|
Ấn Độ đề xuất luật cấm toàn bộ các loại tiền mã hóa tư nhân (Ảnh: Times of India) |
Theo Reuters, bộ luật sẽ “tạo nên khung làm việc thuận lợi để tạo ra đồng tiền số chính thức được phát hành bởi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI)”; theo chương trình nghị sự được công bố trên website của Hạ viện nước này hôm 30/1.
Luật mới, có mặt trong danh sách các vấn đề mang ra tranh luận trong phiên họp Quốc hội hiện tại, tìm cách “ngăn chặn tất cả các loại tiền mã hóa tư nhân ở Ấn Độ, tuy nhiên, nó cho phép một số ngoại lệ nhằm thúc đẩy công nghệ tiền mã hóa và ứng dụng của nó”; chương trình nghị sự nêu rõ.
Giữa năm 2019, một ủy ban của chính phủ Ấn Độ đề nghị cấm tất cả các loại tiền mã hóa tư nhân, và án phạt tù lên tới 10 năm cùng khoản tiền phạt nặng đối với bất cứ ai giao dịch bằng các loại tiền mã hóa.
Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị chính phủ cân nhắc về việc phát hành một loại tiền số chính thức được chính phủ ủng hộ ở Ấn Độ, và có chức năng giống như tiền giấu, thông qua Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.
RBI trong tháng 4/2018 đã chỉ thị cho các thể chế tài chính cắt đứt mọi quan hệ với các cá nhân hoặc doanh nghiệp giao dịch bằng tiền ảo như Bitcoin trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho phép các ngân hàng xử lý các giao dịch bằng tiền mã hóa từ các thương nhân, đảo ngược một lệnh cấm của Ngân hàng trung ương.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới hiện cũng đang tìm cách để kiểm soát các loại tiền mã hóa, nhưng chưa có nền kinh tế lớn nào đưa ra bước đi kịch tính như ban hành lệnh cấm tuyệt đối với chúng.