|
Bà Trương Mỹ Lan ở phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án. Ảnh: Như Quỳnh. |
Bán trái phiếu khống để huy động tiền trả nợ
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan và 33 người về các hành vi lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 35.000 người, rửa tiền 445.747 đồng tỷ và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới. Đây là giai đoạn 2 của vụ án. Xét xử giai đoạn 1, cách đây khoảng 2 tháng, bà Lan bị TAND TP Hồ Chí Minh (cấp sơ thẩm) tuyên tử hình về 3 tội; 85 đồng phạm lĩnh các mức từ tù treo đến chung thân.
Theo cáo trạng, năm 2018, Ngân hàng SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài, nên bà Lan ra chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB, bàn cách cứu vãn.
Các nhân sự chủ chốt gồm: Hồ Bửu Phương, Phó tổng Giám đốc Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI và 3 lãnh đạo SCB: Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành; Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn và Phó tổng giám đốc Nguyễn Phương Hồng.
Họ sử dụng các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Sau khi họp bàn, các nhân sự chủ chốt chọn và sử dụng 4 công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo.
Bà Lan và nhóm nhân sự chủ chốt dùng 4 công ty trên để phát hành là hơn 308 triệu trái phiếu, có giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Sau khi phát hành trái phiếu, nhóm nhân sự này dùng 8 công ty để mua toàn bộ khối lượng trái phiếu của 4 công ty trên, phát hành trái phiếu riêng lẻ rồi bán trái phiếu cho hàng chục nghìn người dân.
Sử dụng "công ty ma" ký khống chứng từ, tài liệu
Việc hợp thức nhà đầu tư cho 8 công ty do Nguyễn Ngọc Dương (đã chết) - Tổng Giám đốc, Nguyễn Phương Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG; Bùi Đức Khoa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Natural Land; Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân - Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện.
Các bị can này sử dụng các công ty "ma" và các cá nhân được thuê để đứng tên làm Giám đốc, Tổng Giám đốc, đứng tên cổ phần, khoản vay và ký khống các chứng từ, tài liệu. Từ đó, tạo ra dòng tiền khống hơn 30.000 tỷ đồng, chi đi lệnh dòng tiền để cân đối sổ quỹ tiền mặt hàng ngày tại SCB.
Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty chứng khoán TVSI - đại diện Tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu; gói trái phiếu Sunny World được chuyển nhượng cho một ngân hàng thương mại cổ phần để đầu tư, bán ra thị trường.
Quá trình thực hiện bán trái phiếu, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) phối hợp với Nguyễn Tiến Thành phối hợp xây dựng chương trình đào tạo. Sau đó SCB đã tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống (2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh, phòng giao dịch) tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI và ngân hàng thương mại cổ phần trên.
Theo chỉ đạo của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đối tượng đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền.
Số tiền bán trái phiếu được sử dụng để trả nợ vay ngân hàng, trả gốc và lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài và các mục đích cá nhân khác của bị can Trương Mỹ Lan. Và do việc sử dụng tiền không đúng mục đích, nên mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Với cách thức, thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 30.800 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư sở hữu 25 mã trái phiếu của 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra.