“15 tiến sĩ về AI, không một ai được đào tạo trong nước”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cả 15 nhân sự trình độ tiến sĩ về AI đều được đào tạo tại Nhật, Pháp, Mỹ và không ai trong số họ được đào tạo trong nước, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Cloud chia sẻ về thực tế đội ngũ làm về AI tại doanh nghiệp này.

470192693_578276604807547_2432216567344832765_n.jpg
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Cloud

Nhiều khác biệt trong AI học thuật và ứng dụng

Tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học” - AI4Edu do CLB các Khoa - Trường - Viện CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức hôm 11/12, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Cloud đã nêu thực tế năng lực đào tạo trình độ cao về AI của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và không đáp ứng được nhu cầu của học viên

Ông Việt dẫn chứng chương trình đạo tạo bậc Tiến sĩ chuyên ngành AI do một đại học phối hợp với FPT triển khai nhưng đã thất bại thảm hại khi tuyển mãi mới được một bạn học viên. Học viên đó lại chính là nhân viên của doanh nghiệp cử đi học để chương trình có học viên.

“Đây là thực tế đáng buồn”, Tổng giám đốc FPT Cloud Lê Hồng Việt nói và chia sẻ rằng doanh nghiệp công nghệ mong muốn cùng chung tay với các trường để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực AI cho sinh viên, học viên.

Ông Việt chỉ ra những điểm chung và khác biệt giữa nghiên cứu AI trong học thuật và phát triển ứng dụng AI trong doanh nghiệp. Ông cho rằng việc nhận thức rõ nội dung này sẽ giúp kết hợp hiệu quả giữa hai môi trường học thuật và doanh nghiệp, tối ưu năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Trong khuôn khổ học thuật, sinh viên chủ yếu tham gia các hoạt động nghiên cứu, làm theo dạng dự án. Thông thường, các dự án được triển khai với mục tiêu giúp sinh viên thử nghiệm, áp dụng các kiến thức được học và không chú trọng vào việc xây dựng sản phẩm hoàn thiện.

Còn trên thực tế, nhân sự tham gia dự án AI cần phải có kiến thức chuyên môn đa dạng cũng như khả năng hiểu nghiệp vụ để có thể xây dựng sản phẩm hoàn thiện.

Từ đó, Tổng giám đốc FPT Cloud nhấn mạnh rằng sinh viên chuyên ngành AI cần tham gia thực tập tại các doanh nghiệp làm sản phẩm AI để trau dồi kĩ năng. Đồng thời, các sinh viên, học viên nên tham dự các sự kiện, hội thảo để lắng nghe và trao đổi với các chuyên gia về bài học và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực AI.

Còn về phía nhà trường, việc đa dạng hóa chương trình, hoạt động đào tạo là điều cần thiết.

Nói về về thực tế ứng dụng AI, ông Lê Hồng Việt cho rằng AI được ứng dụng trong mọi hoạt động vận hành doanh nghiệp, như hoạt động marketing và bán hàng, chăm sóc khách hàng; quản lý rủi ro, đào tạo nhân lực, hành chính,… Vì thế, việc sinh viên thực sự am hiểu về các mô hình ứng dụng AI trong các hoạt động cụ thể là điều rất thiết thực mà các đơn vị đào tạo nên quan tâm.

Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp

PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FISU Việt Nam cho biết AI chưa được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các trường đại học tại Việt Nam, nhưng nhiều cơ sở giáo dục lớn đã bắt đầu tích hợp công nghệ này vào chương trình giảng dạy và quản lý.

Lâm.jpg
PGS.TS Bùi Thu Lâm.

Việc ứng dụng AI trong giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý đào tạo.

Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, Việt Nam cần đối mặt với các thách thức về khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực và chương trình đào tạo. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong giáo dục và trở thành một trong những quốc gia mạnh trong lĩnh vực này.

Theo TS Lâm, số lượng các khóa học liên quan đến AI đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, với các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, và Đại học Bách khoa Hà Nội, đóng vai trò tiên phong. Hiện đã có tới 50 trường đào tạo chuyên ngành liên quan tới AI, trong đó có khoảng 26 trường có ngành/chuyên ngành AI.