Thế hệ nghệ sĩ múa nổi bật nhất trong số những người làm nghề đương đại, người thì luôn phải ra đường với thắt lưng bảo hộ đặc biệt, người thì chấn thương nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Tuổi diễn đối với nghề múa rất khắc nghiệt, vậy mà nhiều nghệ sĩ của chúng ta đã duy trì được tuổi diễn rất dài trên sân khấu rồi mới chuyển sang làm công tác đào tạo hoặc quản lý.
Ngàn học sinh chỉ có vài tài năng
“Một trong những vở diễn kinh điển ấn tượng là Spactacus (vở ballet đầu tiên và nổi tiếng nhất trên thế giới) do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn đã mấy chục năm qua không được diễn lại, điều đó khiến cho thế hệ nghệ sĩ múa bây giờ mất đi cơ hội được thưởng thức và đào tạo” - NSND Hà Thế Dũng tham gia tới 3 vai chính trong vở này hồi ức. Trải qua quãng thời gian vượt muôn vàn khó khăn để múa, NSND Hà Thế Dũng đã chuyển sang làm công tác đào tạo, là hiệu trưởng trường Múa TP.HCM từ năm 2003 tới nay.
Diễn viên - biên đạo múa Lê Ngọc Văn trở về từ nước Anh
|
Làm thế nào để nuôi dưỡng và truyền lửa đam mê cho những tài năng ở thế hệ kế cận? NSND Hà Thế Dũng cho biết: “Những chấn thương về xương, dây chằng, đầu gối… mà các nghệ sĩ đã gặp phải là sự đánh đổi đau đớn của số phận. Mà hiện tại không có chuyên khoa trong các bệnh viện để chữa trị cho họ nên cứ mỗi khi nghệ sĩ không may bị mắc phải là coi như buộc phải bỏ nghề. Còn các mối nguy khác nghệ sĩ múa thường bị mắc phải do thời tiết nóng ẩm và chế độ lao động chưa hợp lý như khớp, cơ, bao tử… cũng bị rất ảnh hưởng nặng nề và kéo dài thường xuyên nhưng chưa hề có bảo hiểm gì cho nghệ sĩ”.
Sáng tạo trong điều kiện làm việc của nghề múa rất khắt khe, hạn hẹp, hầu như phòng ốc chỉ có những thiết bị tối thiểu, ra đời đi diễn catse quá thấp, nên tuyển sinh không dễ. “Vậy mà các trường đào tạo tài năng như chúng tôi, không hiểu sao, vẫn có chỉ tiêu. Nếu tuyển không đạt được số lượng thì không hoàn thành nhiệm vụ à? Đào tạo tài năng buộc phải theo “thời vụ” từng mùa và yếu tố tiên quyết là phải đạt chuẩn nghệ thuật” – NSND Hà Thế Dũng nói.
Nguyễn Thu Huệ, nghệ sĩ solist của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
|
NSND Hà Thế Dũng cho biết thêm: “Điều kiện cơ thể của người Việt mình rất hạn chế, tuyển sinh rất khó. Tuyển được các em vào rồi, chỉ một – hai năm học là sẽ thấy học sinh đó có thể đi tiếp hay không. Ngay cả khi học xong, tốt nghiệp ra trường rồi, không phải em nào cũng có thể theo nghề múa”.
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến cho biết: “Yến tốt nghiệp cách đây 12 năm, cả lớp chỉ còn một mình Yến theo nghề tới tận bây giờ. Bởi quyết định học múa và theo nghề múa đến cùng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Phải cứng cỏi lắm, mạnh mẽ lắm, hy sinh lắm mới có thể đi đến cùng”.
“Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam may mắn có được mấy gương mặt nổi bật, mỗi người học từ một nơi. Nguyễn Thu Huệ tốt nghiệp từ Trường Múa Việt Nam, solist các vở: Chopiana, Hồ Thiên nga, Kẹp Hạt dẻ, Giselle, Secret Garden; Phạm Thu Hằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Múa Việt Nam, diễn chính Mối tình thành cổ, Cái chết và cô gái, Bobro, Le Banc…; Lê Ngọc Văn trở về hợp tác dàn dựng những vở múa lớn sau khi tốt nghiệp từ Viện Hàn lâm Âm nhạc và múa Lyon (Pháp), từ năm 1998 đến 2003 là diễn viên múa chính thức tại BALLET NATIONAL DE MARSEILLE, Pháp; từ 2003 đến nay: là diễn viên múa chính thức tại Nhà hát Ballet vương quốc Anh… Ở trong nước, đào tạo múa đúng là khó như dẫm lên bàn chông, cả ngàn em, rơi xuống chưa chắc được vài tài năng còn sống sót và tỏa sáng” – NSƯT Trần Ly Ly – giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nói.
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến trong vở "Kẹp hạt dẻ" vừa công diễn ba đêm: 7,8,9/12 tại Nhà hát TP.HCM
|
Đừng miễn phí cho khán giả
Để có thể đào tạo thế hệ nghệ sĩ múa tài năng kế cận, nếu chỉ từ các nhà trường thôi thì đã đủ hay chưa? “Rất cần đào tạo tại các sân khấu múa chứ giảng đường không thì không đủ. Cần nhiều hoạt động giao lưu, đưa nghệ sĩ Việt ra nước ngoài và đưa nghệ sĩ từ nước ngoài về Việt Nam giao lưu. Nhưng các hoạt động của sân khấu múa chuyên nghiệp hiện tại còn quá hạn chế. Thật buồn là nghệ sĩ chưa sống được bằng nghệ thuật” – NSƯT Hà Thế Dũng phân tích.
“Tôi muốn đêm diễn bước ra khỏi khuôn khổ quản lý văn hóa thông thường, là nơi mà nghệ sĩ được đi tận cùng xúc cảm. Tôi ước ao có một không gian riêng để thực hiện những vở múa đi đến tận cùng của vẻ đẹp tự nhiên là khỏa thân. Tôi luôn tôn trọng cái tự nhiên tối đa bởi tự nhiên của con người là đẹp nhất, chỉ đừng nhìn với con mắt nhục dục. Ở tất cả đoàn múa nổi tiếng thế giới, việc cởi quần áo là chuyện bình thường. Nhưng muốn như thế khán giả cũng phải biết thưởng thức” – NSƯT Trần Ly Ly nói.
"Mảnh đất" để các nghệ sĩ ballet có thể bay bổng là vô cùng quan trọng
|
Các nghệ sĩ đều khẳng định rất cần phải làm công tác đào tạo khán giả cho múa. Cần có những chương trình mang tính chất giáo dục nhẹ nhàng, gợi mở để khán giả hiểu nhiều hơn về múa. Từ chỗ thấy quen thuộc, mới dần dần cảm thụ và biết yêu môn nghệ thuật trừu tượng này.
Nhưng đừng tạo ra một xã hội có quá nhiều thứ cho không, phải dứt khoát: “Đừng miễn phí! Hãy lập trình bán vé và bán đúng vào đối tượng để “đào tạo” khán giả của vở múa. Khán giả phải trả tiền thì họ mới hiểu giá trị của nghệ thuật, thật sự chú tâm vào vở diễn và tìm cách để tiếp cận cũng như hiểu nghệ thuật múa hơn” – NSND Hà Thế Dũng đưa ý kiến.