Nếu như năm 2020 thị phần dịch vụ Cloud của doanh nghiệp nội địa là 20% thì đến năm 2023 đã tăng lên 22%. Mục tiêu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là đến năm 2025, 100% cơ quan sử dụng dịch vụ đám mây, trong đó 70% doanh nghiệp sẽ sử dụng dịch vụ đám mây của công ty nội địa.

Theo số liệu của Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông, hiện tại Amazon Web Service (AWS) đang dẫn đầu thị trường dịch vụ Cloud tại Việt Nam với thị phần 33%, tiếp theo là Microsoft Azure (21%) và Google Cloud (21%). Một số nhà cung cấp nước ngoài khác chiếm 3% thị phần. 22% còn lại thuộc về các nhà cung cấp nội địa với Viettel chiếm tỷ lệ 25%, CMC 15%,FPT 12%, VNPT 10%, VC Corp 6%...

Doanh nghiệp ngoại áp đảo thị phần dịch vụ Cloud, cơ hội nào cho doanh nghiệp nội?

Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường dịch vụ Cloud.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp tích hợp hệ thống, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud trong nước đang nắm giữ nhiều lợi thế quan trọng trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế tại thị trường Việt Nam. Sự am hiểu sâu sắc về nhu cầu và đặc thù của khách hàng ở địa phương giúp các nhà cung cấp nội địa đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cụ thể của thị trường, đặc biệt là vấn đề tư vấn và “đi cùng” khách hàng trong cả quá trình xây dựng và vận hành hạ tầng nói riêng và quá trình chuyển đổi số nói chung.

Bên cạnh đó, khả năng tuân thủ nhanh chóng và chính xác các quy định luật pháp, đặc biệt là về bảo mật và lưu trữ dữ liệu, mang lại sự tin cậy và an tâm cho khách hàng trong nước.

Thị phần dịch vụ Cloud tại VN.jpg

Đặc biệt, các telco (nhà mạng viễn thông) như VNPT có ưu thế vượt bậc so với nhà cung cấp quốc tế, hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp các dịch vụ đám mây chất lượng cao về băng thông, tốc độ kết nối, khách hàng sẽ không tốn thêm chi phí băng thông trong quá trình sử dụng so với nhà cung cấp quốc tế.

Việc tiếp cận các công nghệ mới, phát triển các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây cũng dễ dàng hơn xưa rất nhiều.

Ông Khánh đánh giá thị phần 78% và 22% hiện nay giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng gia tăng cho doanh nghiệp nội với điều kiện các doanh nghiệp này có sự đầu tư bài bản và có quyết tâm lớn.

Cũng có nhận định tương tự, ông Nguyễn Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, công ty FPT Smart Cloud, nói rằng Việt Nam là một trong các nước có chính sách về dữ liệu và an ninh mạng khắt khe; có chính sách vận động sử dụng, thúc đẩy các nhà cung cấp trong nước, cụ thể là các chính sách yêu cầu một số loại dữ liệu chỉ được phép lưu trữ tại Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Cloud nội địa sẽ có lợi từ các chính sách này.

vt_nguyen khuong duy.jpg
Ông Nguyễn Khương Duy cho rằng chính sách của nhà nước về lưu trữ dữ liệu giúp các doanh nghiệp Cloud nội địa hưởng lợi

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn FPT Digital cũng cho rằng: Các doanh nghiệp Cloud nội địa có lợi thế đáng kể nhờ vào sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, văn hóa kinh doanh, quy định pháp luật, và nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

Sự thấu hiểu này cho phép họ đưa ra các giải pháp dịch vụ phù hợp và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặc thù của khách hàng trong nước. Hơn nữa, với mối quan hệ đối tác rộng rãi với các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nội địa, họ dễ dàng tiếp cận nguồn lực và thông tin, giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và duy trì sự ổn định trong quá trình hoạt động.

Với cơ cấu tổ chức linh hoạt, doanh nghiệp nội có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và quy trình kinh doanh để bắt kịp với sự biến động liên tục của môi trường kinh doanh.

Một lợi thế khác là chi phí vận hành thường thấp hơn, nhờ vào việc tận dụng các nguồn lực sẵn có, điều này giúp các doanh nghiệp Cloud nội địa cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Cloud nội địa đang đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Đoàn Hữu Hậu, nguồn lực tài chính thường là một trong những rào cản lớn, khiến họ khó khăn hơn trong việc đầu tư vào công nghệ mới và mở rộng quy mô hoạt động. So với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nội có thể chậm chân hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất.

