8 tỉnh khu vực Đông Bắc cam kết triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh phải là các đơn vị không buôn lậu, trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo...
Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam các tỉnh khu vực Đông Bắc.
Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam các tỉnh khu vực Đông Bắc.

Chiều nay, 15/10, tại Quảng Ninh, Ban Tổ chức 248, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam ở khu vực Đông Bắc.

Hội nghị nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức 248, ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248), được Thủ tướng ký Quyết định thành lập ngày 28/2/2018, do ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - làm Trưởng Ban. Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT - được chỉ định là thành viên Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động, cùng với đại diện nhiều Hiệp hội và Hội.

Khai mạc hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh đã được các ban, bộ, ngành tham gia xây dựng và ý kiến đóng góp của của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, cộng đồng doanh nhân vv… đến nay đã Thủ tướng phê duyệt và ban hành.

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - phát biểu khai mạc hội nghị

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - phát biểu khai mạc hội nghị

“Chúng tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo các địa phương, ban, ngành cùng vận động các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam, để xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một lực lượng doanh nghiệp kinh doanh với những chuẩn mực văn hóa văn minh, hội nhập, góp phần xây dựng kinh tế bền vững. Đó cũng là hình ảnh của địa phương, hình ảnh của quốc gia” - ông Hồ Anh Tuấn bày tỏ.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh: Với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), tỉnh Quảng Ninh đã trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của phía bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%.

Đến nay, Quảng Ninh Quảng Ninh thu hút được trên 17.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký trên 390.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015; 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.909 đơn vị thành lập mới, tăng 20% cùng kỳ với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; có 899 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ; 1.335 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 24% so với cùng kỳ; nhưng cũng có 437 doanh nghiệp giải thể, tăng 15% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cam kết: UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tích cực thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cam kết: UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tích cực thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam

“Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ đảm bảo xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, phát triển hài hoà dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với yếu tố cốt lỗi là “Văn hoá”, đồng thời, góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã giới thiệu Bộ Tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam”: Phần 1 là “Các điều kiện bắt buộc” gồm 5 nội dung: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác.

Phần 2 là “Các tiêu chí đánh giá” gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.

Ban Tổ chức Hội nghị cũng hướng dẫn Quy chế xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Theo Quy chế, các doanh nghiệp đạt điểm đủ điều kiện được công nhận “Doanh nghiệp tiêu biểu” theo các nhóm tiêu chí: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.

Tọa đàm “Văn hóa với thực thi chiến lược”
Tọa đàm “Văn hóa với thực thi chiến lược”

Dựa trên Bộ Tiêu chí, Ban Tổ chức Hội nghị đã giới thiệu 10 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam được công nhận năm 2021.

Đặc biệt, tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban Tổ chức 248 và lãnh đạo UBND 8 tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh

Trong khuôn khổ của hội nghị cũng đã diễn ra buổi tọa đàm “Văn hóa với thực thi chiến lược” với sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Ao Vua.

Ông Lê Doãn Hợp kết luận hội nghị
Ông Lê Doãn Hợp kết luận hội nghị

Bế mạc hội nghị, ông Lê Doãn Hợp kết luận: Các doanh nghiệp cần làm tốt văn hóa gia đình, vì là nền tảng của xã hội, trong đó có cả văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế. Không có văn hóa doanh nghiệp không bao giờ phát triển bền vững. Dù giàu mà không có văn hóa doanh nghiệp cũng sụp đổ. Muốn làm văn hóa doanh nghiệp phải là người tử tế, không làm hại ai, không làm khổ ai; phải làm giàu chân chính bằng tài năng chân chính; xây dựng thiết chế văn hóa để đảm bảo bền vững. Văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Lo cho doanh nghiệp là lo cho phát triển bền vững.

Ông Lê Doãn Hợp đưa ra bài học của các doanh nghiệp thành đạt trên thế giới là đều có 5 yếu tố: Viện nghiên cứu văn hóa; Ban đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Ban truyền thông và xây dựng thương nghiệp; Ban chăm sóc khách hàng và tổ chức thị trường; Ban đời sống và chính trị.

Chủ trì hội nghị có ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức 248, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch danh dự Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xét công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Dự hội nghị còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thươnglãnh đạo 8 tỉnh Đông Bắc; ông Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia.