Bài 2: Nhạc kịch Việt - Tham vọng hay hy vọng?

Viettimes – Đầu tư lớn, hy sinh cực khổ, nhưng rất khó để khẳng định nhạc kịch (musical) là giấc mơ đẹp hay là tham vọng ngoài tầm với của nghệ sĩ Việt.
Rất nhiều nghệ sĩ đã cố gắng xây dựng nhạc kịch Việt
Rất nhiều nghệ sĩ đã cố gắng xây dựng nhạc kịch Việt

Thiếu nền tảng vững chắc 

NSƯT Thành Lộc khẳng định nếu vẫn sử dụng phần âm nhạc thu sẵn, dù nghệ sĩ hát thật trên nền phối âm, vẫn sẽ không có gì mới, do vậy ekip Tiên Nga quyết tâm mời cho được dàn nhạc sống. Áp lực rất nhiều khi diễn viên kịch không thể hát sống vì không biết nhịp. Nhạc sĩ và đạo diễn đã phải rất khổ luyện cho việc này, để diễn viên Tiên Nga có thể hòa vào tác phẩm với tiếng hát từ nội lực và cảm xúc.

Không chỉ muốn mang đến cho khán giả những buổi trình diễn nhạc kịch tuyệt vời với nội dung lôi cuốn và những màn vũ điệu đẹp mắt, các vở nhạc kịch còn mong muốn khán giả có thể theo dõi tác phẩm một cách gần gũi, thoải mái và trọn vẹn nhất.

Nghệ sĩ Thành Lộc trong vở "Tiên Nga"
Nghệ sĩ Thành Lộc trong vở "Tiên Nga"  

“Tại sao nhạc kịch thế giới có thể thành công trên những sân khấu lớn với đầu tư cực cao như Broadway (New York) hay West End (London)? Là bởi vì họ có công nghệ hiện đại, nền móng tổng thể, đạo diễn tốt, diễn viên giỏi, tạo được cảm giác câu chuyện trên sân khấu trở nên thật hơn, gần hơn với đời sống, khán giả được bước vào câu chuyện chứ không phải chỉ đứng ngoài xem vở diễn” - Tổng Đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương, tác giả kịch bản Chuyện tình nàng Giáng Hương – một nhạc kịch với câu chuyện thuần Việt cho biết.

Ca sĩ Nam Khánh từng giữ nhiều vai chính trong các vở nhạc kịch khẳng định: “Nhạc kịch không chỉ là để giải trí mà là môn nghệ thuật có chiều sâu và đồng thời là một ngành kinh tế, vừa lan tỏa văn hóa, vừa kích thích nghệ sĩ trau dồi, học hỏi. Nếu xây dựng được nền nhạc kịch, quốc gia có thể tôn vinh kho tàng văn hóa, còn dân chúng được nâng dần trình độ thẩm mỹ. Những giá trị vô hình này không thể cân đong đo đếm được và chắc chắn không thể nhìn thấy trong một vài năm. Nhiều  khi nó là câu chuyện của cả một đời”.

Ca sĩ Nam Khánh và Lý Hoàng Kim trong nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương"
 Ca sĩ Nam Khánh và Lý Hoàng Kim trong nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương"

Nửa đường đứt gánh

Nhiều nhạc kịch ra đời nhưng không thể có tuổi thọ kéo dài như Chicago, Tuyết Sài Gòn, Vũ nữ, Tấm Cám, Lọ Lem truyền kỳ

“Các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới hầu như đều sống bằng tài trợ, hỗ trợ từ các mạnh thường quân chứ cho dù bán vé tốt đến mấy thì cũng không có đoàn nghệ thuật nào sống hoàn toàn bằng tiền bán vé. Chúng tôi cũng không mong có được lợi nhuận từ nhạc kịch mà chỉ mong đừng lỗ quá khiến ảnh hưởng đến các công việc kinh doanh khác. Nhưng, đi mãi cũng mệt rồi. Làm nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương, tôi đã nhận rất nhiều chỉ trích. Trong giới làm kinh doanh ở Việt Nam, chắc chỉ có tôi là… khùng thôi. Hiện tại, tôi buộc phải tạm dừng. Tôi chưa tìm ra vốn để đầu tư tiếp” – Tổng đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương buồn bã nói.

Kinh doanh thua lỗ, các nghệ sĩ tiên phong với nhạc kịch tại Việt Nam đã phải trả giá rất đắt để có thể sống một quãng thời gian không dài với đam mê. Sự thất bại, nửa đường đứt gánh của đa phần các nghệ sĩ gầy dựng nhạc kịch khiến cũng không ít ý kiến cho rằng nhạc kịch Việt vẫn chỉ là tham vọng ngoài tầm với.

Nhưng rất nhiều khán giả lần đầu tiên làm quen với thể loại nhạc kịch qua vở diễn Tiên Nga, Chuyện tình nàng Giáng Hương… đã chia sẻ rằng họ vô cùng cám ơn các nghệ sĩ vất vả, khổ luyện để cống hiến cho đời những vở diễn trên cả tuyệt vời. Nhiều khán giả thổn thức kể rằng họ không đủ lời để diễn đạt cảm xúc của mình khi người cứ run lên theo từng khung nhạc nhất là những đoạn kịch tính; diễn xuất của diễn viên và đặc biệt là âm nhạc của vở diễn đã chạm thật sâu vào từng cảm xúc của người xem...

Nhạc kịch "Tấm Cám"
 Nhạc kịch "Tấm Cám"

Những tâm sự như thế của khán giả chắc chắn là đã đặt một niềm hy vọng rất lớn cho những người làm nghề. Những vở nhạc kịch đầy tính giải trí, phong cách West End hay Broadway nhưng cũng rất đậm nét văn hóa Việt, đầy ắp thân phận và nỗi niềm thời cuộc quả thực luôn có sức hút rất lớn đối với khán giả và cũng là những gia tài văn hóa xứng đáng để gìn giữ.

Thông tin từ Hội đồng Chung khảo giải thưởng VHNT TP.HCM lần 2 (2012 - 2017) mới đây cho biết thành viên hội đồng đã bỏ phiếu với tỉ lệ rất cao ghi nhận nhạc kịch Tiên Nga.

Chắc chắn nhạc kịch có lý do để tồn tại và “sống khỏe” trên thế giới. Hãy cùng chờ đợi và mơ về những phép màu trong tương lai khi sức sống của nhạc kịch thực sự lan tỏa được đến với khán giả Việt.

Nhạc kịch "Tiên Nga" (Kịch bản: Thành Lộc, Âm nhạc: Đức Trí) là tâm huyết của không ít nghệ sĩ.
 Nhạc kịch "Tiên Nga" (Kịch bản: Thành Lộc, Âm nhạc: Đức Trí) là tâm huyết của không ít nghệ sĩ.