Mặt khác, quy mô nhỏ hơn và thiếu kinh nghiệm quản lý, vận hành các trung tâm dữ liệu lớn cũng là một yếu tố hạn chế, khiến doanh nghiệp nội khó có thể cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh mẽ từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, mạng lưới khách hàng của doanh nghiệp nội thường hẹp hơn, gây khó khăn trong việc tiếp cận các khách hàng lớn và mở rộng thị phần.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là trong các mảng chuyên sâu như ứng dụng cloud trong AI và Big Data, đang là một rào cản lớn đối với sự phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, những khó khăn này hoàn toàn có thể thay đổi được, như tại VNPT, việc thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho mảng điện toán đám mây, công nghệ cao đang là một trong những chiến lược hàng đầu của tập đoàn này, ông Khánh cho biết.

vnpt cloud 3.jpg
Các nhân viên của VNPT làm việc tại Trung tâm dữ liệu Nam Thăng Long

Các chuyên gia cùng thống nhất nhận định rằng, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng trên thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa nếu chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ và tiệm cận với các nền tảng tiên tiến trên thế giới, sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh đặc biệt về sự am hiểu các quy định đặc thù của Việt Nam và tâm lý khách hàng.

Sự kết hợp giữa sự hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa và khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể, giúp họ vươn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành dịch vụ điện toán đám mây.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước

Hiện nay, chính sách của nhà nước về lưu trữ và quản lý dữ liệu đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt trong việc thiết lập cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Cloud nội địa phát triển.

Tuy nhiên, ông Đoàn Hữu Hậu cho rằng hệ thống chính sách về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây hiện nay vẫn còn 6 điểm cần cải thiện nhằm giúp Việt Nam bắt kịp đà phát triển trên thế giới một cách an toàn và hiệu quả.

Thứ nhất là chính sách về Môi trường đầu tư. Đây là một trong những yếu tố then chốt cần được chú trọng.

Theo ông Hậu, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư sao cho ổn định, minh bạch và thuận lợi hơn, đặc biệt là việc cung cấp các ưu đãi về thuế và hỗ trợ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh. Một môi trường đầu tư hấp dẫn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành điện toán đám mây tại Việt Nam.

Thứ hai là chính sách về Hạ tầng cơ sở. Chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu. Đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, điện lực, cấp nước và giao thông là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu.

Việc xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao chuyên biệt cho các trung tâm dữ liệu sẽ giúp tập trung các nguồn lực, tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm cung cấp nguồn điện sạch cho các trung tâm dữ liệu sẽ góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.

vt_doan huu hau 2.jpg
Ông Đoàn Hữu Hậu cho rằng nhà nước cần phải có những thay đổi trong 6 chính sách để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Đối với chính sách về Nguồn nhân lực. Ông Đoàn Hữu Hậu cho rằng đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, Việt Nam cần tập trung vào việc đào tạo chuyên môn cao về công nghệ thông tin. Hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp là một cách hiệu quả để sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế, tạo cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, việc thu hút các chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quốc tế.

Chính sách về Pháp luật cũng cần được hoàn thiện để hỗ trợ sự phát triển của ngành điện toán đám mây. Hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng và thương mại điện tử sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành. Đồng thời, việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu là cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cập nhật các quy định về sở hữu trí tuệ cũng là một bước quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới.

Về chính sách Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các dịch vụ này với chi phí hợp lý cũng là một bước đi chiến lược, giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc xây dựng các nền tảng số quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên quy mô toàn quốc.

Cuối cùng, chính sách về Hợp tác quốc tế là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin. Đồng thời, hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp công nghệ thông tin phát triển sẽ mang lại cơ hội học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Hậu nhấn mạnh, việc hoàn thiện các chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, để thúc đẩy thị trường dịch vụ Cloud, nhà nước Việt Nam cần ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trên toàn quốc, đảm bảo rằng mọi khu vực đều có thể tiếp cận dịch vụ Cloud chất lượng cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao cũng là những yếu tố quan trọng giúp thị trường Cloud tại Việt Nam phát triển bền vững.

Trong chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do các đơn vị trong nước cung cấp.

Với mỗi tổ chức, doanh nghiệp có ý định sử dụng các dịch vụ Cloud, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Cloud phù hợp sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí, đồng thời cải thiện hoạt động nghiệp vụ và nâng cao năng lực sản xuất. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Cuộc đua giành thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam: Nên "chọn mặt gửi vàng" thế nào?