Sáng ngày 29/12, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Trân Châu Cảng, bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đến viếng ngôi đền Yasukuni.
Đây là lần đầu tiên bà Tomomi Inada đến viếng đền Yasukuni trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Sau lễ viếng, bà Tomomi Inada nói với báo chí: “Tôi lấy danh nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada để ký tên trong sổ ghi”.
Đồng thời, bà Tomomi Inada cho biết: “Chúng ta không thể quên rằng, đến nay hòa bình của Nhật Bản được xây dựng trên cơ sở những đóng góp của vô số người tử nạn vì đất nước”.
Trước đó, chiều ngày 28/12, Imamura Masahiro, Bộ trưởng Bộ Tái thiết các khu vực thảm họa Nhật Bản cũng đã đến viếng đền Yasukuni, hiến đồ tế lễ.
Sau khi viếng, ông Imamura Masahiro trả lời phỏng vấn báo chí cho biết chuyến viếng thăm này chủ yếu là để... “cầu nguyện cho đất nước bình yên và thịnh vượng”.
Trung Quốc luôn bày tỏ lo ngại và phê phán đối với việc các quan chức cấp cao Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni, bởi vì ngôi đền này được cho là thờ các tội phạm chiến tranh hạng A và có liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc trước đây của Nhật Bản.
Cứ mỗi lần quan chức Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni, báo chí Trung Quốc đều cho là Nhật Bản đang “chiêu hồn tội phạm chiến tranh”, tiếp tục theo đuổi “chủ nghĩa quân phiệt”, tức là theo đuổi tinh thần “xâm lược, bành trướng” đối với bên ngoài.
“Vấn đề lịch sử” từ lâu đã trở thành một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung - Nhật. Trung Quốc luôn yêu cầu Nhật Bản phải “ứng xử đúng mực” đối với vấn đề này nếu muốn cải thiện quan hệ song phương. Nhiều người Trung Quốc coi bị Nhật Bản xâm lược (trước đây) là một “nỗi nhục” của quốc gia.
Do cân nhắc đến phản ứng của các nước láng giềng như Trung Quốc, từ cuối năm 2013 đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lựa chọn không đến viếng đền Yasukuni mà chỉ gửi đồ tế lễ.
Hàng năm, ở Nhật Bản đều có rất nhiều chính khách lựa chọn đến viếng đền Yasukuni vào ngày 15/8. Năm nay, bà Tomomi Inada chính là một quan chức quan trọng của Nhật Bản đến thăm ngôi đền này.
Theo trang tin J-CAST Nhật Bản, từ sau khi trúng cử nghị sĩ Quốc hội, bắt đầu từ năm 2006, bà Tomomi Inada hàng năm đều đến thăm đền Yasukuni, kể cả sau khi Thủ tướng Nhật Bản bổ nhiệm bà vào các chức vụ quan trọng trong năm 2012 và năm 2014.
Nhìn vào tình hình Nhật Bản hiện nay, báo chí Trung Quốc cho rằng, xu hướng hữu khuynh, tư duy bảo thủ và “chủ nghĩa dân tộc” đang ngày càng thịnh hành.
Hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản đang nỗ lực để Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường” như các nước khác, thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, cho phép quân đội tích cực triển khai các nhiệm vụ quân sự ở nước ngoài như tham gia nhiệm vụ “tiếp tế, bảo vệ” trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hay thực hiện quyền tự vệ tập thể, tích cực tham gia các vấn đề quốc tế, tiến hành huấn luyện, diễn tập chung với các nước…
Những hoạt động được Nhật Bản cho là để tăng cường vai trò ảnh hưởng quốc tế để tương xứng với vị thế quốc gia này luôn khiến cho Trung Quốc cảm thấy lo ngại.
Đối với việc các quan chức Nhật Bản viếng đền Yasukuni lần này, ngày 28/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối các thành viên Nội các Nhật Bản thăm viếng đền Yasukuni, nơi thờ tội phạm chiến tranh hạng A, làm đẹp chiến tranh xâm lược.
Bà Oánh nói: Trung Quốc tiếp tục thúc giục Nhật Bản nhìn thẳng sự thực và thức tỉnh sâu sắc về giai đoạn lịch sử trước đây, xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan với thái độ có trách nhiệm, dùng hành động thực tế để có được lòng tin từ các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế.
Trên thực tế, hiện nay, quan hệ Trung - Nhật tiếp tục bị cản trở bởi nhiều vấn đề như vấn đề đảo Senkaku, vấn đề Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở các vùng biển xung quanh, vấn đề Biển Đông…
Lần này, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 30/12 còn coi việc bà Tomomi Inada viếng đền Yasukuni ngay sau chuyến đi đến Trân Châu Cảng, Hawaii, Mỹ là một hành động “làm bẽ mặt” Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo bài báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Trân Châu Cảng vừa qua đã làm cho các “thế lực cánh hữu” Nhật Bản không hài lòng. Chính vì vậy, ông đã để cho bà Tomomi Inada đến viếng đền Yasukuni để tạo lập “cân bằng”.