Nỗi đau của nghệ thuật múa

Bài 1: Chân dung múa

Viettimes – Múa là biểu đạt nội tâm sâu kín của nghệ sĩ, đồng thời nâng tầm nhận thức nghệ thuật của khán giả chứ không phải chỉ là “trang trí” cho bài hát.
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến.
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến.

Nghệ thuật múa, môn nghệ thuật có sức quyến rũ thu hút bởi cái đẹp lột tả trực diện bằng hình thể, đường nét và ánh sáng, tính sáng tạo mạnh mẽ; được coi như đã tạo ra con đường thanh thoát, kỳ diệu, dẫn khán giả vào cõi tiên – nhưng thực chất là nghề nguy hiểm, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe và cả tính mạng của nghệ sĩ.

Hiểu lầm trầm trọng về nghệ thuật múa

Hồi ức về múa, với mỗi nghệ sĩ đều là những cuốn tiểu thuyết đẫm đầy chi tiết. Chung sống từ nhỏ với cảnh nước mắt rơi dài trên sàn tập vì những cơn đau xé người; không phải chỉ đau một lần rồi thôi, nỗi đau vì tập múa kéo dài hàng ngày, hàng giờ bởi không thể dừng lại - đồng nghĩa với việc quay về vạch xuất phát, cơ thể sẽ căng cứng và những lần tập luyện tiếp theo sẽ càng đau đớn.

"Kẹp hạt dẻ" đón Giáng sinh sớm trên sân khấu Nhà hát TP.HCM
 "Kẹp hạt dẻ" đón Giáng sinh sớm trên sân khấu Nhà hát TP.HCM

“Để có được một diễn viên đứng trên sân khấu múa, các tài năng nhí cần đưa vào trường từ 10 tuổi, tập luyện tám đến mười năm, sống với những nhân vật, trưởng thành về nội tâm của diễn viên, mới có thể lên sân khấu chuyên nghiệp” - Nhắc đến hy sinh, NSƯT Trần Ly Ly – Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nói. Trần Ly Ly khẳng định rằng: “Nghệ sĩ múa có thể chịu đựng không biên giới”.

Rất nhiều nghệ sĩ, biên đạo múa đã vượt lên những nỗi đau chấn thương về thể xác và nỗi khó nhọc thường trực trong đời sống để có thể cống hiến cho khán giả những vở diễn tuyệt vời trên sân khấu.

Vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" của nhà soạn nhạc người Nga P. I. Tchaikovsky đang công diễn tối 7,8,9/12/2018 trên sân khấu Nhà hát TP.HCM
 Vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" của nhà soạn nhạc người Nga P. I. Tchaikovsky đang công diễn tối 7,8,9/12/2018 trên sân khấu Nhà hát TP.HCM

Thế nhưng, dù hy sinh rất nhiều cho niềm đam mê nghề nghiệp nhưng ở Việt Nam, các nghệ sĩ múa đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến – một trong những nghệ sĩ solist và là Phó trưởng đoàn Ballet (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM) kể: “Bẩy năm học ở trường múa mới chỉ là nền tảng ban đầu, còn khi đã về công tác tại nhà hát, tôi phải tiếp tục học từ những vở diễn, và việc tập luyện là hàng ngày, phải rất khắt khe với bản thân. Nhiều khi lên sân khấu mà máu vẫn chảy trong đôi giày mũi cứng”.

Nhưng ở ta hiện tại, cơ hội để công diễn các vở ballet thực sự chưa nhiều. Đối với công chúng, thật buồn là dường như mọi người chỉ biết đến nghệ thuật múa qua những tác phẩm nhỏ mang tính minh họa cho các tiết mục ca nhạc? Thực ra, nghĩ như vậy là hiểu lầm trầm trọng về nghệ thuật múa.

“Múa trang trí cho các tác phẩm âm nhạc cũng cần thiết, để giúp khán giả có cảm nhận tốt hơn về tác phẩm tổng thể. Nhưng múa trang trí không phải là tất cả” – NSƯT Trần Ly Ly nói.

