|
Tổng thống Donald Trump quyết tâm tăng cường sức mạnh của hạm đội hải quân Mỹ để duy trì sự thống trị đại dương |
Lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ rằng Mỹ sẽ không cho Trung Quốc tiếp cận các căn cứ trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn, AsiaTimes ghi nhận.
Tuy nhiên theo AsieTimes, ít người thực sự cho rằng Mỹ sẽ phong tỏa các hòn đảo bồi lấp phi pháp này. Quân đội Trung Quốc sẽ không rút lui và từ bỏ các hòn đảo trên. Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ cho rằng việc rút lui trước áp lực từ phía Mỹ sẽ chỉ đem lại nhục nhã và đe dọa đến nguy cơ tồn vong của chế độ.
Nhưng kể cả nếu Mỹ không có nhiều lựa chọn trong việc tạo sức ép quân sự trực tiếp lên các căn cứ trên đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ, thì lời đe dọa của ông Tillerson và những tuyên bố của các quan chức thuộc chính quyền ông Trump cũng đều cho thấy một sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Có thể dự đoán rằng Mỹ đã chấm dứt chính sách nhượng bộ của mình. Dưới thời ông Obama, Mỹ luôn cố làm giảm căng thẳng mỗi khi Trung Quốc thực hiện điều gì đó mang tính khiêu khích. Trong khi trước đây Mỹ ít nhiều cũng đã đứng yên không hành động thì Trung Quốc lại cố gắng thiết lập sự kiểm soát trên Biển Đông và mở rộng vị thế của mình trên toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất. Quân đội Trung Quốc có thể khiến các hoạt động của đối thủ quanh chuỗi đảo này trở nên rất khó khăn, và điều này càng có khả năng sẽ diễn ra nếu năng lực của quân đội Trung Quốc mạnh lên. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc có thể tự hỏi rằng “bây giờ thì sao nào…?"
Theo AsieTimes, sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực chuỗi đảo thứ nhất có thể không có lợi thế chiến lược như họ thể hiện, và Mỹ có vẻ như sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của mình ở đây.
Trở ngại địa lý
Địa lý khu vực luôn không đổi và điều này không có lợi cho Trung Quốc trong trường hợp Mỹ và các đồng minh phối hợp bao vây Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất. Và nếu cần thiết, họ sẽ khiến cho quân đội Trung Quốc khó hoạt động trong chuỗi đảo này, AsiaTimes đánh giá.
Địa lý cũng khiến cho chuỗi đảo thứ nhất trở thành một rào cản đối với Trung Quốc. Có tương đối ít các điểm ra vào quanh chuỗi đảo dù nó trải dài từ phía bắc Nhật Bản đến, qua Đài Loan, Philippine và Indonesia, qua eo biển Malacca.
Các điểm ra vào này có thể dễ dàng phòng thủ chống lại kẻ thù tìm cách đi qua các kênh này. Tất cả đều có thể bị bao vây bằng cách kết hợp các tên lửa chống tàu trên đất liền và trên biển và các pháo dẫn đường chính xác tầm xa, thủy lôi, các hệ thống phòng không, các vũ khí chống tàu ngầm…
Phần lớn các vũ khí này đều có thể chạm tới bên trong chuỗi đảo thứ nhất, và đừng quên rằng Mỹ và đồng minh có thể xâm nhập vào chuỗi đảo này từ hướng tây. Nhật Bản cũng đã bắt đầu lắp đặt các mạng lưới phòng thủ ở đảo quần đảo Ryukyu.
Theo AsiaTimes, các loại vũ khí nói trên là còn chưa kể tới nguồn lực khổng lồ từ Mỹ (và cả các nước khác) với các tàu chiến, tàu ngầm, không quân, thủy quân lục chiến và lực lượng trinh sát có thể được huy động để phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất.
Với chỗ dựa từ Mỹ, đặc biệt là nếu liên kết với đồng minh Nhật Bản về chính trị và hoạt động cùng các nguồn lực quân sự đáng kể của Nhật Bản, các nước khác trong khu vực sẽ tự tin hơn trong việc tuyên bố bảo vệ các lợi ích của mình.
Phần lớn các nhiệm vụ tính toán hỗ trợ phòng thủ chiến lược hoạt động hiệu quả tập trung vào bảo vệ khỏi chuỗi đảo thứ nhất và sử dụng các sức ép kinh tế đã được thực hiện bởi đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã về hưu, TX Hammes, người đưa ra chính sách Offshore Control- Kiểm soát biển, một sáng kiến hữu ích mà chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục thực hiện.
