|
Ba bạn trẻ Richard Dineen, Becky Henson Walne và Sinead Goldsmith đi du lịch ở Đà Nẵng (Ảnh: echolive.ie). |
Giai đoạn giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV2 vừa qua thực sự là trải nghiệm khó quên không chỉ với riêng người Việt Nam mà cả những bạn bè quốc tế hiện đang sinh sống và làm việc tại đất nước chúng ta. Vừa qua, báo The Echo có trụ sở tại thành phố Cork, Ireland đã đăng tải câu chuyện về 3 bạn trẻ đến từ Cork hiện đang sống tại Điện Ngọc, Quảng Nam, chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của họ suốt ba tháng qua nhân dịp Việt Nam chính thức gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội. Viettimes xin gửi tới bạn đọc bản dịch toàn văn bài báo này.
Bất chấp việc có chung đường biên giới với Trung Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhỏ từ Covid-19. Ba bạn trẻ người Cork đang sống tại đây đã chia sẻ với nhà báo Jane Mc Namara về trải nghiệm của mình khi đất nước này mở cửa trở lại.
Bạn hẳn sẽ nghĩ, sống tại một đất nước tiếp giáp với Trung Quốc trong cơn bùng phát của đại dịch Covid-19 là điều cuối cùng bạn muốn làm. Nhưng với ba bạn trẻ xứ Cork này, những người đã sống tại Việt Nam mấy tháng vừa qua, thì đây lại là nơi nương náu an toàn.
Trong khi phần còn lại của thế giới, bao gồm quê hương Ireland của họ, vẫn đang phải vật lộn với diễn biến khó lường của đại dịch cùng số người tử vong cao; Việt Nam, đáng chú ý, vẫn chưa hề ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào và cả nước hiện đã trở lại cuộc sống bình thường sau ba tháng giãn cách xã hội.
Với bộ ba Becky Henson Walne, Richard Dineen và Sinead Goldsmith, đó là một nghiệm thực sự phi thường. Những cựu nhân viên của quán ăn Son OF A Bun trên phố McCurtain ở thành phố Cork đã cùng nhau trải qua những ngày tháng cách ly tại thành phố biển Đà Nẵng. Họ cho biết cảm thấy rất an toàn và giờ đây, họ tràn đầy hy vọng trở lại với cuộc sống bình thường trước kia.
Cả ba đã chuyển tới sống tại Việt Nam với công việc giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên kể từ tháng Hai họ không thể làm việc full-time nữa khi các cơ sở giáo dục phải đóng cửa để phòng sự lây lan của virus.
Sinead Goldsmith, 28 tuổi, đến từ Rochestown là người đầu tiên trong nhóm chuyển tới đây và đã sống tại Đà Nẵng – thành phố lớn thứ năm của Việt Nam – được 13 tháng.
|
Becky Henson Walne, Richard Dineen và Sinead Goldsmith cùng người dân địa phương trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát (Ảnh: echolive.ie). |
Việt Nam với dân số hơn 96 triệu người và có đường biên giới dài 1.500 km với Trung Quốc công bố số ca nhiễm Covid-19 dưới 300 và không có ca nào tử vong.
“Tôi không biết tại sao số ca nhiễm lại thấp như vậy nhưng họ đã kiểm soát rất kỹ việc đi lại,” Sinead cho biết. “Họ thực hiện việc giám sát cộng đồng. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, nhiều chốt kiểm tra được đặt khắp nơi.
Công an và các nhân viên y tế có mặt trong những chiếc lán dựng bên đường để kiểm tra thân nhiệt và thông tin người dân. Họ sẽ ghi lại nơi bạn ở và nơi bạn đang đến. Nếu tôi rời nhà và đi ra đường chính, tôi sẽ bị kiểm tra cả lúc đi và lúc về. Nhờ những trạm kiểm tra này, họ có thể truy vết lịch sử đi lại của người dân khi cần.
Họ cũng thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt việc cách ly người dân tại nhà cũng như tại các cơ sở do nhà nước tổ chức. Nếu bạn thực hiện cách ly tại nhà, cảnh sát sẽ giám sát để chắc chắn là bạn thực hiện nghiêm túc.
