|
Hình ảnh minh họa trên tờ Defense News, Mỹ |
Tờ tuần san Defense News Mỹ ngày 25 tháng 1 cho hay hệ thống pháo kéo tiên tiến 155 mm tự phát triển đầu tiên của Ấn Độ sẽ do các doanh nghiệp tư nhân hợp tác chế tạo, cách làm này trái ngược với cách làm trước đây - cung cấp đơn đặt hàng lớn cho các doanh nghiệp nhà nước.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Khi bắt đầu, chúng tôi dự định cấp đơn đặt hàng 114 khẩu pháo trị giá 350 triệu USD cho doanh nghiệp tư nhân vào năm tới".
Lục quân Ấn Độ cần hơn 1.500 khẩu pháo kéo, trị giá đơn đặt hàng sản xuất trên 4,5 tỷ USD. Đây là "điểm tăng trưởng tiềm tàng" của doanh nghiệp quốc phòng tư nhân Ấn Độ.
Hệ thống pháo kéo tiên tiến do Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và hai doanh nghiệp tư nhân (Tập đoàn Kalyani và Công ty điện lực Tata) hợp tác phát triển.
"Hai nguyên mẫu của hệ thống pháo kéo tiên tiến này đã được chế tạo và đang thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự tính có nhu cầu cấp bách 114 khẩu pháo, sản xuất có thể bắt đầu trong 2 năm sau khi có hợp đồng.
Do hai đối tác có dây chuyền sản xuất riêng, nhu cầu có thể được đáp ứng nhanh hơn" - Thiếu tướng lục quân nghỉ hưu, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Bhupinder Yadav cho biết.
Tháng trước, Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ và Lục quân Ấn Độ đã cùng tiến hành một vụ thử nghiệm kỹ thuật, nguyên mẫu hệ thống pháo kéo tiên tiến có tầm bắn 45 km đã tiến hành thử nghiệm 10 lượt bắn đạn thật.
Một quan chức Lục quân Ấn Độ cho biết nguyên mẫu này sẽ tiến hành một loạt thử nghiệm trong điều kiện địa hình và khí hậu khác nhau, dùng để kiểm tra tính năng và độ chính xác về cự ly.
Sĩ quan này cho biết: "Muốn có được khả năng sản xuất hàng loạt, ít nhất cần thời gian 1 năm rưỡi. Tóm lại, hệ thống pháo kéo tiên tiến cần ít nhất thời gian 4 năm mới có thể phục vụ cho lực lượng pháo binh".
Căn cứ vào lời nói của sĩ quan này, hệ thống pháo kéo tiên tiến của Ấn Độ sẽ rẻ hơn nhiều các hệ thống pháo kéo khác trên thế giới.
Rajinder Bhatia, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của bộ phận quốc phòng và hàng không vũ trụ thuộc Tập đoàn Kalyani cho biết:
"Nhiệm vụ phát triển và chế tạo hệ thống súng pháo phân bổ cho Tập đoàn Kalyani chủ yếu là dựa trên bí quyết, năng lực, kinh nghiệm và hạ tầng cơ sở của tập đoàn này”.
Công ty Bharat Forge - công ty con của Tập đoàn Kalyani đã đóng vai trò nhà hợp tác phát triển, đã cung đầu vào đa dạng cho thiết kế, chế tạo và nghiên cứu phát triển.
Rahul Chaudhry, Giám đốc điều hành Công ty điện lực Tata khởi xướng khối tư nhân Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào sản xuất vũ khí.
Ông Rahul Chaudhry nói: "Các công trình, các sản phẩm quốc phòng của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng có sự tham gia của khối tư nhân Ấn Độ (các doanh nghiệp lớn) đều thành công, chẳng hạn tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Arihant, tên lửa đất đối không Akash và máy phóng rocket đa nòng Pinaka".
Nhà phân tích quốc phòng Bhupinder Yadav đồng ý với quyết định trao dây chuyển sản xuất cho doanh nghiệp tư nhân của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Ông nói: "Ủy ban xưởng quân giới luôn bận rộn với một chương trình tự phát triển khác đó là lựu pháo 155 mm".
Ủy ban xưởng quân giới thuộc Cục sản xuất quốc phòng, do Bộ Quốc phòng quản lý. Họ tham gia vào quá trình sản xuất, thử nghiệm và phát triển các hệ thống trên mặt đất, trên biển và trên không.
Lục quân Ấn Độ cần 3.000 khẩu pháo các loại, giá trị xác định khoảng 9 tỷ USD.