|
Vận chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh Tech Wire Asia. |
Đối với hầu hết các ngành công nghiệp và nhà sản xuất trên thế giới, Trung Quốc luôn là thị trường và nhà cung cấp quan trọng cho các tập đoàn kinh tế quốc tế trước đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng trong vài năm qua, đại dịch và chiến tranh thương mại buộc hầu hết các nhà sản xuất tìm đến những giải pháp thay thế với hy vọng không bị Mỹ trừng phạt hoặc đối mặt với tình trạng thiếu hụt do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc cuối cùng chấp nhận thực tế sự tồn tại của đại dịch và mở cửa lại biên giới, nhưng có lẽ đã muộn một chút. Để tránh sự chậm trễ liên quan đến gián đoạn trong sản xuất và vận chuyển, các công ty tìm cách tránh xa những mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu hóa cao của thời kỳ trước đại dịch.
Theo báo cáo dự đoán Container LogTech của Container xChange cho năm 2023, trong tương lai, nhiều công ty sẽ áp dụng các xu hướng tìm nguồn cung ứng cận gần, thu ngắn chuỗi cung ứng, xây dựng các cơ sở sản xuất ở các quốc gia lân cận và tái định cư để đưa các trung tâm sản xuất đến gần hơn với thị trường cuối cùng của doanh nghiệp.
Các chiến lược tìm nguồn cung ứng mới này hướng tới mục đích tái cân bằng chuỗi cung ứng bằng cách thoái vốn khỏi các lĩnh vực hoạt động sản xuất tập trung và trải rộng các công xưởng ra nhiều quốc gia để tăng tính linh hoạt và khả năng ổn định nguồn cung.
Cùng với sự gián đoạn nguồn cung là sự lo lắng về lạm phát và suy thoái. Các chuyên gia tin rằng cả hai vấn đề này sẽ gây tác động lớn hơn vào năm 2023 và cũng sẽ là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự gián đoạn.
Mặc dù việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong vận chuyển hàng hóa như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), v.v. có thể giúp giải quyết tình hình, các tập đoàn kinh tế lớn vẫn đặt trọng tâm vào những hệ thống tương tác trực tiếp thông qua quy trình tự động hóa chu trình Phân tích dữ liệu-Quyết định-Hành động.
Đây chính là điểm mấu chốt để chiến lược Trung Quốc +1 (China Plus One) phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp phương Tây đã đầu tư rất lớn vào Trung Quốc trong hai thập kỷ qua do chi phí sản xuất thấp, ảnh hưởng của đại dịch cũng như những lo lắng chịu sự trừng phạt vì sử dụng công nghệ Trung Quốc ngày càng gia tăng, khiến các doanh nghiệp tìm đến những quốc gia thay thế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thế giới tận dụng tối đa chiến lược Trung Quốc + 1.
“Trung Quốc+1” (China plus One) là một chiến lược kinh doanh quốc tế được sử dụng bởi các tập đoàn đa quốc gia trong vài năm trở lại đây nhằm bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc cũng mở rộng chi nhánh hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang cả các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Myanmar.
Hiện nay, những lựa chọn thay thế tiềm năng là Ấn Độ và Việt Nam. Ở cả hai quốc gia, ghi nhận được sự gia tăng đầu tư của những công ty Mỹ, đã thành lập nhà máy sản xuất tại địa phương.
Ví dụ, để giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất iPhone ở Trung Quốc, Apple đã xem xét Ấn Độ như một giải pháp thay thế. Tại Việt Nam, Foxconn cũng đang mở rộng cơ sở sản xuất nhưng sẽ mất vài năm để chuyển công suất ra khỏi Trung Quốc. Chính nước Mỹ cũng vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc với hàng trăm mặt hàng quan trọng nhập khẩu như dệt may, hóa chất và điện tử.
Ông Christian Roeloffs, đồng sáng lập và CEO của tập đoàn Container xChange cho biết: “Triển vọng chung cho năm 2023 vẫn ảm đạm. Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao chưa từng thấy; Trung Quốc vật lộn để đối phó với virus và ở nước Mỹ vẫn tồn tại những thách thức về giao thông nội địa và tình trạng bất ổn lao động. Hầu hết những khó khăn và thách thức này sẽ tồn tại trong năm 2023. Niềm tin của người tiêu dùng sẽ tăng lên, nhưng sự tin tưởng thực sự phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu có xuất hiện những gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian tới hay không.”
Mặc dù đối mặt với một tương lai không chắc chắn, các công ty xuyên quốc gia vẫn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế tìm nguồn cung ứng. Nhưng những động thái này cũng sẽ không làm giảm vai trò quan trọng của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu vào năm 2023.
Trong năm 2023 và những năm sau đó sẽ có sự chuyển đổi dần dần từ những ngành chỉ dựa vào năng lực sản xuất và nhân lực lành nghề của Trung Quốc, đồng thời các công ty sản xuất và chế tạo cũng sẽ dần dần thay đổi theo thời gian, dần đa dạng hóa và mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc + 1”, sang các quốc gia có tiềm lực khác trong khu vực châu Á như Ấn Độ và Việt Nam.
Theo khảo sát của Container xChange, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào “chuỗi cung ứng thân thiện” năm 2023, chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia là “bạn bè” hoặc đồng minh-đối tác, không có khả năng gây ra sự gián đoạn nguồn cung. Mục tiêu chính là ngăn chặn các quốc gia như Trung Quốc và Nga trong mối quan hệ với Mỹ, sử dụng lợi thế thống trị các thị trường cung cấp các loại nguyên liệu thô, thực phẩm và sản phẩm chủ lực để gây áp lực địa chính trị.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 70% số người được hỏi nhận thấy hành động phong tỏa trong chính sách Zero - Covid ở Trung Quốc là sự kiện toàn cầu lớn nhất, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong năm 2022, đồng thời có đến 88% số người được hỏi cho rằng, đối với các doanh nghiệp, yếu tố gây trở ngại dẫn đến sa thải và suy giảm doanh số lớn nhất trong năm 2023 sẽ là lạm phát và suy thoái, sau đó sẽ là 'hệ lụy của chiến tranh' và”'tác động của Covid-19 ở Trung Quốc”, “những cuộc đình công của công nhân trong tình huống bị cách ly.” 60% số người được hỏi tin rằng, kịch bản thế giới tiếp tục cách ly, phong tỏa năm 2023 sẽ tác động mạnh đến sự tuần hoàn của hệ thống tài chính, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và mối quan hệ đối tác với độ tin cậy cao trên toàn cầu.
Theo Tech Wire Asia