|
Chính quyền nhiều nước trên thế giới đã ra lệnh "cấm cửa" du khách đến từ Anh do lo ngại chủng đột biến của virus corona (Ảnh: The Guardian) |
Nhiều quốc gia khắp châu Âu và nhiều khu vực khác đã bắt đầu đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ Liên hiệp Vương quốc Anh (U.K) từ hôm cuối tuần trước, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã họp kiểm soát khủng hoảng, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô London và các vùng lân cận vì lo ngại về một thể biến của virus corona.
Các trạm xe lửa ở London từ tối hôm thứ Bảy tuần trước đã chật kín người đang cố gắng rời khỏi thành phố này để thoát các lệnh giới hạn mới, có hiệu lực từ nửa đêm cùng ngày và gần như cách ly toàn bộ thủ đô và các vùng lân cận khỏi phần còn lại của đất nước. Đây là những biện pháp mạnh tay nhất mà Anh từng thực thi kể từ sau lệnh phong tỏa hồi tháng 3 năm nay.
Trong hôm 20/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã kêu gọi những người lũ lượt lên tàu bỏ trốn khỏi thủ đô là “vô trách nhiệm”. Ông cũng nói rằng các lệnh hạn chế mà Thủ tướng Johnson áp dụng có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Làn sóng “cách ly” du khách đến từ Anh xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Hà Lan cho hay họ sẽ ngừng các chuyến bay đến từ Anh bắt đầu từ nay cho tới ngày 1/1/2021, nhấn mạnh rặng chủng đột biến của virus corona chủng mới phát hiện ở Anh “được tin là lây lan dễ dàng hơn và nhanh hơn”.
Italy cũng đã ngừng du khách Anh di chuyển bằng đường không, trong khi giới chức Bỉ thực thi lệnh cấm 24 giờ đối với những người đến từ Anh bằng đường không hoặc đường sắt, và có thể tiếp tục kéo dài.
Đức và Thụy Sĩ đã tuyên bố lệnh cấm di chuyển giữa nước họ tới Anh và Nam Phi – quốc gia nơi cũng phát hiện một phiên bản virus corona mới khá giống với chủng đột biến ở Anh. Áo, Ireland, Pháp và Bulgaria cũng tuyên bố lệnh cấm của họ. Bồ Đào Nha, vốn đã cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh, đang đặt ra các trường hợp ngoại lệ đối với công dân của họ.
Trong khi đó, Canada nói rằng họ sẽ cấm tất cả các chuyến bay đến từ U.K trong vòng 72 giờ.
Ở Mỹ, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã kêu gọi chính phủ liên bang có hành động ngay, nói rằng “ngay bây giờ, chủng virus corona đột biến ở U.K đang lên máy bay và tới J.F.K (sân bay)”, trong khi nhấn mạnh rằng có thể đã quá chậm. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng khuyến cáo của họ đối với việc di chuyển tới Anh không thay đổi và vẫn ở Cấp độ 3.
Tây Ban Nha đã đề nghị EU đưa ra một phản ứng chung, và giới chức cấp cao của khối gồm 27 nước thành viên này đã có cuộc họp trực tuyến vào tối hôm 20/12 để đưa ra các kế hoạch của họ. Họ nhất trí sẽ sớm đưa ra một hành động chung trong cuộc họp kiểm soát khủng hoảng tổ chức trong ngày hôm nay, 21/12.
Chỉ trong vòng vài giờ, đã có thêm nhiều quốc gia có hành động. Iran đã ngừng mọi chuyến bay tới Anh trong vòng 2 tuần lễ; theo Reuters. Israel cũng cấm người nước ngoài, không chỉ từ U.K, mà cả từ Nam Phi và Đan Mạch – quốc gia nơi mà biến thể của virus corona xuất hiện trên loài chồn vizon và sau truyền ngược lại cho người. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạm thời ngừng mọi chuyến bay đến từ các nước này, và cả Hà Lan; theo Reuters.
Giới chức Bộ Giao thông ở Anh nói rằng họ sẽ tăng cường số sĩ quan cảnh sát tuần tra tại các khu vực có lưu lượng giao thông lớn như trạm xe lửa để đảm bảo rằng chỉ những chuyến đi thiết yếu mới được cho phép.
Trong thời điểm mà ngành vận chuyển bận rộn nhất năm, tầm ảnh hưởng đối với các cảng của Anh là điều chắc chắn xảy ra. Cảng Dover, một trong những cảng nhộn nhịp nhất thế giới nơi mà hàng nghìn xe tải ra vào mỗi ngày, đã phải đóng cửa khu phà.
Virus xuất hiện đột biến không phải điều bất thường, và giới chức Anh nói rằng biến thể mới của virus corona đã được phát hiện ở một số quốc gia khác. Ước tính về khả năng lây nhiễm cao của biến thể virus corona ở Anh được đưa ra dựa trên mô hình và vẫn chưa được xác nhận trong các cuộc thí nghiệm; Muge Cevik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc trường ĐH St. Andrew ở Sctoland, nhận định.
“Nói chung, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có thêm dữ liệu thí nghiệm” – bà Cevik nói – “Chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ thực tế rằng một số dữ liệu về khả năng lây truyền này có thể liên quan tới hành vi của con người”.