79 người nhiễm bệnh sau bốn ngày, liệu Bắc Kinh có trở thành Vũ Hán thứ hai?

VietTimes – Làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát ở Bắc Kinh, tiếp tục lan rộng. Ngày15/6, nhà chức trách đã thông báo thêm 36 trường hợp nữa, trong vòng 4 ngày, số ca mắc đã lên tới 79.
Hàng vạn người Bắc Kinh buộc phải xét nghiệm sau khi xuất hiện ổ dịch ở chợ Tân Phát Địa (Ảnh: CNS)
Hàng vạn người Bắc Kinh buộc phải xét nghiệm sau khi xuất hiện ổ dịch ở chợ Tân Phát Địa (Ảnh: CNS)

Sự bùng phát dịch ở thủ đô Bắc Kinh cũng đã lan sang các địa phương khác của Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cho biết các trường hợp mới phát hiện ở Hà Bắc, Liêu Ninh và Tứ Xuyên đều có liên quan đến các bệnh nhân ở Bắc Kinh.

Trong đợt dịch bệnh mới bùng phát này, Tân Phát Địa - một chợ bán buôn nông sản lớn ở vùng ngoại ô phía nam Bắc Kinh, trở thành ổ dịch. Hầu như tất cả các ca bệnh đều liên quan đến nó, nhưng rốt cục virus corona mới đã xuất hiện tại chợ như thế nào vẫn là điều bí ẩn. Theo tin của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, khi lấy mẫu môi trường, virus corona mới đã được phát hiện trên thớt để cắt cá hồi nhập khẩu.

Theo BBC tiếng Trung, chính quyền đã tuyên bố Bắc Kinh đã “bước vào một thời kỳ bất thường” và bắt đầu tiến hành các xét nghiệm axit nucleic trên hàng chục ngàn cư dân suốt ngày đêm. Các nhà vi-rút học nói với phóng viên BBC, tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh rất nghiêm trọng do vẫn chưa tìm thấy nguồn lây nhiễm. Các nhà chức trách vẫn phải tiến hành xét nghiệm kháng thể để xác định dịch bệnh đã “náu mình” trong bao lâu trước khi bị phát hiện.

Hàng vạn cư dân Bắc Kinh liên quan đến chợ Tân Phát Địa và các khu dân cư đã phải xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Đông Phương).
Hàng vạn cư dân Bắc Kinh liên quan đến chợ Tân Phát Địa và các khu dân cư đã phải xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Đông Phương).

Bắc Kinh "đã bước vào thời kỳ bất thường"

Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe Bắc Kinh, vào sáng thứ Hai, 15/6, Bắc Kinh công bố phát hiện 36 ca nhiễm COVID-19 tại địa phương và 6 trường hợp khác không có triệu chứng. Trong ba ngày trước đó, Bắc Kinh đã tìm thấy tổng cộng 43 người bị bệnh, phá vỡ kỷ lục trong 56 ngày liên tiếp không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào tại địa phương.

Tỉnh lân cận Hà Bắc cũng đã báo cáo 3 trường hợp vào sáng thứ Hai 15/6 và tất cả những người nhiễm bệnh đều tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân được chẩn đoán ở Bắc Kinh. Thành phố Bảo Định, Hà Bắc, nơi phát hiện các ca bệnh, đã tuyên bố "tình trạng thời chiến" để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, 2 trường hợp được xác nhận và 1 trường hợp nghi nhiễm liên quan đến Bắc Kinh đã được phát hiện ở tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Tứ Xuyên.

Cơ quan y tế Bắc Kinh không tiết lộ nơi ở cụ thể của 36 trường hợp được xác nhận mới nhất, nhưng 43 trường hợp được xác nhận trước đó đều đã tới chợ bán buôn Tân Phát Địa ở quận Phong Đài. Hầu hết trong số họ là những hộ cá thể kinh doanh trong chợ, nhưng cũng có người là khách hàng đến chợ mua hàng, cũng như nhân viên của tổ chức nghiên cứu đi lấy mẫu thực phẩm.

Chợ Tân Phát Địa nằm ở phía nam Bắc Kinh, là trung tâm bán buôn rau, trái cây và hàng tươi sống lớn nhất của thành phố, mỗi ngày có gần 50.000 khách hàng đến mua bán. Hiện tại, chính quyền đã tuyên bố đóng cửa chợ này, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm đối với tất cả các sản phẩm rau quả, thịt và thủy sản của thành phố và tiến hành các xét nghiệm axit nucleic đột xuất đối với hàng chục ngàn cư dân quanh chợ.

