Theo Hiệp định an ninh song phương (BSA) ký giữa Mỹ và Afghanistan đầu năm ngoái, Mỹ sẽ rút 5.500 lính khỏi Afghanistan vào cuối năm nay và rút nốt số còn lại trong tổng số 9.800 lính đang đồn trú vào cuối năm 2016. Thế nhưng, theo các quan chức Nhà Trắng, ông B. Obama đang nghiêng về ý kiến giữ lại toàn bộ 9.800 lính cho tới hết năm 2016.
Mỹ tiến quân vào Afghanistan vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001. 13 năm qua, hàng nghìn tỷ USD đã được đổ vào cuộc chiến này, hơn 2.300 lính Mỹ bị thiệt mạng cùng hơn 20 nghìn người khác bị thương. Tuy nhiên, tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn diễn biến rất phức tạp. Thống kê chưa đầy đủ của Phái bộ LHQ tại Afghanistan cho biết, riêng năm 2014, đã có hơn 10.500 dân thường Afghanistan là nạn nhân của các vụ bạo lực và khủng bố, trong đó có 3.700 người chết, tăng 25% so với con số tử vong năm 2013.
Bất chấp thực trạng đáng ngại trên, ông B. Obama vẫn cho rằng, đã đến lúc Afghanistan phải tự lo cho số phận của mình. Trong một tuyên bố hồi năm ngoái, ông B. Obama khẳng định: “Afghanistan, cũng như mọi nơi khác, sẽ không phải là một đất nước hoàn hảo. Tuy nhiên, đó không thuộc trách nhiệm của Mỹ”.
Thực ra, ông B. Obama đang rơi vào thế bí. Các cuộc thăm dò công luận gần đây cho thấy, nhiều người Mỹ đã quá mệt mỏi với chiến tranh, họ chỉ muốn chính quyền của Tổng thống B. Obama tập trung giải quyết những vấn đề trong nước, như kinh tế chẳng hạn. Tâm lý phản chiến càng tăng lên sau khi trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden bị tiêu diệt.
Không rút được quân khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ khó tập trung thêm nguồn lực cho “những mối ưu tiên khác”, chẳng hạn như bất ổn chính trị của Ukraine hay căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương vì thế cũng bị chậm lại.
Có điều, trong khi vẫn còn gần 1 vạn lính Mỹ ở Afghanistan, thì trên chiến trường, lực lượng quân sự và cảnh sát Afghanistan đang gặp phải tổn thất lớn nhất kể từ khi cuộc chiến với Taliban bắt đầu từ năm 2001. Đó là chưa kể những mối đe dọa mới từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng đang tiến hành hoạt động tuyển mộ, huấn luyện ở Afghanistan.
Chớp thời cơ này, Đảng Cộng hòa đối lập lập tức lên tiếng chỉ trích kế hoạch rút quân là hành động sai lầm, bởi sau khi rút quân, các tổ chức khủng bố tại đây sẽ lại trỗi dậy, cũng giống như tình trạng bạo lực đã quay trở lại với Iraq chỉ sau khi lính Mỹ rời gót không lâu. Hai Thượng nghị sỹ uy tín hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện là John McCain và Lindsey Graham còn cho rằng, quyết định rút quân là nhằm mục đích chính trị cho năm tổng tuyển cử 2016 hơn là từ góc độ chiến lược và quân sự.
Đó là lý do buộc ông B. Obama chuyển sang ủng hộ đề nghị của của tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người cho rằng phải kéo giãn tiến độ rút quân khỏi Afghanistan nhằm “bảo vệ những thành quả mà người Mỹ giành được trong 13 năm qua”. Điều này đồng nghĩa với việc Afghanistan sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh với người dân Mỹ.
Theo: Công an Thủ đô