|
LTS: Mới đi qua hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hơn 100 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó nhiều người bị cách hết chức vụ, thậm chí vào tù vì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tính riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Nhìn lại các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn, VietTimes đã nghiên cứu thủ đoạn, hành vi của từng quan tham trong các vụ án. Loạt bài này sẽ nhận diện các quan tham ở Việt Nam gần đây, từ đó cùng các chuyên gia lý giải và đưa ra các giải pháp phòng ngừa tận gốc nạn tham nhũng.
Cách đây 46 năm, trong bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra tháng 8/1978, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra hàng loạt các hiện tượng “móc ngoặc” của cán bộ, quan chức nhằm làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước, mưu lợi ích cá nhân. Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra thủ đoạn của loại tội phạm “móc ngoặc”.
“Móc ngoặc nhiều khi không chỉ là quan hệ giữa hai bên, hai người. Nó còn là sự ăn cánh của cả một nhóm người như thủ kho thông đồng với kế toán, bảo vệ, lái xe ăn cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước, của tập thể. Một số cán bộ phụ trách cũng đồng lõa với những phần tử xấu, bỏ qua những hành động làm ăn gian dối, xảo trá của bọn này để bớt xén nguyên liệu của Nhà nước, làm hàng xấu, kinh doanh, sản xuất sai chính sách, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Thủ đoạn thường thấy của những người móc ngoặc là bắt đầu “lót tay”, biếu xén, “thả con săn sắt” để chuẩn bị “bắt con cá rô”. Họ dụng công đánh một cái móc thật sắc, thật ngọt để khi điều kiện chín muồi họ sẽ móc. Có khi họ móc rất nặng tay, bên kia gỡ mấy cũng không nổi.” - trích bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên Tạp chí Cộng sản năm 1978.
Từ bài viết của Tổng Bí thư cách đây hơn 46 năm, có thể thấy, “móc ngoặc” trục lợi chính sách, tham nhũng đã sinh ra từ khi chưa có cơ chế thị trường. Qua hơn 4 thập kỷ, hiện tượng “móc ngoặc” giữa các quan chức với quan chức, quan chức với doanh nghiệp để trục lợi chính sách, rút ruột ngân sách ngày càng biến tướng, tinh vi, có quy mô rộng và gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, nhân dân. Điều này đã được thể hiện qua việc phanh phui các vụ án tham nhũng Việt Á, AIC (Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế).
Biến của công thành của tư
Kể từ ngày 23/1/2020, khi phát hiện dịch Covid tại Vũ Hán, Trung Quốc, đến khi thế giới tuyên bố hết dịch, Covid-19 đã hủy hoại sức khỏe và mạng sống của nhân loại 4 năm, 2 tháng và 4 tuần. Covid-19 đã cướp đi hàng chục triệu người trên thế giới, trong đó Việt Nam có gần 43.000 đồng bào thiệt mạng.
Nhắc lại sự tàn khốc của dịch bệnh để thấy trong những ngày tháng đó, dưới lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả nước một lòng đồng tâm chống dịch. Hàng triệu người dân, doanh nghiệp góp tiền của, công sức để cùng Chính phủ chống Covid-19.
Nhưng chính trong thời điểm khó khăn đó, Phan Quốc Việt, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã nhanh nhạy bắt tay với quan chức nhiều bộ ngành từ Trung ương tới địa phương để “rút ruột” ngân sách, “hút máu” đồng bào thông qua việc bán test xét nghiệm Covid-19.
Mọi thứ bắt đầu từ việc Phan Quốc Việt có quan hệ thân thiết với ông Trịnh Thanh Hùng (lúc đó Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ) từ những năm 2012, 2013.
Khi xảy ra đại dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhận thấy cơ hội trục lợi, Việt đã bàn bạc với ông Trịnh Thanh Hùng để Việt Á tham gia phối hợp, triển khai đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm do Học viện Quân y chủ trì với mục đích sử dụng kết quả nghiên cứu để sản xuất, bán thương mại test xét nghiệm.
Việt và ông Hùng cũng thỏa thuận về việc chia % doanh thu của Việt Á từ việc bán test xét nghiệm.
Với sự tác động của ông Hùng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Nguyễn Công Tạc dù biết quyền sở hữu kết quả nghiên cứu thuộc về nhà nước nhưng vẫn ký các quyết định để Việt Á tham gia nghiên cứu, thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 (không có trong kế hoạch nghiên cứu) qua đó giúp Công ty của Việt có biên bản nghiệm thu để lập hồ sơ đăng ký lưu hành test xét nghiệm tại Bộ Y tế.
Tận dụng mối quan hệ có từ năm 2017, Việt nhờ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng phòng quản lý giá Cục Quản lý dược, cựu thư ký của ông Long) giúp Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, tiêu thụ kit test. Với sự can thiệp, chỉ đạo của ông Long và ông Huỳnh, Việt Á đã được cấp sổ đăng ký lưu hành dù cấp dưới có báo cáo sai phạm.
