Bản quyền âm nhạc:

Bài 2: Thiếu đạo đức kinh doanh

VietTimes -- Cùng thời điểm dấy lên nhiều vụ kiện bản quyền âm nhạc, Sky Music liên tục bị các nhạc sĩ lên tiếng tố giác về hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ.

“Hồn nhiên” vi phạm

Được biết, trong quá trình tra soát và tìm phương án thích hợp cho việc khắc phục và bồi thường thiệt hại, phía Công ty Cổ phần Sky Music vẫn tiếp tục sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc với tên gọi “XMusic Station” thông qua các website http://xms.vn, http://xmusicstation.com và các ứng dụng nghe nhạc Xmusic, XmusicStation, nhưng không xin phép tác giả, cũng như không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả thông qua VCPMC. “Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 20, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ” – Luật sư Phan Vũ Tuấn, đoàn Luật sư TP HCM khẳng định.

Bài 1: Từ một live show bị kiện tơi bời...

Bức xúc trước việc tác phẩm của mình và nhiều nhạc sĩ trong cả nước đang bị khai thác trái phép, nhạc sĩ Thế Hiển khẳng định: “Sky Music chỉ là đơn vị kinh doanh nhạc nên phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả trước khi khai thác, kinh doanh. Hành vi của Sky Music rõ ràng là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Chúng tôi đề nghị VCPMC phải có biện pháp xử lý triệt để hành vi xâm phạm của Sky Music, kể cả khởi kiện tại tòa án”.

Luật sư Phan Vũ Tuấn giải thích: “Dựa trên các hợp đồng ủy quyền hiện tại, dựa vào quy định của Điều 42 Nghị định 22/2018 về quyền quản lý tập thể, theo đó tác giả đã ký thỏa thuận sẽ giao cho trung tâm, ngoài câu chuyện giao kết, thỏa thuận còn là thông lệ quốc tế và chúng ta phải nhìn nhận, phân định rõ vấn đề ở nhiều khía cạnh và trên chính hợp đồng đó để khẳng định mức độ vi phạm. Việc sử dụng không xin phép rõ ràng là hành vi xâm phạm vì đã vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan dựa trên điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Sky Music thiếu đạo đức kinh doanh?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết có nhận cuộc hẹn gặp gỡ với CEO của Sky Music để nghe “xin lỗi, trình bày và giải thích cùng với mong muốn hợp tác cùng anh Chung”, nhưng: “Đến sát giờ hẹn, nhân viên bên Sky Music nhắn tin địa chỉ công ty và kêu tôi qua đó. Một người đàng hoàng và nhiệt tình, muốn xin lỗi sẽ qua gặp tôi, sẽ không có lối cư xử trịch thượng như vậy, nên tôi từ chối. Vì tôi không đi xin”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đặt ra rất nhiều câu hỏi: “Vì sao các anh kinh doanh âm nhạc của nhạc sĩ chúng tôi bao nhiêu lâu nay không xin phép, mà đến khi bị tố cáo, các anh lại xóa mất dữ liệu trên hệ thống, rồi yêu cầu chúng tôi phải sang VCPMC để đòi tiền? Trong khi các anh cũng không hề ký kết với VCPMC?” 

“Phép lịch sự tối thiểu mà các anh còn không có được, vậy thì nói gì đến đạo đức kinh doanh? Đừng viện dẫn luật hay đưa luật sư ra để nói chuyện với nhạc sĩ chúng tôi, vì các anh đã sai ngay từ đầu khi kinh doanh không xin phép. Các anh dẫn luật để bào chữa, để chống chế cho hành vi sai trái đó càng gây thêm sự phẫn nộ trong cộng đồng nhạc sĩ dành cho “kiểu con buôn” của công ty các anh. Hãy nhìn xem bây giờ đã bao nhiêu nhạc sĩ phát hiện ra các anh lén kinh doanh bao nhiêu năm nay rồi?” – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chỉ trích nặng nề những vi phạm của Sky Music.

“Các anh càng dẫn luật chỉ càng chứng minh rằng các anh không có đạo đức kinh doanh, không có thiện chí hợp tác cùng nhạc sĩ mà chỉ muốn cướp chất xám của nhạc sĩ” – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mạnh mẽ đưa ý kiến.

Loại trừ những ứng xử kiểu “con buôn”

Nhiều tháng trôi qua, phía Sky Music vẫn chưa thống nhất phương án khắc phục và bồi thường thiệt hại. Nghiêm trọng hơn, Sky Music đã không thực hiện đúng thỏa thuận tại biên bản làm việc ngày 9/5/2018 về việc gửi thông báo đến các đơn vị sử dụng nhạc về phạm vi quyền cấp phép: Sky Music chỉ cấp quyền liên quan (nếu thuộc phạm vi quản lý của Sky Music); VCPMC quản lý, khai thác quyền tác giả. Trong quá trình ký hợp đồng với đơn vị sử dụng, Sky Music chỉ cấp quyền liên quan và thông báo rõ cho đơn vị sử dụng biết, đối với quyền tác giả phải liên hệ VCPMC để thực hiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Trần Minh Phi, Võ Thiện Thanh, Hoài An cùng nhiều nhạc sĩ khác cho biết: “Sky Music đã liên hệ đề nghị ký kết hợp đồng để hợp thức hóa hành vi xâm phạm quyền tác giả của họ nhưng chúng tôi từ chối hợp tác. Đề nghị VCPMC sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các tác giả thành viên. Hãy loại bỏ những ứng xử kiểu “con buôn” trong giới nghệ thuật”.

Bà Ngô Mai Hà (trái) đại diện cho 2 gia đình nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Phạm Trọng Cầu. Bà Kha Thị Đàng (phải) đại diện gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ tại cuộc họp với VCPMC.
Bà Ngô Mai Hà (trái) đại diện cho 2 gia đình nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Phạm Trọng Cầu. Bà Kha Thị Đàng (phải) đại diện gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ tại cuộc họp với VCPMC. 

Trước tình hình quyền tác giả bị vi phạm nghiêm trọng, đại diện gia đình nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, bà Ngô Mai Hà cũng thống nhất đồng ý để VCPMC đại diện giải quyết với Sky Music với các tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thuỵ̣ Miên và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. “Chúng tôi không bán tác phẩm cho bất cứ tổ chức nào khác. Chúng tôi rất trân quý VCPMC vì đã bảo vệ tốt quyền lợi cho các nhạc sĩ”, bà Mai Hà nói.

Ông Hoàng Văn Bình – Phó Tổng giám đốc VCPMC khẳng định sẽ áp dụng biện pháp pháp lý cần thiết đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên theo đúng quy định của pháp luật.