Tôi biết một số người phải cách ly do họ sống cùng chỗ với bệnh nhân dương tính với với virus. Quá trình cách ly này kéo dài hai tuần và họ sẽ được xét nghiệm trước và sau khi cách ly. Các quy định giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ tuần trước và Sinead chia sẻ thêm: “Cảm giác như giờ đây chúng tôi đã vượt qua được dịch, nhưng tôi chắc chắn rằng nó vẫn sẽ để lại ảnh hưởng to lớn. Rất nhiều người (nước ngoài) sống và làm việc tại đây đã về nhà.”
|
Becky Henson Walne, Richard Dineen và Sinead Goldsmith tại ngôi nhà họ sống ở Quảng Nam, Việt Nam |
“Sếp của tôi kể giờ cô ấy chỉ còn lại 5 giáo viên (nước ngoài). Vì thế dù các trường học đã mở cửa trở lại thì sẽ có tình trạng thiếu giáo viên.” Richard Dineen, 26 tuổi quê ở Ballincollig tới Việt Nam vào tháng 1, ngay trước khi virus SARS-CoV2 trở thành nỗi đe dọa. Anh nói nhiều người dân địa phương đã e ngại những người tới từ châu Âu.
“Có tin là bệnh nhân bay về từ Luân Đôn đã mang theo virus, vì thế những người dân địa phương đã rất cảnh giác, sợ rằng những người tới từ châu Âu sẽ làm virus lây lan. Tôi đã sống cùng Becky và Sinead trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội với chủ nhà người Việt Nam. Khi chúng tôi ra khỏi nhà, hàng xóm của chúng tôi sẽ gọi cho công an báo rằng “những người da trắng lại đi ra ngoài rồi”. Ngay sau đó, công an sẽ gọi cho chủ nhà, hỏi xem chúng tôi đang giao tiếp với ai và chúng tôi đi đâu.”
Richard nói tiếp: “Một hôm, xe máy tôi bị hỏng. Tôi đã đẩy bộ gần hai cây số và tìm thấy một ga-ra sửa xe nhưng họ không muốn giúp. Họ bảo tôi đi đi. Tuy vậy, nhìn chung họ đều là người tốt. Chỉ là họ không muốn phá vỡ các quy tắc.
Đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Họ biết rằng nếu họ chấp hành nghiêm ngặt các quy định giãn cách trong một thời gian ngắn thì sẽ mang tới hiệu quả lợi ích dài hạn. Sau khi thực hiện giãn cách xã hội gần một tháng, các cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn tại Việt Nam đang dần dần mở lại. Đà Nẵng chỉ có 6 ca nhiễm Covid-19, tất cả đều đã bình phục
Becky Henson Walnan, 25 tuổi đến từ phố Lukes, thành phố Cork, rời Ireland tháng 11 vừa rồi và tới Việt Nam bốn tuần sau đó sau khi du lịch vòng quanh châu Á. Cô cho biết: “Đà Nẵng đã kết thúc việc giãn cách xã hội vào tuần trước và chúng tôi đang tiến bước đầu tiên trong quá trình hồi phục. Mọi người vẫn cần phải cảnh giác và không phải mọi thứ đều đã được mở cửa trở lại.
Bạn vẫn phải đeo khẩu trang khi bước vào các hàng quán và ở đâu cũng đặt sẵn các lọ cồn sát trùng tay, tuy nhiên bạn đã có thể ra bãi biển trở lại. Mọi thứ đang dần trở lại bình thường. Tôi cảm thấy đầy hy vọng.
Rất khó để biết những người dân địa phương nghĩ gì vì chúng tôi không nói tiếng Việt nhưng có vẻ nhưng họ đều đang tự giám sát chính mình và cả chúng tôi. Mọi người đều rất nghiêm túc với quy định đeo khẩu trang trong giai đoạn giãn cách. Nếu bạn đeo khẩu trang ra chợ mà để hở mũi, họ sẽ chỉ tay và nhắc nhở bạn ngay! Chúng tôi là khách ở đây và chúng tôi rất tôn trọng những quy định đó.
Việt Nam là một đất nước đáng mến với giá cả sinh hoạt dễ chịu. Nhìn chung, bạn chỉ cần 180 đôla mỗi tháng để trả tiền nhà. Nếu bí quá, bạn có thể cắt giảm chi tiêu xuống dưới 5 bảng Anh (khoảng 140.000VNĐ) một ngày. Tôi khuyên bất cứ ai cũng nên thử đến thăm đất nước này một khi đại dịch qua đi!”.