|
Các nhạc sĩ có tác phẩm bị Sky Music vi phạm
|
Trong công văn làm việc giữa VCPMC và Sky Music nêu rõ: “Căn cứ Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Căn cứ Biên bản làm việc, lấy ý kiến tác giả thành viên ngày 12/4/2018 và đơn kiến nghị của các tác giả thành viên yêu cầu VCPMC xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music; Căn cứ Biên bản làm việc ngày 9.5.2018 giữa VCPMC và Sky Music về việc Sky Music sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả thành viên VCPMC; VCPMC chính thức cảnh báo vi phạm, yêu cầu Công ty Cổ phần Sky Music chấm dứt ngay việc sử dụng và phân phối quyền tác giả một cách bất hợp pháp đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định: “VCPMC sẽ áp dụng biện pháp pháp lý cần thiết đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên theo đúng quy định của pháp luật”.
|
Biên bản làm việc giữa VCPMC và Sky Music.
|
Kinh doanh thì có lợi nhuận, còn phía nhạc sĩ chỉ nhận được những đồng tiền bản quyền ít ỏi và chính đáng cho chất xám của họ. Nhiều nhạc sĩ cho biết họ không hiểu được vì sao đến thời điểm này, khi mà luật đã rõ như ban ngày và hầu như các cá nhân, tổ chức khác đều đã thực hiện nghiêm túc luật bản quyền thì vẫn có những đơn vị tổ chức biểu diễn như Công ty cổ phần Thăng Long Show Việt Nam (tổ chức live concert Quang Hà “Trăm năm không quên”), công ty kinh doanh bản ghi như Sky Music sẵn sàng ngang nhiên vi phạm bản quyền âm nhạc.
Hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế
VCPMC cùng với việc gửi công văn yêu cầu Sky Music chấm dứt việc sử dụng tác phẩm thuộc các tác giả thành viên, đồng thời đã báo cáo Liên minh quốc tế Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời (CISAC) và các tổ chức quản lý tập thể quyền ở các nước đã ký kết hợp tác bảo hộ song phương quyền tác giả về tình hình hiện nay liên quan đến hành vi vi phạm nghiêm trọng của Sky Music.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC khẳng định: "Tất cả các tác giả thành viên thống nhất khẳng định không ủy quyền hoặc chuyển nhượng quyền tác giả cho Sky Music, đồng thời sau này cũng sẽ không làm việc với Sky Music. Và nếu Sky Music liên hệ thì sẽ yêu cầu đến VCPMC làm việc. Các tác giả thống nhất đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình có biện pháp xử lý ngay hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các tác giả thành viên”.
|
Tuyên bố mạnh mẽ của VCPMC về việc đòi lại công lý.
|
KOMCA Hàn Quốc cùng chung ý kiến cho rằng hành vi vi phạm của Sky Music phải được chấm dứt ngay lập tức. Trước thực trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc của Công ty Sky Music kéo dài trong suốt thời gian qua, tổ chức Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (Korea Music Copyrights Association - KOMCA) đã gửi thư tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm của Sky Music đối với các tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc.
Chủ tịch KOMCA, ông Myounsun Yun nêu rõ: “Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là tổ chức quản lý tập thể quyền duy nhất tại Việt Nam được Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) ủy quyền đại diện các tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc trong kho tác phẩm của KOMCA được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Sky Music cần chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả ngay lập tức”.
|
Ông Benjamin Ng - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương CISAC đánh giá cao nỗ lực bảo vệ quyền tác giả của Việt Nam.
|
Tổ chức quyền biểu diễn Vương quốc Anh (PRS) - Florent Quercioli cũng đề cập đến hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music khi đã có cảnh báo và đưa ra phương án khắc phục hậu quả từ phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Giám đốc đối ngoại Florent Quercioli khẳng định: “Sky Music đang cung cấp các dịch vụ âm nhạc ở Việt Nam và tuyên bố đã thực hiện các nghĩa vụ về quyền biểu diễn, điều này chắn chắn là không đúng bởi lẽ PRS là chủ sở hữu của những quyền này. Chúng tôi khẳng định rằng dưới hiệu lực của hợp đồng đại diện song phương giữa PRS và VCPMC vào ngày 1/1/2009, VCPMC đã được PRS ủy quyền đại diện để cấp phép quyền biểu diễn của các tác phẩm có trong kho tác phẩm của PRS tại Việt Nam”.
Trong biên bản làm việc giữa Công ty Sky Music với VCPMC, phía Sky Music đã thừa nhận hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình và thống nhất sẽ khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, phía Sky Music không tuân thủ những cam kết trong văn bản, không những thế còn cố ý tiếp tục hành vi sử dụng, kinh doanh, phân phối quyền tác giả một cách bất hợp pháp.
Trao đổi với phóng viên, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Để dứt điểm vụ việc này, chúng tôi đã gửi báo cáo đến CISAC và các tổ chức quốc tế để có biện pháp mạnh, chấm dứt tình trạng xâm phạm bản quyền của Sky Music. Đồng thời, các tổ chức quản lý tập thể quyền (Collective Management Organisation - CMOs), của các nước cũng đang gửi về VCPMC những văn bản cần thiết nhằm chỉ rõ hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music đối với các tác giả quốc tế là thành viên của VCPMC trong suốt thời gian qua. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã có 2 phương án để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố hình sự hoặc khởi kiện tại tòa"./.