|
Khó khăn triển khai 5G
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, công nghệ 5G tạo các gói dịch vụ dung lượng lớn hơn về tiêu dùng, khiến nhà mạng không có doanh thu nhảy vọt từ nhóm khách hàng cá nhân.
Thực tế ở thế giới cho thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng cá nhân của thuê bao di động B2C chỉ tăng 1%, trong khi 20% tăng trưởng đến từ B2B, B2G (hợp đồng với doanh nghiệp, Chính phủ).
Một khó khăn khác, theo ông Huy, nước ta chưa có các chuyên gia chuyển đổi số theo ngành dọc. Ví như thực hiện dự án chuyển đổi số thông qua áp dụng 5G và AI cho cảng biển là chưa có chuyên gia.
Đề cập tới khó khăn về khung pháp lý, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty MobiFone chia sẻ Việt Nam chưa có quy định, tiêu chuẩn đầy đủ trong lĩnh vực 5G, như quy định được nhập thiết bị của hãng nào, nhập về có gây nhiễu cho thiết bị khác không, phát sóng được không...
Theo chuyên gia, muốn phủ sóng 5G, số lượng trạm thu phát (BTS) cần rất lớn. Ông Huy nói để phủ toàn quốc cần hàng trăm nghìn trạm BTS, trong khi kinh phí đầu tư trạm loại này gấp 4 lần 4G, song mức chấp nhận 5G ở Việt Nam đang rất thấp.
Nhấn mạnh các giá trị và lợi ích khi triển khai 5G, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Công nghệ, Tập đoàn VNPT đánh giá, việc triển khai thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, 5G cung cấp cho khách hàng phổ thông (B2C) có chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ, dung lượng... nhưng họ chưa sẵn sàng chi trả.
"Khảo sát toàn cầu cho thấy sự chi trả không gia tăng nhiều, doanh thu đem lại còn khiêm tốn. Khoảng 2-3% là rất khả quan rồi", ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi vì khách hàng, tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều. Đây là thách thức lớn với quyết định triển khai công nghệ 5G trong hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật, Tập đoàn Viettel đề cập đến chi phí khi xây dựng mạng 5G riêng cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI. Ông Tân cho rằng, thay vì chỉ dựng hạ tầng phát 5G cho công chúng ở khu này, các nhà mạng cần thêm hạ tầng dùng riêng cho khu công nghiệp.
Để đáp ứng điều này, nhà mạng phải triển khai các giải pháp vô tuyến, truyền dẫn, mạng lõi, sử dụng những kiến trúc đắt tiền nhất và phối hợp với doanh nghiệp tại đây thực hiện.
Cơ hội cho nhà mạng Việt Nam
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty MobiFone cho rằng dù gặp nhiều thách thức khi triển khai nhưng dư địa cho phát triển 5G tại Việt Nam rất lớn.
Theo khảo sát tại 98 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, 61% các doanh nghiệp áp dụng chưa tự động hóa, 25% tự động hóa rất ít. Như vậy, 86% doanh nghiệp trong khu công nghiệp gần như chưa áp dụng tự động hóa trong khâu sản xuất. Ở mảng sản xuất thông minh, 25% doanh nghiệp không có kết nối thông minh trong dây chuyền.
Lý giải điều này, ông Huy cho rằng các nhà máy thường sử dụng lao động thủ công, chưa xây dựng nhà máy thông minh, nên dư địa mở rộng còn rất nhiều.
Trong khi đó, ông Lê Bá Tân cho biết sau 2 tháng triển khai 5G, Viettel đã xây dựng được 6.500 trạm phát sóng tại 63 tỉnh thành phố, số lượng thuê bao đạt 4 triệu, tương đương 40% thiết bị đầu cuối 5G đã sử dụng trong vùng phủ của Viettel.
Nhà mạng này hiện có 10 triệu thuê bao có thiết bị đầu cuối 5G trên tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng mạng di động. Ông Tân dự tính còn 6 triệu thuê bao Viettel đã sẵn sàng sử dụng 5G.
"Có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm việc với Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel để phối, kết hợp thử nghiệm, cung cấp ứng dụng 5G cho doanh nghiệp", ông Tân thông tin.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đánh giá việc triển khai 5G ở Việt Nam đúng thời điểm. Theo ông, các nhà mạng không nên quá lo ngại vấn đề giá cước và vốn đầu tư, bởi khi bàn thảo Luật Tần số năm 2009, Chính phủ đã đặt vấn đề quản lý viễn thông theo cơ chế thị trường, hạn chế quản lý Nhà nước vào chính sách của doanh nghiệp viễn thông.
"Có thể giai đoạn đầu khó khăn về kinh phí nhưng rồi thị trường họ sẽ tự điều chỉnh theo quy luật", ông Lê Nam Thắng chia sẻ.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng Nghị quyết 57 và Nghị định 163 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông vừa ký ngày 24/12 là cơ sở pháp lý mở đường cho hoạt động viễn thông của các nhà mạng.
Ông Nhã nhận thấy các doanh nghiệp viễn thông đang tìm thị trường riêng của mình, tìm cơ hội tiếp cận triển khai dịch vụ trên hạ tầng đã đầu tư, học tập bài học của nước ngoài để áp dụng tại Việt Nam.