Với sự hỗ trợ, giúp sức từ quan chức Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á. Việc Bộ trưởng Bộ KH&CN khen thưởng và đề xuất khen thưởng đã giúp Việt đánh bóng hình ảnh. Trong lúc dịch bệnh bùng phát khiến toàn dân lo ngại, thương hiệu của Phan Quốc Việt nổi như cồn, tạo thế cạnh tranh không thể thuận lợi để làm ăn khắp cả nước.
Bắt tay “thổi giá”, “rút ruột” ngân sách
Sau khi thành công trong việc biến nghiên cứu test xét nghiệm "của công thành của tư", Phan Quốc Việt bắt đầu tiêu thụ bằng việc bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế với giá được hiệp thương là 470.000 đồng. Theo điều tra, giá thành 1 test xét nghiệm của Công ty Việt Á được xác định là khoảng 143.000 đồng (đã bao gồm các chi phí, lợi nhuận 5% và thuế) nhưng được Phan Quốc Việt đã “thổi giá” bằng cách nâng khống giá vật tư đầu vào.
Dù được báo cáo Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất kit test, cần phải thu hồi đăng ký nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại “nhắm mắt làm ngơ”, không rút đăng ký lưu hành kit test của Việt Á. Thậm chí, Bộ Y tế còn công bố giá hiệp thương lên cổng thông tin của Bộ, điều này tạo ra mặt bằng giá cao chót vót để Việt Á mang bán cho các đơn vị, địa phương theo giá đã nâng khống.
Ông Long sau đó còn chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ kit test của Việt Á tới nhiều địa phương trên cả nước, khiến các đơn vị, cơ sở y tế nghĩ đây là sản phẩm chủ lực Bộ Y tế sử dụng trong phòng, chống dịch để liên hệ mua khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, để bán được test kit ở nhiều tỉnh thành, Phan Quốc Việt cũng phải nhờ sự giúp sức, giới thiệu của nhiều quan chức, trong đó phải kể tới vai trò ông Nguyễn Văn Trịnh (trợ lý Phó thủ tướng). Ngoài việc lợi dụng vị trí của mình để giúp Việt tham gia nghiên cứu, đăng ký lưu hành, tiêu thụ kit test, Nguyễn Văn Trịnh còn giúp Việt can thiệp, chỉ đạo Bộ Y tế xóa bỏ nội dung “liên hệ với Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa để mua sinh phẩm xét nghiệm” trong văn bản gửi tới các địa phương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Á chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ test xe nghiệm.
Còn ông Nguyễn Thanh Long giới thiệu Việt Á với Bí thư tỉnh ủy Hải Dương khi đó là ông Phạm Xuân Thăng và một số tỉnh thành phố.
Tại Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã có nhiều chỉ đạo giúp Phan Quốc Việt tham gia xét nghiệm toàn tỉnh dù trước đó Hải Dương sử dụng kit test của Mỹ chỉ với giá 185.000 đồng/sản phẩm, mức giá chưa bằng một nửa giá kit test Việt cung cấp. Ngoài ra, ông Thăng còn giao CDC Hải Dương ký hợp đồng với Việt Á, công khai tại cuộc họp về việc giúp Việt Á mở rộng phạm vi xét nghiệm, đồng thời đề nghị các đơn vị đang hỗ trợ chống dịch không tiếp tục xét nghiệm.
Nhận chỉ đạo từ người đứng đầu Tỉnh ủy, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến thỏa thuận với Phan Quốc Việt “lại quả” 20-25% giá trị hợp đồng cung cấp test xét nghiệm. Sau đó, ông Tuyến chỉ đạo nhân viên cấp dưới ứng trước test xét nghiệm sử dụng trước và hợp thức hồ sơ, thủ tục để quyết toán cho Việt Á trái quy định.
Với thủ đoạn ăn chia gần như tương tự tại Hải Dương, Phan Quốc Việt lại “vươn vòi” bán kit test với giá cao ngất ngưỡng gây thiệt hại cho 18 tỉnh thành khác. Tổng thiệt hại Việt Á gây thiệt hại cho nhà nước tại 19 tỉnh thành được xác định hơn 402 tỷ đồng. Tổng thiệt hại Việt Á gây ra cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức là hơn 1.235 tỷ đồng.
Ăn chia trên nỗi đau của cả nước
Nhìn lại hồ sơ vụ án, các quan chức bị xử lý trong vụ việc này đều có động cơ vụ lợi, kiếm chác. Ví như ở Bộ KH&CN, ông Trịnh Thanh Hùng nhận từ Việt 350.000 USD (hơn 8 tỷ đồng), ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD (4,6 tỷ đồng) và Phạm Công Tạc cầm 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng).
