|
Tổ hợp 4 ống phóng tên lửa được thử nghiệm . Ảnh: QQnews. |
Ấn Độ tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống "Bhargavastra"
Gần đây, báo chí Ấn Độ đưa tin hệ thống tên lửa phòng không cỡ nhỏ "Bhargavastra" do Công ty Năng lượng Mặt trời Ấn Độ phát triển đã tiến hành vụ phóng thử nghiệm đầu tiên và bắn trúng mục tiêu ở độ cao 400 m từ khoảng cách 2,5 km.
Theo giới thiệu, hệ thống này có thể đánh chặn các mục tiêu là máy bay không người lái (UAV), đạn dược hoặc “đạn tuần kích” (Loitering Munition - bom lảng vảng) đang di chuyển. Nhưng mục tiêu chủ yếu là nhắm vào bầy đàn UAV.
“Bhargavastra” là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “vũ khí thiêng liêng hủy diệt cực mạnh của nhà hiền triết”. Hệ thống phòng không này được giới thiệu có thể mang theo 64 tên lửa siêu nhỏ, radar của hệ thống có phạm vi phát hiện 10 km đối với mục tiêu là máy bay không người lái cỡ trung - lớn và 6 km đối với các UAV cỡ nhỏ và đạn tuần kích.
Tuy nhiên, đoạn video do truyền thông Ấn Độ công bố chỉ cho thấy quá trình bắn thử nghiệm loại hệ thống phóng 4 đạn, còn xe phóng có khả năng mang theo 64 ống phóng tên lửa thì không được xuất hiện trong đoạn phim.
Tên lửa Bhargavastra được thiết kế để phóng theo cụm 4 tên lửa, có lẽ là để tăng khả năng thích ứng với địa hình, vì nó được thiết kế đặc biệt để thích ứng với đặc điểm địa hình Ấn Độ, có thể triển khai linh hoạt ở vùng sa mạc và núi non, thậm chí có thể tác chiến trên cao nguyên có độ cao 5.000 mét. Tuy nhiên, khi tên lửa "Bhargavastra" cụm 4 ống phóng phóng thử nghiệm, nửa dưới của nó đã bị che hoàn toàn bằng bảng hiển thị, điều này cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng cơ động của nó.
Truyền thông Trung Quốc chê bai
Trang tin Trung Quốc QQnews cho rằng, hệ thống tên lửa chống UAV "Bhargavastra" của Ấn Độ khiến người ta nhớ đến xe hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17AE” của Trung Quốc xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 15 cách đây không lâu. Đây cũng là hệ thống phòng không dùng để đánh chặn UAV.
Tuy nhiên, không giống như "Bhargavastra" vẫn còn đang được giữ bí mật, “Hongqi-17AE” đã trưng bày toàn bộ hệ thống bao gồm xe phóng, radar và tên lửa trước công chúng.
Đặc điểm chính của xe hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17AE” là mức độ tích hợp cao. Nó tích hợp radar tìm kiếm, radar điều khiển hỏa lực, cảm biến quang điện tử, ba loại tên lửa đánh chặn và thiết bị gây nhiễu vào một khung gầm cơ động cao bánh lốp 8X8. Khung gầm có khả năng chống đạn ở một mức độ nhất định. Không chỉ vậy, cảm biến quang điện tử là thiết bị ngắm quang điện tử/hồng ngoại đa kênh và xe cũng được tích hợp radar mảng pha ba mặt. Mức độ công nghệ và khả năng tích hợp này đừng nói Ấn Độ, mà ngay cả Mỹ, Nga cũng có thể chưa có được.
QQnews cho rằng, mặc dù đều là hệ thống tên lửa chống UAV nhưng khoảng cách giữa hệ thống phòng không "Bhargavastra" của Ấn Độ và xe hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17AE” của Trung Quốc thực sự quá lớn, thể hiện ở một số khía cạnh.
Một là tầm bắn và tốc độ của tên lửa. Xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17 được trang bị hai loại tên lửa, một là tên lửa phòng không tầm ngắn có tầm bắn hiệu quả 6.000 m, và loại còn lại là tên lửa phòng không tầm cực ngắn có phạm vi phòng thủ hiệu quả 3.000 m. Cả hai loại đều vượt trội "Bhargavastra".
Ngoài ra, tên lửa của Hongqi-17 có tốc độ nhanh hơn và có thể đánh chặn tên lửa hành trình, trong khi tên lửa "Bhargavastra" có đầu tù và dày, tốc độ chậm hơn nên chỉ có thể đánh chặn UAV và đạn tuần kích.
Thứ hai, số lượng đạn tên lửa. Xe hỗ trợ hỏa lực Hongqi-17 có cụm 72 tên lửa sẵn sàng phóng, được bố trí dày đặc trong một xe, trong khi Ấn Độ công bố Bhargavastra bố trí cụm 64 tên lửa, ít hơn 8 quả và mới chỉ có cụm phóng 4 quả được công khai. Sự tồn tại của cụm 64 tên lửa vẫn gây nên nghi ngờ.
Thứ ba, tính cơ động. Tất cả các hệ thống phụ của “Hongqi-17” đều được tích hợp vào khung gầm bánh lốp 8X8, do đó tốc độ và khả năng cơ động của nó là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, "Bhargavastra" chỉ hiển thị một tổ hợp phóng 4 ống, với một thiết bị hình vuông ở bên cạnh. Có thể đây là thiết bị phát hiện quang điện tử, cho thấy kém hơn so với “Hongqi-17” về khả năng tích hợp và khả năng cơ động.
Thứ tư, khả năng chống nhiễu. Không có gì nhiều để nói về điều này. Xe hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17” được trang bị ba ăng-ten mảng pha và cảm biến quang điện tử/hồng ngoại đa kênh. Với cấu hình này, nó có thể thực hiện nhiệm vụ đánh chặn ngay cả trong môi trường điện từ phức tạp.
Thứ năm, mức độ tự động hóa. Tổ hợp hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17” là xe chiến đấu không người lái và có khả năng tự chủ tác chiến. "Bhargavastra" vẫn được nạp đạn thủ công, vì vậy không có gì lạ khi nó phải sử dụng bệ phóng 4 ống, vì nếu cụm phóng 64 tên lửa, riêng nạp đạn thủ công đã tốn nhiều công sức.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, nói chung, so với xe hỗ trợ hỏa lực “Hongqi-17”, hệ thống tên lửa phòng không siêu nhỏ "Bhargavastra" của Ấn Độ có khoảng cách lớn về tầm bắn, khả năng cơ động, tải trọng, hiệu suất chống nhiễu...
Ngoài tên lửa siêu nhỏ chống UAV "Bhargavastra", Ấn Độ còn phát triển hệ thống chống UAV bằng vi sóng, nhưng tầm bắn hiệu quả của nó chỉ đạt 1.000 m, bị coi là kém xa các hệ thống chống UAV bằng vi sóng series FK và "Hurricane" của Trung Quốc.
Theo QQnews