Vở vũ kịch "Cô bé Lọ Lem"
 Vở vũ kịch "Cô bé Lọ Lem" 

Những nghệ sĩ thiếu huy chương

Có quá nhiều hạn chế như ít sân khấu, thiếu khán giả, catse nghệ sĩ múa chỉ mang tính tượng trưng. Múa còn đòi hỏi sự sáng tạo không biên giới, cá tính riêng biệt, đức hy sinh, niềm đam mê...

“Thưởng thức ballet, trước tiên có thể thưởng thức phần âm nhạc của nó. Bản thân âm nhạc của vở ballet đã là một tác phẩm tuyệt vời và có thể được biểu diễn riêng độc lập trong các chương trình hòa nhạc. Mọi nội dung và kịch bản cũng được thể hiện trong đó. Từ phần âm nhạc gốc đó có thể sáng tạo hàng ngàn phiên bản múa khác nhau. Đây là nỗ lực của biên đạo múa. Chẳng hạn như tại VN, công chúng được biết đến ít nhất 4 phiên bản khác nhau của vở ballet Kẹp hạt dẻ (nhà soạn nhạc người Nga P. I. Tchaikovsky)” – Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến chia sẻ.

Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến trong những khoảnh khắc thăng hoa với múa
 Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến trong những khoảnh khắc thăng hoa với múa

“Bẩy mùa diễn liên tiếp, Kẹp hạt dẻ đều cháy vé. Đó là điều đáng mừng, nhưng ở một thành phố sôi động và có tới 8 triệu dân như TP.HCM thì mỗi năm diễn vở này cho khoảng 1000-2000 khán giả đã phải là con số hợp lý hay chưa?” - Trần Hoàng Yến trăn trở.

Trả giá nặng nề, vượt lên nỗi đau về mặt thể xác và cả tinh thần để có thể cống hiến cho khán giả từng vai diễn. “Sự thật đau đớn là những đánh đổi của nghệ sĩ múa chưa bao giờ xứng đáng với những giá trị mà họ nhận được trong đời sống. Tiền bạc quá nghèo nàn, nếu có được sự tôn trọng thì cũng đành. Tôi là một trong số những người may mắn được mọi người biết đến. Vậy mà thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ đến chuyện bỏ nghề” – Nghệ sĩ Trần Ly Ly nói.

NSƯT  Trần Ly Ly cho biết thêm: “Có một nghịch lý rất lớn là các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc chỉ có những chương trình ca múa nhạc được tham gia, chưa có điều kiện cho múa thực sự được tham gia, nếu có tiết mục thì BGK cũng không biết chấm theo quy chuẩn nào. Diễn một vũ kịch công sức gấp mười lần tác phẩm ngắn. Nhưng nghệ sĩ đăng ký tham dự liên hoan chỉ cần diễn một tác phẩm 5 phút, lĩnh huy chương thì đủ số lượng để làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSƯT. Còn các nghệ sĩ múa hàng đầu, là solist của các nhà hát hàng đầu thì vẫn thiếu huy chương”.  

Ballet cũng là "Cô bé Lọ Lem" trong đời sống nghệ thuật?
Ballet cũng là "Cô bé Lọ Lem" trong đời sống nghệ thuật?  

Múa – môn nghệ thuật quý phái và quyến rũ có thể tổng kết ngắn gọn trong mấy từ: “Chua lắm, đau lắm, mê lắm” – Đó là các cảm xúc mà những nghệ sĩ đam mê múa cảm nhận về công việc của mình. Mặc dù cuộc sống với múa không  hề “ngon ăn” nhưng niềm đam mê nghệ thuật múa vẫn cứ kéo cuộc đời các nghệ sĩ đi theo nhịp điệu sôi động, nhiều khi không cần biết đến ngày mai.

Bài: Hòa Bình

Ảnh: HBSO