Tại Bộ Y tế, Việt hối lộ ông Nguyễn Thanh Long với tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng), cựu trợ lý Nguyễn Huỳnh nhận 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn nhận 300.000 USD (hơn 6,9 tỷ đồng); Nguyễn Nam Liên nhận 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng). Còn ông Nguyễn Văn Trịnh được Việt cảm ơn 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng).
Tại Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng dù không yêu cầu vẫn được Việt cảm ơn bằng số tiền 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng) và hơn 1,7 tỷ đồng từ Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.
Phải nói thêm, ông Phạm Duy Tuyến là một trong những giám đốc CDC nhận hối lộ nhiều nhất từ Việt Á với tổng số tiền 27 tỷ đồng. Số tiền này được ông Tuyến “ăn chia” với cấp trên lẫn cấp dưới. Cụ thể, ngoài 1,7 tỷ đồng đưa cho ông Thăng, ông Tuyến đưa cho Giám đốc Sở y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng, một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương hơn 2,1 tỷ đồng.
Sự “vươn vòi” rộng khắp của Việt Á khiến cơ quan tố tụng trung ương và các tỉnh thành phải khởi tố hàng chục vụ án, hơn 100 bị can để điều tra, xử lý các sai phạm. Việc giá bán test xét nghiệm và hồ sơ chứng từ được "làm đẹp" từ ban đầu đã khiến hàng loạt địa phương vô tư mượn trước, đấu thầu sau mà không lo bị thanh tra, kiểm toán.
Tới nay, Phan Quốc Việt và cùng nhiều quan chức tiếp tay cho Việt Á trục lợi như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Trịnh Thanh Hùng… đã nhận những hình phạt nghiêm minh cho sai phạm của mình. Tuy nhiên, ngoài hình phạt của tòa, các vị quan chức này chắc hẳn phải tự cảm thấy xấu hổ, cắn rứt lương tâm vì trục lợi giữa lúc cả nước gặp hoạn nạn.
Trao đổi với Tạp chí VietTimes, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương, đánh giá vụ án Việt Á là điển hình của tội phạm lợi dụng chức vụ để tham nhũng khi các quan chức thoái hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống câu kết với doanh nghiệp tư nhân làm ăn bất chính.
“Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh cấp bách để tạo ra Việt Á, tự đề ra chủ trương mượn trước thiết bị, vật tư y tế sau đó thông đồng với nhau hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu. Mục tiêu của liên minh này là ngân sách nhà nước và các quỹ ủng hộ phòng chống dịch.
Ngoài ra, việc Việt thổi giá test xét nghiệm, được Bộ Y tế hiệp thương giá rồi công bố công khai không chỉ giúp Việt Á trục lợi mà còn tác động tới giá cả trên thị trường. Tôi nhớ khi đó, người dân phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để mua test xét nghiệm Covid-19 giữa lúc đang chìm trong khó khăn vì không có công ăn việc làm” – ông Sửu nói.
Nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương đánh giá, sai phạm từ vụ án Việt Á rất lớn, có thể nói vượt ra ngoài tầm lợi ích nhóm, trở thành việc lũng đoạn chính sách Nhà nước để trục lợi.
Ông Sửu cho biết thêm, thời kỳ ông còn công tác vào những năm 1990, hiện tượng liên kết giữa quan chức và doanh nghiệp tạo thành đường dây lợi ích nhóm chỉ có quy mô ở cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, giờ đây hiện tượng này đã có quy mô lớn hơn rất nhiều.
“Trước đây, chúng tôi phát hiện giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nhỏ của một tỉnh nhưng có thể tạo ảnh hưởng tới lãnh đạo tỉnh ủy ra quyết định có lợi cho công ty. Tuy nhiên, tới nay, quy mô đã lớn hơn, một doanh nghiệp có thể vươn vòi ra tới Trung ương và nhiều tỉnh, thành khác, điển hình như vụ Việt Á. Nhiều ủy viên Trung ương, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy… vì vụ lợi đã vướng vòng lao lý” - ông Sửu nói.
Trước khi Phan Quốc Việt tạo ra Việt Á để trục lợi từ dịch Covid-19, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT, đã “móc ngoặc” với nhiều cán bộ, quan chức ở TP.HCM, Đồng Nai để “gom thầu”, “rút ruột” ngân sách Nhà nước.
Ở chiều ngược lại, vì nhận hàng chục tỷ đồng từ bà Nhàn, các quan chức dùng ảnh hưởng của mình giúp AIC thâu tóm dự án, gói thầu gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
VietTimes trân trọng mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo "Quan tham dùng ảnh hưởng giúp doanh nghiệp thâu tóm dự án, gói thầu" trong tuyến bài "Nhận diện quan tham ở Việt Nam và giải pháp phòng ngừa".