|
Tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Theo giới phân tích, chiến dịch tuần tra này của Mỹ là một "hành động vỗ mặt" đối với Trung Quốc, bởi nó diễn ra ngay trước thềm các cuộc gặp đa phương có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương ở thủ đô Philippines tháng tới.
Ông Rory Medcalf, hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng chiến dịch tuần tra Biển Đông của Mỹ là một "lời cảnh báo Trung Quốc đừng quá đáng khi tỏ thái độ cho thấy Mỹ không được chào đón ở Biển Đông".
Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói rằng vấn đề đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ đáp trả thế nào với những cuộc tuần tra trong lương lai của Mỹ. "Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng, bởi họ không thể khoanh tay. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tin rằng chính phủ sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ", ông nói.
Ở Bắc Kinh, cựu chuẩn đô đốc Yang Yi, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng hoạt động tuần tra của Mỹ sẽ hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung và thúc đẩy Bắc Kinh xúc tiến hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo, thậm chí quân sự hóa chúng và tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
"Hành động này cho thấy Mỹ có suy nghĩ của một anh cả nhưng lại có tính khí như một đứa trẻ nít. Nếu hoạt động tuần tra này diễn ra thường xuyên, xung đột quân sự trong khu vực là không tránh khỏi, và Mỹ chính là bên bắt đầu", cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc này nói.
Theo ông Yang, thời gian tới, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hải cảnh, hay thậm chí là tàu hải quân, để phong tỏa, ngăn chặn tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp.
Nếu Trung Quốc áp dụng biện pháp này, nguy cơ nổ ra đụng độ quân sự là rất cao, có thể leo thang thành xung đột vũ trang trên Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực và cho chính lợi ích của Mỹ, Trung Quốc.
Bởi vậy, Trung Quốc có thể chọn cách phản ứng mà không thách thức trực tiếp với tàu Mỹ, bằng cách đẩy nhanh quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp, triển khai thêm lực lượng, bao gồm cả máy bay chiến đấu, tới các vị trí này, tạo tiền đề thiết lập vùng nhận diện phòng không bao trùm lên Biển Đông, ông Malcolm David, phó giáo sư về quan hệ Trung Quốc-phương Tây ở Đại Học Bond, Australia, cảnh báo.
"Quả bóng sau đó sẽ được đẩy sang phần sân của Mỹ", ông David nói. "Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi ADIZ bao trùm Biển Đông sẽ làm leo thang căng thẳng với các nước láng giềng, và các nước này sẽ gia tăng áp lực để Washington không được thoái lui".
Cùng chung nhận định về khả năng Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, ông Roncevert Almond, một luật sư quốc tế và đối tác ở The Wicks Group viết trên tờ Diplomat hôm 20/7 rằng, Trung Quốc có thể tìm cách thay đổi luật quốc tế thông thường nhằm thiết lập ADIZ.
Ông Almond viết rằng, ADIZ không phải là một sự mở rộng chủ quyền trên không phận theo luật quốc tế và không phải là một công cụ để đưa ra yêu sách chủ quyền với vùng lãnh thổ mới hoặc đang có tranh chấp, nhưng Trung Quốc có thể "biến hóa" để gắn ADIZ này với "đường chín đoạn" phi lý mà họ vẽ ra trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 5 tuyên bố bảo lưu "quyền thiết lập một vùng nhận diện phòng không bao trùm Biển Đông". Tháng 10/2013, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, buộc Mỹ điều máy bay B-52 bay qua để thách thức.
"Những nguy cơ này khiến Mỹ phải xem xét chiến dịch tuần tra rất cẩn thận. Họ phải tính đến việc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Nếu Trung Quốc sử dụng các lực lượng hải cảnh, hải quân để tìm cách ngăn chặn Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo, nguy cơ đụng độ hoặc tồi tệ hơn thế sẽ xảy ra", chuyên gia Storey nhấn mạnh.
|
Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào |
Nhà Trắng im lặng
Trong nhiều tháng qua, các nghị sĩ và nhiều chuyên gia về an ninh quốc gia Mỹ đã hối thúc Tổng thống Barack Obama có những hành động quyết liệt chống lại hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Thế nhưng khi ông Obama bật đèn xanh cho chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này, Nhà Trắng đã giữ một thái độ im lặng khác thường, NYTimes cho hay.
Với việc ra lệnh cho tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa, chính quyền của ông Obama đã thực hiện điều họ gọi là quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.
Theo bình luận viên Helene Cooper, động thái của Mỹ nhằm trấn an các nước đồng minh và đối tác trong khu vực rằng Mỹ sẽ đứng lên chống lại âm mưu đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng những đảo nhân tạo không có giá trị pháp lý về chủ quyền.
Tuy nhiên, sau khi cho phép hải quân thực hiện chiến dịch tuần tra, Nhà Trắng lại tìm cách giảm nhẹ tính chất vụ việc, vì lo ngại việc làm rùm beng thông tin có thể gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Cooper.
Nhà Trắng đã lệnh cho các quan chức Bộ Quốc phòng không công khai bàn luận bất cứ điều gì về chiến dịch tuần tra. Lầu Năm Góc không được đưa ra bất cứ thông báo hay thông cáo báo chí nào cho giới truyền thông về việc tàu USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo. Các quan chức Nhà Trắng cho hay, khi bị báo chí hỏi, họ được chỉ thị không phát ngôn khi có máy ghi âm về động thái trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã bị "xoay như chong chóng" trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ diễn ra chỉ vài giờ sau khi tàu USS Lassen rời khỏi khu vực 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi.
"Điều đó có thật không? Có đúng là chúng ta đã làm vậy không?"Thượng nghị sĩ Dan Sullivan chất vấn ông Carter.
Trước câu hỏi này, ông Carter tỏ vẻ lưỡng lự. "Chúng ta đã nói và đang hành động trên cơ sở rằng chúng ta sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép…" Ông Sullivan đột ngột ngắt lời bằng câu hỏi: "Có phải chúng ta đã điều tàu khu trục vào khu vực 12 hải lý hay không?"
Một lần nữa, ông Carter cố tình né tránh câu khỏi, trong khi thượng nghị sĩ Sullivan quyết chất vấn đến cùng. Cuộc tranh luận căng thẳng đã khiến thượng nghị sĩ John McCain nổi giận và hỏi thẳng: "Tại sao ông không xác nhận, cũng không phủ nhận rằng điều đó đã diễn ra?"
Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Carter phải nhượng bộ và nói: "Tôi không thích nói về các chiến dịch quân sự của chúng tôi. Nhưng những gì các ông đọc được trên báo là chính xác".
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Independent |
Hành động thay lời nói
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc chất vấn gay gắt trên và thái độ né tránh của ông Carter là một điều lạ lùng, bởi chỉ vài giờ trước đó, các quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc đã âm thầm tuồn thông tin cho báo giới về cuộc tuần tra.
"Chiến dịch tuần tra này có vẻ như đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng và được thực thi để giảm thiểu hết mức rủi ro có thể", ông Derek Chollet, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng về an ninh quốc tế, nói. Ông cho rằng chính quyền Mỹ đang muốn "để hành động nói lên tất cả" thay vì những tuyên bố hùng hồn.
Trong thực tế, ông Carter chỉ đơn giản là đang tuân theo mệnh lệnh của Nhà Trắng, các quan chức chính phủ cho hay. "Chúng tôi không muốn làm quá sự việc lên so với thực chất của nó", một quan chức giấu tên nói.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đối với cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ. Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc rằng Mỹ đang "cố tình khiêu khích" khi đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ hành động quyết liệt đối với hành vi khiêu khích này", ông Lục tuyên bố trong một cuộc họp báo. Trung Quốc cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus và yêu cầu Mỹ ngừng "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh" của Trung Quốc, theo CCTV.
Dù có những lời lẽ quyết liệt như vậy, nhưng trên thực địa, hai tàu chiến của Trung Quốc là tàu khu trục tên lửa Lan Châu và tàu tuần tra Đài Châu chỉ lặng lẽ bám theo tàu chiến Mỹ và phát tín hiệu cảnh báo mà không có hành động nào khác. Các quan chức Mỹ cho biết tàu USS Lassen đã đi qua khu vực 12 hải lý gần đá Subi mà "không có bất cứ sự cố nào xảy ra".
Lầu Năm Góc cho biết tàu Lassen đã ở trong khu vực 12 hải lý quanh đá Subi trong gần một giờ đồng hồ, và thiết bị trinh sát của Mỹ đã được sử dụng để chụp ảnh đảo nhân tạo Trung Quốc.
Theo VnE