|
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Myanmar. Ảnh: Eastday. |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến hành chuyến thăm Myanmar từ ngày 5 đến ngày 7/9/2017 ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ký kết 11 bản ghi nhớ
Trong chuyến thăm này, Ấn Độ và Myanmar nhất trí sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố. Ấn Độ lên án sự kiện tấn công khủng bố xảy ra ở khu vực bang Rakhine, Myanmar gần đây. Hai bên nhất trí cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định khu vực, kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng thông qua công ước toàn diện về tấn công chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Trong cuộc họp báo chung với cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar bà Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Ấn Độ cùng với Chính phủ Myanmar “cảm thấy quan ngại đối với các vụ bạo lực cực đoan nhằm vào bang Rakhine, nhất là các hành động bạo lực nhằm vào lực lượng an ninh và các sinh mạng vô tội”.
Ông Narendra Modi nói: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan cùng đưa ra đối sách, bảo đảm cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar được tôn trọng, đồng thời để mọi người được hưởng hòa bình, duy trì sự tôn nghiêm của tư pháp và giá trị dân chủ”.
Được biết khoảng 2 tuần trước, 1.000 phần tử khủng bố của “Đội quân cứu thế Arakan Rohingya” (ARSA) đã tấn công các cơ sở quân sự và đồn cảnh sát ở phía bắc bang Rakhine, Myanmar. Chính phủ Myanmar đã coi những phần tử vũ trang này là “phần tử khủng bố”.
Lập trường của Ấn Độ đối với tình hình này đã làm cho nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi cảm kích. Bà Aung San Suu Kyi cho biết hai nước có thể hợp tác ứng phó thách thức, “không để cho chủ nghĩa khủng bố cắm rễ trên lãnh thổ của chúng tôi”.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng Ấn Độ và Myanmar có lợi ích an ninh tương đồng. Những năm qua, có khoảng 40.000 người Rohingya chạy sang Ấn Độ lánh nạn. Chính phủ Ấn Độ giữ thái độ cứng rắn đối với làn sóng tị nạn này, vào tháng trước đã đe dọa trục xuất toàn bộ người Rohingya ra khỏi lãnh thổ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi các nỗ lực tranh thủ hòa bình và hòa giải dân tộc của Myanmar. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường tình hữu nghị, và sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như quốc phòng, biên phòng, xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông, y tế.
Trong chuyến thăm hai bên đã ký kết 11 bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến hợp tác trên nhiều lĩnh vực như điện lực, giao lưu văn hóa, báo chí, công nghệ thông tin, y tế. Ngoài ra, Ấn Độ còn đưa ra chính sách miễn visa cho công dân Myanmar.
Thúc đẩy chính sách hướng Đông đối phó Trung Quốc
Ấn Độ và Myanmar có đường biên giới dài 1.600 km, Ấn Độ coi Myanmar là cánh cửa lớn để đi vào Đông Nam Á. Mục đích chính của chuyến thăm Myanmar lần này là để thúc đẩy chính sách “hành động hướng Đông” (Act East), mở rộng quan hệ kinh tế với Myanmar để chống lại vai trò ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Sau khi kết thúc chính quyền quân sự ở Myanmar, Ấn Độ bắt đầu gia tăng tiếp xúc với Myanmar, kim ngạch thương mại hai nước đến nay đã tăng lên 2,2 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch thương mại tăng lên, nhưng các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở của Ấn Độ tại Myanmar vẫn tiến triển chậm chạp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng cam kết sẽ tăng cường buôn bán hydrocarbon với láng giềng, gần đây bắt đầu xuất khẩu dầu diesel cho Myanmar bằng đường bộ.
Theo tờ Bành Bái, Trung Quốc, Ấn Độ đã sử dụng “quân bài tình cảm” trong chuyến thăm lần này để kéo gần hơn quan hệ với bà Aung San Suu Kyi và Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi từng làm nghiên cứu ở Viện nghiên cứu cao đẳng Ấn Độ trong giai đoạn 1986 – 1988. Bà coi giai đoạn đó là một phần tốt đẹp nhất trong cuộc đời của bà.
Theo tờ Nikkei Nhật Bản, Ấn Độ sẽ thông qua hoàn thiện cảng biển phía tây Myanmar để đi sâu hợp tác kinh tế. Ấn Độ đang đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với láng giềng để chống lại Trung Quốc – nước đang mở rộng vai trò ảnh hưởng ở châu Á bằng sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, Ấn Độ vẫn “lực bất tòng tâm” trong việc tranh giành ảnh hưởng ở Myanmar. Bởi vì, Trung Quốc tiếp tục tăng cường “viện trợ kinh tế” cho Myanmar. Trung Quốc có quyền lợi ở phía nam cảng Sittwe, sẽ xây dựng đường ống dẫn dầu, đã khởi công vào tháng 4/2017. Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng cảng nước sâu và khu công nghiệp ở Myanmar.
Đến tháng 8/2016, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar với tỷ trọng 28,13%, trong khi đó Ấn Độ chỉ chiếm 1,14%. Tình hình kinh tế khó khăn của Myanmar đòi hỏi nhiều nguồn vốn, nhưng khả năng đáp ứng của Ấn Độ hạn chế. Về đầu tư và thương mại, độ sâu và độ rộng của quan hệ Trung Quốc - Myanmar đều vượt xa quan hệ Ấn Độ - Myanmar.
Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar khiến cho Ấn Độ cảm thấy căng thẳng. Trung Quốc coi Myanmar là cây cầu lớn thông tới Ấn Độ Dương. Myanmar chính là nơi giao thoa giữa chính sách “hành động hướng Đông” của Ấn Độ với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc”, tồn tại cạnh tranh nhất định với nhau.