Cảnh sát lập hàng rào phong tỏa chợ Tân Phát Địa (Ảnh: BBC)
Cảnh sát lập hàng rào phong tỏa chợ Tân Phát Địa (Ảnh: BBC)

Bắc Kinh cũng công bố một loạt các chính sách chống dịch, bao gồm đình chỉ tổ chức các sự kiện thể thao, yêu cầu học sinh nhiều lớp trong thành phố ngừng đến trường, cấm tụ tập ăn uống và đóng cửa nhiều điểm du lịch.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc họp vào ngày Chủ nhật 14/6 và quyết định cách chức ông Chu Vũ Thanh, Phó quận trưởng Phong Đài và Trương Nguyệt Lâm, Tổng giám đốc của chợ bán buôn Tân Phát Địa.

Tại sao dịch bệnh ở Bắc Kinh gây lo ngại?

Sự tái bùng phát của dịch bệnh ở Bắc Kinh đã khiến các nhà chức trách rất lo ngại. Chính quyền tuyên bố rằng Bắc Kinh “đã bước vào giai đoạn bất thường” và nói rằng tình hình chống dịch hiện nay vẫn rất nghiêm trọng và “vẫn còn sự không chắc chắn trong công tác phòng chống dịch bệnh”.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã tổ chức một cuộc họp Quốc Vụ viện vào Chủ nhật, cho rằng "nguy cơ lây lan của dịch là rất cao" và yêu cầu có biện pháp quyết đoán để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch. Bà cũng tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ học nghiêm ngặt về chợ Tân Phát Địa và các khu vực xung quanh và thực hiện việc truy tìm nguồn gốc.

Lực lượng cảnh sát vũ trang được huy động bảo vệ chợ Tân Phát Địa bị phong tỏa - điều được cho là hiếm thấy (Ảnh: Đa Chiều).
Lực lượng cảnh sát vũ trang được huy động bảo vệ chợ Tân Phát Địa bị phong tỏa - điều được cho là hiếm thấy (Ảnh: Đa Chiều).

Trung Quốc là quốc gia nơi dịch bệnh COVID-19 bùng phát sớm nhất, nhưng dịch bệnh trong cả nước bao gồm Vũ Hán, đã được kiểm soát bước đầu vào cuối tháng 3 và hầu hết các tỉnh không có các ca bệnh mới. Tuy nhiên, sau đó đã có những vụ nhiễm trùng cộng đồng quy mô nhỏ ở Vũ Hán và Thư Lan (Cát Lâm), vậy tại sao dịch bệnh lần này ở Bắc Kinh lại khiến người ta lo ngại?

Giáo sư Kim Đông Nhạn (Jin Dongyan), một chuyên gia virus học tại Đại học Hồng Kông, nói với BBC rằng nguyên nhân quan trọng của dịch bệnh được coi trọng là do nhiễm trùng cộng đồng không rõ nguyên nhân. Cho đến nay vẫn chưa rõ virus này xuất phát từ đâu, điều này gây khó khăn cho việc phòng ngừa và kiểm soát dịch.

Dịch bệnh xảy ra ở Thư Lan, một thị trấn nhỏ ở đông bắc Trung Quốc trước đó, khiến gần 50 người bị nhiễm bệnh và cũng không tìm thấy nguồn lây nhiễm. Nhưng "Bệnh nhân số 1” đã bị khóa lại là một nữ nhân viên giặt ủi 45 tuổi và tất cả các bệnh nhân nhiễm bệnh sau đó đều liên quan đến chuỗi lây truyền này.

Giáo sư Kim Đông Nhạn: vì đây cũng là chợ nông sản, nên mọi người đều nghĩ đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán và lo lắng về việc liệu đây có phải là sự tái diễn của Vũ Hán (Ảnh: HK01).
Giáo sư Kim Đông Nhạn: vì đây cũng là chợ nông sản, nên mọi người đều nghĩ đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán và lo lắng về việc liệu đây có phải là sự tái diễn của Vũ Hán (Ảnh: HK01).

Ngược lại, sự bùng nổ của dịch bệnh ở Bắc Kinh lần này trong chợ nông sản có phạm vi rất rộng lớn.

"Có một nguyên nhân khác, vì đây cũng là chợ nông sản, nên mọi người đều nghĩ đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán và lo lắng về việc liệu đây có phải là sự tái diễn của Vũ Hán hay không", Kim Đông Nhạn nói.

Chợ hải sản Hoa Nam là chợ bán hải sản và động vật hoang dã ở khu vực trung tâm của Vũ Hán. Mặc dù giới khoa học đã hoài nghi về việc liệu đó có phải là nguồn gốc của dịch bệnh ở Vũ Hán, nhưng môi trường bẩn thỉu và khách hàng hỗn tạp chắc chắn đã đẩy nhanh sự lây lan của virus; gần một nửa các trường hợp bị bệnh sớm ở Vũ Hán, đều có lịch sử tiếp xúc với ngôi chợ này.

