|
Ông Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris. Ảnh: The Guardian |
Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) tổ chức tại Paris tối 11/2 đã chứng kiến một bước ngoặt đáng chú ý khi Mỹ và Vương quốc Anh từ chối ký tuyên bố về AI, làm dấy lên lo ngại về sự chia rẽ trong cách tiếp cận toàn cầu đối với công nghệ này.
Tuyên bố AI của hội nghị nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo AI phát triển theo hướng công khai, toàn diện, minh bạch, đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, đồng thời hướng tới sự bền vững cho con người và hành tinh.
Văn bản này đã được 60 quốc gia ký kết, bao gồm Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Canada. Tuy nhiên, Mỹ và Anh lại từ chối tham gia, với lý do tuyên bố này chưa giải quyết đủ sâu các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và quản trị AI toàn cầu.
Phát ngôn viên chính phủ Anh cho biết: "Chúng tôi đồng ý với phần lớn nội dung tuyên bố và tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, tài liệu này chưa cung cấp sự rõ ràng thực tế về quản trị AI toàn cầu, cũng như chưa đề cập đủ đến những thách thức mà AI đặt ra đối với an ninh quốc gia".
Quyết định từ chối ký tuyên bố của Anh được đưa ra ngay sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Grand Palais, nơi ông công khai chỉ trích các quy định của châu Âu về công nghệ.
Ông Vance nhấn mạnh việc quản lý quá mức có thể kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp AI, đồng thời cảnh báo về rủi ro khi hợp tác với các chế độ độc tài.
"Chúng ta cần các quy định quốc tế thúc đẩy sự sáng tạo thay vì kìm hãm nó. Châu Âu cần tiếp cận tương lai của AI với sự lạc quan thay vì lo lắng", ông Vance tuyên bố.
Ông cũng chỉ trích các biện pháp kiểm soát AI của Liên minh châu Âu (EU), như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) và Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), cho rằng những chính sách này cản trở đổi mới công nghệ.
Việc Anh từ chối ký tuyên bố AI làm dấy lên nghi vấn về việc liệu London có đang chịu ảnh hưởng từ Washington. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định Anh đưa ra quyết định hoàn toàn độc lập.
Tuy vậy, một nghị sĩ thuộc đảng Lao động tại Vương quốc Anh lại nhận định: "Tôi nghĩ Anh không có nhiều lựa chọn ngoài việc đi theo Mỹ. Nếu Anh áp đặt quá nhiều hạn chế đối với AI, các công ty công nghệ Mỹ có thể rút khỏi hợp tác với Viện An toàn AI của chính phủ Anh".
Điều này đặt Anh vào thế khó, khi họ vừa muốn giữ vị thế quốc gia dẫn đầu về AI an toàn và đạo đức, vừa đảm bảo lợi ích chiến lược trong quan hệ với Mỹ.
Phản ứng từ cộng đồng AI và giới chuyên gia
Quyết định của Anh đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức vận động và chuyên gia AI.
Andrew Dudfield, giám đốc AI tại tổ chức Full Fact, cảnh báo rằng Anh có nguy cơ đánh mất uy tín với tư cách là nước đi đầu về AI an toàn và đạo đức. Ông nhấn mạnh: "Cần có những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ người dân khỏi thông tin sai lệch do AI tạo ra".
Trong khi đó, giám đốc Viện Ada Lovelace, nhận định:"Hành động này đi ngược lại với nỗ lực xây dựng nền quản trị AI toàn cầu mà thế giới đang rất cần".
Mặc dù vậy, phía Điện Élysée vẫn để ngỏ khả năng một số quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Anh, có thể tham gia ký kết trong thời gian tới.
Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung về AI
Bài phát biểu của ông JD Vance không chỉ phản đối quy định của EU mà còn trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.
Ông cảnh báo về rủi ro khi hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ, đề cập đến việc xuất khẩu thiết bị CCTV và mạng 5G từ Trung Quốc. Ông nhận định: "Việc hợp tác với các chế độ như vậy sẽ khiến quốc gia của bạn bị phụ thuộc vào một thế lực muốn kiểm soát và khai thác cơ sở hạ tầng thông tin của bạn".
Lời chỉ trích này diễn ra ngay trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh, người cũng có mặt tại hội nghị.
JD Vance cũng chỉ trích hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI do Anh tổ chức năm 2023 tại Bletchley Park, cho rằng sự kiện này quá thận trọng, không đủ để thúc đẩy sự đổi mới AI.
Với việc Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố AI tại Paris, tương lai của quản trị AI toàn cầu vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Hội nghị lần này cho thấy sự chia rẽ giữa các cường quốc về cách tiếp cận AI – châu Âu ưu tiên kiểm soát, Mỹ đề cao đổi mới, còn Trung Quốc cũng tìm cách định hình cuộc chơi theo hướng riêng.
Câu hỏi đặt ra là liệu các bên có thể tìm được tiếng nói chung hay không, khi AI đang ngày càng trở thành yếu tố chiến lược quan trọng trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Theo The Guardian