Xuất khẩu nông sản... “đứng hình”
Trao đổi với TBKTSG khi đang làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh long Hoàng Hậu (tỉnh Bình Thuận), cho biết sau những ngày kinh doanh mệt mỏi, ông quyết định đi du lịch và kết hợp tìm hiểu thị trường mới cho trái thanh long. “Chứ ở nhà cũng chẳng làm ăn gì được”, ông nói.
Hơn một tuần nay, ông đứng ngồi không yên vì việc kinh doanh vốn diễn ra bình thường trước đó bỗng trở nên “đóng băng”. Nguyên nhân là phía đối tác Trung Quốc thông báo tạm ngưng lấy hàng. “Họ lo sợ chính phủ nước họ còn tiếp tục phá giá đồng tiền”, ông Hiệp giải thích.
Ông Hiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã gây những hậu quả trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang nước này. Các doanh nghiệp trong nước đang ở tình trạng dở khóc dở cười, thiệt đơn thiệt kép. Họ đã phải giảm giá bán sản phẩm, chấp nhận giảm lợi nhuận nhưng cũng không xong! “Do bán tiểu ngạch, doanh nghiệp thu về đồng nhân dân tệ rồi mới chuyển sang tiền đồng, vì thế, dù Chính phủ có điều chỉnh tỷ giá nhưng trên thực tế việc điều chỉnh này vẫn thấp hơn so với nhân dân tệ nên doanh nghiệp xuất khẩu dù có giữ được giá cũ vẫn bị thiệt hại”, ông Hiệp giải thích.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Ông Hiệp cho biết dù doanh nghiệp xuất khẩu đã chấp nhận chịu thiệt để bán được hàng nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc vẫn lo ngại chính phủ của họ tiếp tục phá giá đồng tiền nên đã tạm ngưng mua hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long buộc phải hạ giá thêm 20% để mong đẩy hàng nhưng hàng vẫn còn đó. “Đó là lý do tại sao thanh long đang được bán ở khắp các vỉa hè tại TPHCM với giá chỉ vài ngàn đồng một ký”, ông Hiệp buồn rầu.
Không khác trường hợp của ông Hiệp là mấy, trưởng đại diện của một công ty sản xuất và kinh doanh cao su ở khu vực Đông Nam bộ tại cửa khẩu Móng Cái, khi được hỏi về tình hình xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã trả lời ông đang đi câu cá ở suối chứ không đến văn phòng vì chẳng có hợp đồng kinh doanh nào. Theo ông, thời gian này, có đến văn phòng làm việc cũng chỉ nhâm nhi cà phê, ngắm người đi qua đi lại chứ chẳng biết làm gì. Cho nên, sau nhiều ngày ở tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, ông quyết định chỉ cho một nhân viên ở lại trực văn phòng, còn mình và một số đồng nghiệp tổ chức đi câu cá! “Hai năm gần đây, lượng đơn hàng của chúng tôi đã giảm nhiều, nhưng lần này thì họ ngưng hẳn và không nói khi nào sẽ nối lại giao dịch. Chúng tôi không biết còn phải đi câu cá bao lâu nữa?”, ông rầu rĩ.
Lo hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, một doanh nghiệp ở ngành hàng may mặc, cho rằng với tình hình này, điều dễ thấy nhất là hàng Trung Quốc vốn đã tràn ngập lại càng... ngập tràn trên thị trường.
Ở ngành hàng may mặc, hàng Trung Quốc đã và đang chiếm đến hai phần ba thị trường nhờ lợi thế giá rẻ, rẻ chỉ bằng 50-70% hàng Việt Nam, nhưng nhiều khả năng giá sẽ càng rẻ hơn. Người tiêu dùng nông thôn dù đã nghe, cũng đã sợ hàng Trung Quốc vì những tai tiếng, nhưng họ vẫn chấp nhận mua vì... ít tiền.
Tuy nhiên, đó chưa phải là áp lực và mối lo sợ duy nhất. Ông Sinh chia sẻ điều làm ông sợ hơn là hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam theo nhiều ngả đường, từ chính ngạch đến tiểu ngạch, rồi nghiễm nhiên gắn “mác” Việt Nam, đánh lừa người tiêu dùng và đánh trực diện vào doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tình trạng này đã “đầy rẫy” lâu nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (thương hiệu Miti), cũng cho rằng viễn cảnh hàng Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường là rất rõ ràng. “Vì Trung Quốc đang ứ hàng và họ đang tìm mọi cách để đẩy hàng đi”, ông Kiên nói qua điện thoại với phóng viên TBKTSG hôm 31-8 khi ông đang ở Quảng Châu, Trung Quốc tham dự một hội chợ về nguyên phụ liệu. Theo ông Kiên, các mặt hàng vốn là thế mạnh của Trung Quốc nhờ mẫu mã đẹp và được thay đổi liên tục, nhưng giá thì rẻ bèo (như túi xách thời trang nữ, giày dép...) vốn đã có nhiều ở thị trường Việt Nam lại sẽ càng nhiều hơn.
Trước viễn cảnh này, đại diện các doanh nghiệp cho biết khó khăn sẽ càng chồng chất. Tuy nhiên, họ cũng đã quen với những áp lực, hy vọng sẽ tìm ra cách để cạnh tranh. Ông Sinh cho biết trong năm 2015, sáu người trong gia đình ông đều phải trực tiếp “ăn dầm nằm dề” ở các huyện để phát triển điểm bán và không chừa phương pháp bán hàng nào. Khó khăn, vất vả vô cùng nhưng thành quả thu được là kênh phân phối phát triển khá tốt, doanh thu sáu tháng đầu năm nay duy trì bằng với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến con số của cả năm sẽ “không quá tệ”. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Quan trọng hơn, ông Sinh cho biết để giữ chân khách hàng, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ phải ngày càng tốt hơn về mẫu mã và chất lượng nhưng vẫn giữ nguyên giá. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm các chi phí, trang bị máy móc, thiết bị để tăng năng suất... “Nói chung là phải nỗ lực, cố gắng hết sức. Doanh nghiệp nhỏ và vừa lâu nay vốn tự chủ, khó kiểu gì cũng sống được. Chúng tôi tự tin như vậy”, ông Sinh nói.
Ông Nguyễn Trí Kiên cũng chia sẻ trong bối cảnh này, Miti càng phải gia tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm có ưu thế lâu nay là ba lô và túi xách dành cho học sinh. Công ty sẽ nỗ lực giữ cho được thị phần bằng chính sách bán hàng, bằng mẫu mã và chất lượng sản phẩm.
Theo đại diện các doanh nghiệp, để các nhà sản xuất trong nước có thể tồn tại và cạnh tranh một cách sòng phẳng, họ mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng trong việc phòng chống hàng Trung Quốc nhập lậu, nhất là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.
Theo TBKTSG