|
Ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa trên bờ biển đảo Phú Lâm hôm 14-2 (trái) trong khi ngày 3-2 chưa có gì. Ảnh: IMAGESAT INTERNATIONAL |
Cộng đồng quốc tế hôm 17-2 tỏ thái độ bất an trước thông tin quân đội Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép). Sự chỉ trích gia tăng sau khi giới chức Mỹ và Đài Loan xác nhận hình ảnh vệ tinh do đài Fox News thu được cho thấy hệ thống trên - được xác định là loại HQ-9, gồm 2 khẩu đội với 8 bệ phóng và radar - được chuyển tới trong thời gian từ ngày 3 đến 14-2. Với tầm bắn 200 km, tên lửa này đe dọa mọi máy bay dân sự và quân sự.
Tại cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, tỏ ra quan ngại sâu sắc và cho rằng đây là dấu hiệu Bắc Kinh đang quân sự hóa biển Đông, trái hẳn cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khi thăm Washington vào tháng 9-2015. Chưa hết, thời điểm triển khai tên lửa được cho là ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh. Lúc bấy giờ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn một mực cam kết Bắc Kinh không quân sự hóa biển Đông.
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) bình luận đây là một trong những bước đi quân sự hung hăng nhất của Bắc Kinh cho đến nay ở biển Đông. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”.
Theo giới phân tích, bước đi của Trung Quốc đã được tính toán từ lâu, qua đó Bắc Kinh không chỉ muốn đe dọa các nước láng giềng mà còn hiện thực hóa ý đồ quân sự hóa biển Đông. Theo chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Úc), Bắc Kinh muốn thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hoặc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo, tương đương S-300 SAM của Nga Ảnh: MILITARY-TODAY.COM
Không chỉ vậy, đây còn là phản ứng của Bắc Kinh trước hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông mà lần gần đây nhất diễn ra gần đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa hồi cuối tháng 1-2016, theo chuyên gia Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An ninh Mỹ (mới). Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ giờ đây có thể phải cân nhắc kỹ hơn khi cho máy bay tuần tra quanh Hoàng Sa. Cần lưu ý thêm, từ đầu tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai 11 chiến đấu cơ J-11 đến Phú Lâm.
Về khía cạnh chính trị, thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa trùng thời điểm Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN, từ đó cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo giới lãnh đạo ASEAN không nên quá thân cận với Mỹ trong vấn đề biển Đông. Chuyên gia Willy Lam tại Trường ĐH Hồng Kông nói với trang International Business Times rằng Bắc Kinh đang phát động “chiến tranh tuyên truyền” để chống lại hoạt động tuần tra của Mỹ, đồng thời “phô trương sức mạnh” để dọa ASEAN. Một công đôi chuyện, đây còn có thể là cách Bắc Kinh tỏ thái độ với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Ý đồ là thế nhưng thành công hay không là chuyện khác. Ông Thomas Berger, chuyên gia tại Trường ĐH Boston (Mỹ), cho rằng qua chuyện này, giới chức Mỹ, nhất là tại Lầu Năm Góc, cảm thấy cần cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Theo chuyên gia quân sự Mỹ Edward N. Luttwak, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục thách thức Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến tuần tra ở biển Đông. Củng cố nhận định trên, tại cuộc họp báo ngày 17-2, Đô đốc Harris nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông nhiều hơn nữa. Chúng tôi không có ý định dừng lại”. Một ngày trước, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, thông báo 21 tàu chiến sẽ được bổ sung cho các đơn vị hải quân tại vùng bờ biển phía Tây của Mỹ và tại Thái Bình Dương.
Úc - Trung bất đồng
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 17-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bao biện rằng truyền thông phương Tây đã dựng lên chuyện nước này triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm.
Trong khi đó, bà Bishop tái khẳng định Úc không đứng về phía nào nhưng kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình. Tuy nhiên, 2 ngoại trưởng bất đồng quan điểm về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng như khả năng Úc mua tàu ngầm của Nhật Bản.
Trước khi đến Bắc Kinh, tại Tokyo hôm 16-2, bà Bishop đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Úc đối với quyền khởi kiện của Philippines và khẳng định sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích về chương trình xây đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông.
Huệ Bình
Theo Hoàng Phương/Người lao động