Tính toán sai lầm của Trung Quốc?
Theo AsiaTimes, Trung Quốc có lẽ đã không suy nghĩ thấu đáo về góc độ địa lý. Và Trung Quốc đã ra tay quá sớm vào năm 2009 khi chấm dứt thời kỳ “tấn công quyến rũ” để ru ngủ các nước trong khu vực (và thậm chí là cả Mỹ) và bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình.
Hiện nay, có lẽ không ai ở châu Á thấy Trung Quốc hiền lành nữa. Chủ yếu mọi người đều thấy Trung Quốc là một kẻ bắt nạt trong khu vực, AsiaTimes nhận xét.
Ở Malaysia và Philippine thậm chí còn có rất nhiều lời oán giận về Trung Quốc. Và ông Tập Cận Bình đã thực hiện được điều gần như không thể là khiến Nhật Bản coi trọng quốc phòng hơn, điều mà nhiều chính quyền Mỹ bao lâu nay không thể làm được.
Tư duy của Trung Quốc có vẻ như là sau khi đã giành được mọi thứ trong chuỗi đảo thứ nhất và đe dọa được Nhật Bản, sắp tới nước này sẽ triển khai phòng thủ chuỗi đảo thứ hai, khi Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên và không ai có khả năng hoặc sẵn sàng chống lại nước này.
Trung Quốc có lẽ có lý do để tin rằng Mỹ sẽ không làm gì cả, và cách ứng xử của Mỹ sau vụ bãi cạn Scarborough năm 2012 giữa tàu Philippine và tàu Trung Quốc cũng thể hiện điều này. Tương tự, lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC giữa lúc Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng đảo cũng khiến cho Trung Quốc càng tin vào suy luận này. Thêm vào đó, Mỹ lại còn không mấy ủng hộ cho Philippine sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về Biển Đông năm 2016.
Do đó, với một chương trình cuối cùng vẫn phụ thuộc vào hành động của Mỹ, việc ông Donald Trump lên làm tổng thống khiến các tham vọng trên Biển Đông chắc chắn không thể thành công.
Cùng với việc hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, các nỗ lực nhằm thống trị Đông Á của Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng, trừ khi nhượng cả chuỗi đảo thứ nhất này cho Mỹ.
Những điều này có thể sẽ trở nên đáng sợ khi Trung Quốc bắt đầu dấn thân, và một cuộc đối đầu quân sự sẽ rất khó tránh khỏi, kéo theo sự tham gia của Mỹ hoặc ít nhất là một trong số các đối tác của Mỹ trong khu vực.
Điểm nóng
Vấn đề đầu tiên sẽ là bãi cạn Scarborough và phản ứng của Mỹ trước nỗ lực bồi lấp và xây dựng trái phép tại bãi cạn này. Đài Loan cũng ở trong giai đoạn khó khăn, vì vị trí chiến lược của họ trong chuỗi đảo thứ nhất, vị trí này cho Trung Quốc một chỗ đứng để phá vỡ chuỗi đảo và có lối ra Thái Bình Dương.
Các giáo sư Toshi Yoshihara và James Holmes tại Trường Hải chiến Mỹ cho rằng nguy hiểm trong việc bảo vệ lợi ích Mỹ là không thể tránh khỏi, và về lâu dài Mỹ còn tạo ra nguy cơ cho Trung Quốc.
Trung Quốc cần phải quyết định rằng liệu việc đối phó với một nước Mỹ quyết tâm sử dụng toàn bộ sức mạnh, bao gồm cả các chi phí kinh tế lớn mà Mỹ có khả năng gây ra cho Trung Quốc, có xứng đáng với nỗ lực và sự chảy máu nguồn lực để nước này tiếp tục thống trị Đông Á và các vùng biển quốc tế cùng lãnh thổ trên biển của các nước khác hay không.
Với cách tiếp cận đúng đắn của Mỹ và các nước khác có chung quan điểm, Trung Quốc có thể nhận ra rằng sau tất cả những nỗ lực xây dựng các căn cứ trên đảo, rốt cuộc chỉ hủy hoại hình ảnh của nước này và kích động Nhật Bản tái vũ trang. Trung Quốc đã chỉ làm được điều như năm 1917, đó là chuyển mặt trận phía tây sang phía đông mà chẳng mang lại triển vọng gì.
* Tác giả Grant Newsham là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược của Nhật Bản và một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu.