|
Nhà hát thành phố hiện tại nằm gần ga tàu điện ngầm trung tâm, có vị trí đẹp, dễ thu hút khách (Ảnh: Hoà Bình) |
Dự án ngàn tỉ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM - công trình văn hoá kéo dài kỷ lục, trên 40 năm vẫn chỉ nằm trên giấy, mới đây lại dấy lên những lo lắng trong người đọc.
Ngày 25/2/2021, Công văn Khẩn số 91/TB-VP của UBND TP.HCM, gửi tới Sở Văn hoá & Thể thao và các cơ quan liên quan, Thông báo về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoà Bình, về nội dung kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nội dung công văn cho biết, hôm 22/2/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về nội dung kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch. Tham dự buổi họp, có lãnh đạo và đại diện các đơn vị: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, UBND TP Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo, ông Lê Hoà Bình có chỉ đạo như sau: “Công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là công trình quan trọng, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố, có ý nghĩa đặc biệt trong việc thể hiện giá trị văn hoá và dấu ấn kiến trúc của TP.HCM, ngoài tiêu chí lựa chọn phải hợp lý về công năng, hiệu quả sử dụng mà còn phải xem xét đến những yếu tố có khả năng triển khai thi công, khả thi trong thực tiễn. Trên cơ sở đánh giá xếp hạng của Hội đồng thi tuyển và ý kiến góp ý của các thành viên dự họp; giao Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình, báo cáo trình ban cán sự Đảng uỷ UBND TP.HCM trong tháng 2/2021 để có ý kiến trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, thông qua” (Trích công văn khẩn số 91).
Được biết, cũng trong ngày 25/2/2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA ĐTXD) có Tờ trình gửi UBND TP.HCM “Về kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại Lô 1-21, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM.
|
Nhà hát Giao hưởng, Nhạc Vũ kịch sẽ được xây tại Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh- Google maps |
Nội dung Tờ trình có thông tin: “Trong 2 ngày 9 và 10/9/2020, Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch đã tiến hành chấm các bài dự thi. Trong hai ngày chấm thi, Hội đồng thi tuyển đã nghe báo cáo 10 phương án thiết kế. Các thành viên Hội đồng làm việc độc lập, đánh giá từng phương án, bỏ phiếu chọn 5 phương án vào vòng 2. Cụ thể, gồm các phương án có mã số: A747, L013, D102, V102, S099”.
“Phương án dự thi có mã số S099 của Liên danh Công ty Tư vấn thiết kế Studio Milou và Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội (Pháp và Việt Nam) có số điểm: 86.80”.
“Phương án dự thi có mã số D102 của Công ty GMP International GmbH (CHLB Đức) có số điểm: 82.58”.
Theo nguồn tin riêng từ độc giả phản ánh tới VietTimes, cuộc thi phương án thiết kế kiến trúc cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đã trải qua hai lần chấm thi. Dữ liệu điểm số vừa rồi là lần chấm thi thứ 2.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2020, ở lần chấm thứ nhất, phương án dự thi có mã số S099 đạt 91 điểm, còn phương án dự thi có mã số D102 đạt 77 điểm.
Lý do vì sao mà cần có lần chấm thứ 2 thì không công bố khiến nhiều đơn vị gửi phương án thiết kế đến dự thi cảm thấy khó hiểu. Và được biết, cho đến hiện tại kết quả chấm thi nói trên cũng chưa chính thức được công bố mà không cần lý do.
Việc tổ chức cuộc thi phương án thiết kế kiến trúc cho công trình quan trọng, dự án ngàn tỉ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM là cần thiết, bởi công trình “nổi đình đám” này triển khai đã hơn 40 năm mà cho đến hiện tại vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến các nghệ sĩ vô cùng vất vả khi không có đủ thiết chế văn hoá cho công cuộc hoạt động nghệ thuật và xây dựng bộ mặt văn hoá của TP.HCM.
Tuy nhiên, từ góc nhìn chuyển đổi số, VietTimes xin được đề cập đến việc sự thiếu minh bạch thông tin khi chưa chịu chuyển đổi số trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ luỵ, phiền hà, sai sót. Giá như ở từng giai đoạn của cuộc thi, các đơn vị dự thi được nắm bắt thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch trên một nền tảng số, sẽ tâm phục khẩu phục, không dẫn tới những dư luận trái chiều, tin đồn thất thiệt.
Trích Quy chế thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch đã công bố:
1 Giải Nhất: 1.200.000.000 đ (Một tỉ hai trăm triệu đồng)
1 Giải Nhì: 700.000.000 đ (Bảy trăm triệu đồng)
1 Giải Ba: 300.000.000 đ (Ba trăm triệu đồng)
1 Giải Khuyến khích: 100.000.000 đ (Một trăm triệu đồng)
(Còn tiếp)