8 biểu hiện của hoạt động chuyển đổi số chệch choạc, hời hợt

VietTimes – Cần phải có thời gian để chứng minh doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nhưng có 8 chỉ báo thể hiện doanh nghiệp đang chệch choạc hoặc hời hợt trong chuyển đổi số - chuyên gia Chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn nói.

Thông tin được đưa ra tại sự kiện “Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Cộng đồng Chuyển đổi số Việt Nam tổ chức – vừa diễn ra hôm nay (23/4).

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VDCA - cho rằng, chuyển đổi số là một hành trình nhiều thách thức. Việc này đúng với không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà còn cả với các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh về tài chính, nhân lực.

Đại diện VDCA chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại đối với các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau. Cụ thể, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình tổ chức, thay đổi văn hoá tổ chức và chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA)

Cùng với đó, việc lựa chọn công nghệ giữa một “rừng” công nghệ, bao gồm cả nền tảng giải pháp quốc tế và giải pháp Việt Nam, cũng là vấn đề làm đau đầu các lãnh đạo doanh nghiệp. “Doanh nghiệp sẽ lựa chọn những giải pháp gì và những giải pháp đó sẽ kết nối với nhau như thế nào và giải quyết những vấn đề công nghệ di sản trước đây ra làm sao” – đại diện VDCA đặt vấn đề.

Trong những ngày đầu của Covid-19, các công ty quan tâm đến việc cho phép làm việc từ xa, duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và duy trì hoạt động của hệ thống kinh doanh. Khi các doanh nghiệp bắt đầu ổn định cách làm việc mới, họ đang chuyển trọng tâm trở lại các sáng kiến chuyển đổi số dài hạn, chiến lược hơn và thúc đẩy các thị trường đang thay đổi và các cơ hội mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không phải lúc nào cũng đơn giản, dù rõ ràng với nhiều công ty đó là con đường phía trước.

Tại sự kiện, TS. Phạm Anh Tuấn - Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, Rạng Đông, PC1; Giảng viên Viện Quản trị và Công nghệ FSB đã chia sẻ những điểm nghẽn trong chuyển đổi số. Lý giải vì sao 70-90% dự án chuyển đổi số thất bại, ngoài các sai lầm cần tránh trong chuyển đổi số, ông Tuấn cho rằng, hầu hết các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số đều đặt cho mình một mục tiêu hoặc ngôi sao phương Bắc, trong hầu hết các trường hợp, điều này có thể được hiểu là phân phối giá trị bền vững trên quy mô lớn.

Theo ông Tuấn, trong trường hợp này, có thể hiểu thách thức thông qua hai động lực chính đó - Giá trị và Quy mô. Khi đó, một ma trận đơn giản sử dụng các trục này có thể xác định thời điểm hoàn thiện của bất kỳ chuyển đổi số nào.

Nêu thực tế một doanh nghiệp cần phải có thời gian để đánh giá mức độ thành công của quá trình chuyển đổi số - thời gian này tối thiểu cần 6 tháng; nhưng chuyên gia Chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn chỉ ra 8 chỉ báo thể hiện doanh nghiệp đang chệch choạc hoặc hời hợt trong chuyển đổi số. Đó là:

Thứ nhất, Lập kế hoạch cho “kế hoạch”;

Thứ hai, Thử nghiệm quanh năm;

Thứ ba, Tồn tại các điểm mù về chuyển đổi số của doanh nghiệp;

Thứ tư, Dự án vụn vặt;

Thứ năm, Tầm nhìn ngắn;

Thứ sáu, “Tầm nhìn” quá xa;

Thứ bảy, Tập trung quá độ, thiếu “làm chủ”;

Và Thứ tám, Ốc đảo.

Đây là các dấu hiệu mà doanh nghiệp có thể tự “soi” vào để nhận định về hoạt động thực thi chuyển đổi số của chính mình.

Đa phần doanh nghiệp chưa phân tích được dữ liệu từ thế giới thực

Khảo sát toàn cầu của Deloitte đã tìm hiểu và phân tích cách các doanh nghiệp dự định đầu tư vào chuyển đổi số cho thấy các điểm bất cập giữa chiến lược và quá trình triển khai. Các doanh nghiệp tiếp tục tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ vị thế của họ thay vì đầu tư táo bạo để thúc đẩy đột phá.

Tại hội thảo, Ông Đỗ Danh Thanh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số Deloitte Việt Nam chia sẻ: “94% tổng số doanh nghiệp được khảo sát cho biết chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược hàng đầu của họ. Nhưng chỉ 68% tổng số người được khảo sát và chỉ 50% CEO nghĩ rằng những chuyển đổi này là vô cùng quan trọng đối với việc duy trì lợi nhuận".

Chuyển đổi số thường được coi là khoản đầu tư phòng thủ để bảo vệ, thay vì để phát triển doanh nghiệp của họ. Trung bình, các công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 30% ngân sách hoạt động, công nghệ thông tin của họ cho các sáng kiến chuyển đổi số.

Cũng theo ông Thanh, hơn 90% doanh nghiệp được khảo sát có thu thập một số dữ liệu từ thế giới thực. Nhưng ít tổ chức có thể phân tích dữ liệu và chỉ khoảng 50% số báo cáo có thể giúp đưa ra quyết định theo thời gian thực.

Ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số Deloitte Việt Nam

Hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy chuyển đổi số, được chỉ ra bởi những người trả lời khảo sát, chính là Cải thiện năng suất và Mục tiêu hoạt động - chủ yếu liên quan khả năng tối ưu hóa các công việc hiện tại - giúp tăng tỷ suất hoàn vốn (ROI). Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát cho thấy rằng ROI dương cũng có thể được hiện thực hóa khi các tổ chức được thúc đẩy bởi mong muốn đổi mới ngày càng tăng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp xác định trạng thái mục tiêu của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, ông Đỗ Danh Thanh chia sẻ, phương pháp tiếp cận của Deloitte được chia thành 3 giai đoạn: Xác định trạng thái tương lai, chiến lược và lộ trình chuyển đổi số và triển khai các Quick wins.

Chia sẻ với đa phần các doanh nghiệp công nghệ đang gặp áp lực rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu áp dụng xu hướng chuyển đổi số 2023, ông Lê Mai Anh – Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần SmartOSC chia sẻ sáng kiến Low-code.

Đây là một loại ngôn ngữ hoặc môi trường giúp cho những người ít kinh nghiệm viết code tạo và phát triển phần mềm sẽ giải quyết các vấn đề trên một cách hiệu quả. Các doanh nghiệp đang muốn thay đổi tổ chức của mình sang xu hướng chuyển đổi số. Nhưng đây là một quá trình dài đòi hỏi chiến lược và những lựa chọn đúng đắn để doanh nghiệp thực hiện thành công.

Low-code, No-code cho phép các tổ chức xây dựng các ứng dụng tùy chỉnh sử dụng mã lập trình ở mức tối thiểu, có nghĩa là người dùng có ít hoặc không có kinh nghiệm lập trình vẫn có thể phát triển và tùy chỉnh các ứng dụng.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Hơn 10.500 thành viên hoạt động sôi nổi tại Cộng đồng “Digital Transformation – Chuyển đổi số Việt Nam”

Cộng đồng “Digital Transformation – Chuyển đổi số Việt Nam” được TS Phạm Anh Tuấn thành lập năm 2018, với mục tiêu là diễn đàn cung cấp, chia sẻ các xu hướng mới nhất về chuyển đổi số. Đồng thời cung cấp góc nhìn rộng, liên ngành về chuyển đổi số. Không chỉ vậy, mong muốn của người sáng lập cũng như các admin của nhóm còn là nơi kết nối các chuyên gia với doanh nghiệp, tổ chức để cùng giải quyết các bài toán của doanh nghiệp.

Hiện tại nhóm hoạt động mạnh mẽ với các thành viên quản trị là các chuyên gia đầu ngành cùng hơn 10.500 thành viên hoạt động sôi nổi. Sự kiện “Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp” là số đầu tiên của nhóm, đánh dấu cột mốc nhóm đạt 10.500 thành viên, đồng thời mở ra hoạt động thường quý của nhóm để là nơi kết nối, chia sẻ thông tin từ kinh nghiệm thực thi chuyển đổi số.