Ba vấn đề cần lưu ý từ báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn

VietTimes -- Báo cáo tài chính quý II/2016 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ dài vỏn vẹn 3 trang. Nội dung của báo cáo cho thấy, dù hoạt động kinh doanh quý này đã có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng tại SCB vẫn còn nhiều vấn đề có thể gây lo ngại.
Tại SCB vẫn còn nhiều vẫn đề phải đáng phải lưu tâm.
Tại SCB vẫn còn nhiều vẫn đề phải đáng phải lưu tâm.

Theo đó, tính đến hết quý II/2016, Tổng Tài sản (TTS) của SCB đạt 339.156 tỷ đồng, tăng 9,09% so với số liệu đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 200.077 tỷ đồng, tăng 17,4%. Tiền gửi của khách hàng đạt 287.325 tỷ đồng, tăng 12 % so với thời điểm 31/12/2015.

 Về kết quả hoạt động, ngoài hoạt động kinh doanh ngoại hối “hụt” đi 47 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ năm ngoái hoạt động đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng là 52 tỷ đồng - thì đa phần các hoạt động kinh doanh khác đều khá lạc quan.

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 11 tỷ đồng lên 133 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đem về 166 tỷ đồng, tăng 20% so với quý II/2015. Đáng chú ý, lãi/lỗ thuần từ hoạt động khác ghi nhận con số 97 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động quý này cũng giảm nhẹ xuống 427 tỷ đồng, giảm 20% so với quý II/2015.

Đáng lưu ý, lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng rủi ro quý này tăng đột biến, lên tới 1.085 tỷ đồng, tăng 2,6 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 46 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 619 tỷ đồng lên mức 1.038 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thời điểm hết quý II/2015.

Chốt quý II/2016, lợi nhuận sau thuế của SCB đạt 38,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của SCB đang ghi nhận 65,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quan sát của VietTimes, có 3 vấn đề mà cổ đông cũng như các nhà quản lý cần quan tâm trong 3 trang BCTC mà SCB cung cấp (SCB đang là một trong những ngân hàng được NHNN “ưu tiên”(?) khi chỉ phải cung cấp 02/04 báo cáo tài chính):

Thứ nhất, khoản mục “chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn” dù giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận ở mức cao đạt 23.775 tỷ đồng. Khoản mục này đang được các ngân hàng khác ghi nhận là những khoản nợ xấu đã “chuyển khẩu” sang VAMC, tuy nhiên các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu này.

Thứ hai, SCB đang ghi nhận “Tài sản có khác” cao bất thường. Chốt quý II/2016. Theo đó, tài sản có khác của SCB ghi nhận tới 51.027 tỷ đồng, chiếm tới 15% tổng tài sản của ngân hàng.

Đặc biệt, các khoản phải thu là 18.805 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu lên tới 32.102 tỷ đồng. Tính chung, SCB đang có 50.907 tỷ đồng giá trị các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu. Theo tính toán của VietTimes, giá trị này tại SCB đang là cao nhất hệ thống ngân hàng, cả về số tuyệt đối lẫn về số tương đối.

So sánh với Vietcombank đang có số cho vay khách hàng đến hết quý II/2016 là 424 nghìn tỷ đồng – gấp 2,1 lần SCB. Tuy nhiên, các khoản phải thu, lãi và phí phải thu của Vietcombank chỉ là 7.719 tỷ đồng, bằng 1/6 của SCB.

Tương tự, so sánh với Vietinbank, cho vay khách hàng của SCB chỉ bằng gần 1/3 cho vay khách hàng của Vietinbank, nhưng các khoản phải thu, lãi và phí phải thu của SCB lại gấp đôi của Vietinbank.

Thứ ba, các cam kết giao dịch hoán đổi của SCB cũng tăng cao bất thường. Cụ thể, chốt quý II/2016, SCB ghi nhận khoản mục này là 13.853 tỷ đồng, tăng tới 3,8 lần so với đầu năm.

Tại sao những vấn đề này cổ đông và các nhà quản lý lại cần quan tâm, VietTimes sẽ đề cập trong bài viết khác.

Phát biểu tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức sáng 14/03/2016, TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - chỉ ra một thực tại nguy hiểm rằng nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế.

Theo đó, “các ngân hàng vẫn đang phải “nuôi” nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. 

Thậm chí, theo ông Thành: “Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”.

Vị chuyên gia đến từ Fullbright nhấn mạnh, cần phải sớm cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.

Ông Thành cho biết, về vấn đề này, vừa rồi ông và các đồng sự đã nghiên cứu và cho ra một báo cáo chi tiết, song không thể công bố được, vì nó động đến vấn đề nhạy cảm là “phải điểm mặt chỉ tên các ngân hàng”.