"Vào thời điểm đó, virus đã được tìm thấy trên găng tay, tay nắm cửa và thớt của chợ hải sản Hoa Nam, nhưng virus lại không được tìm thấy trên các động vật trong chợ. Sau đó, các mẫu hiện trường đều bị tiêu hủy, vì vậy nguồn virus đã trở thành một bí ẩn chưa được giải đáp". Kim Đông Nhạn nói thêm. "Dịch bệnh của Bắc Kinh lại bùng phát trở lại ở một ngôi chợ và nhiều người quan tâm liệu đây có phải là cơ hội để tìm hiểu lại nguồn gốc dịch bệnh hay không”.

Giáo sư Kim nói rằng có một sự khác biệt về bản chất giữa chợ Tân Phát Địa và chợ hải sản Hoa Nam. Ông nói rằng vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa cấm bán động vật hoang dã, vì vậy có rất nhiều động vật có vú trong chợ Vũ Hán; chợ Tân Phát Địa chủ yếu bán thịt sống và thủy sản.

Ông cho rằng bất chấp những lo ngại từ bên ngoài, khả năng lặp lại dịch bệnh như ở Vũ Hán là không lớn. "Trung Quốc có một hệ thống toàn quốc và có thể thực hiện các biện pháp rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, Bắc Kinh luôn luôn quản lý chặt. Nếu có người nào sốt, họ sẽ được kiểm tra sớm. Miễn là có thể tìm thấy thì sẽ không là điều đáng sợ nữa”.

Nhân viên phòng dịch kiểm tra thân nhiệt người vào khu vực phong tỏa (Ảnh: Reuters).
Nhân viên phòng dịch kiểm tra thân nhiệt người vào khu vực phong tỏa (Ảnh: Reuters).

Nguồn gốc của virus ở đâu?

Cơ quan y tế Bắc Kinh trước đây đã tuyên bố rằng 40 mẫu môi trường được thu thập bởi nhân viên kiểm dịch từ chợ Tân Phát Địa cho kết quả dương tính. Chủ tịch Hội đồng quản trị chợ bán buôn này nói với phóng viên Tân Kinh báo Bắc Kinh rằng chính quyền đã phát hiện ra virus corona mới trên thớt cắt cá hồi nhập khẩu.

Ngay khi tin tức được loan ra, đã đẩy cá hồi lên đỉnh bão, nhiều nhà hàng và siêu thị trên khắp Trung Quốc đã tuyên bố loại bỏ các sản phẩm cá hồi.

Giáo sư Kim Đông Nhạn cho rằng bản thân cá hồi dường như không thể bị nhiễm virus corona mới vì đặc tính chủng loại khác nhau mạnh mẽ giữa người và cá. Các coronavirus mới chủ yếu lây nhiễm người và các động vật có vú như dơi và tê tê thông qua thụ thể ACE2, điều gần như không thể xảy ra với cá.

Ông Tăng Quang, nhà khoa học chính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã công khai tuyên bố rằng kết quả sơ bộ của trình tự gene cho thấy chủng virus "dường như không phải là một loại phổ biến ở Trung Quốc", nhưng số lượng mẫu hiện còn khá ít.

Dương Bằng, thành viên của nhóm chuyên gia thuộc CDC Bắc Kinh, nói với truyền thông chính thức vào Chủ nhật (14/6) rằng các nhà nghiên cứu phát hiện ra virus "đến từ hướng châu Âu" thông qua giải trình tự bộ gene, sơ bộ cho là được nhập vào; nhưng virus đã vào như thế nào thì vẫn chưa xác định được. Ông nói rằng đó có thể là do hải sản hoặc thịt bị ô nhiễm, hoặc những người đến chợ lan truyền qua dịch tiết.

Kim Đông Nhạn cho rằng khả năng này là có và đã có nhiều tiền lệ cho thấy sự lây lan của virus thông qua chuỗi đông lạnh.

Dân chúng Bắc Kinh xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Đa Chiều).
Dân chúng Bắc Kinh xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic (Ảnh: Đa Chiều).

Trong một trường hợp mới ở Hồng Kông vào cuối tháng 5, một bệnh nhân nữ 34 tuổi dán nhãn trái cây và rau quả nhập khẩu từ Anh ở trong một nhà kho được kiểm soát nhiệt độ của một công ty logistic. 2 đồng sự của bà ta cũng xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm, nhưng các chuyên gia cho biết không loại trừ bị lây nhiễm virus trên bề mặt bao bì.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Hospital Infection cho thấy rằng nếu không được khử trùng, virus corona mới có thể bám vào bề mặt các vật vô tri và tồn tại ở nhiệt độ phòng lạnh trong tối đa 9 ngày.

Giáo sư Kim Đông Nhạn cho rằng một nguồn lây nhiễm khác có thể đã mang virus vào chợ. Ông chú ý đến việc trong bản tin do CDC Bắc Kinh đưa ra vào Chủ nhật (14 tháng 6) có nói Bệnh nhân số 17 đã làm việc tại sân bay, điều đó có nghĩa là ông ta ở trong một môi trường có độ rủi ro cao.

Cư dân Bắc Kinh 56 tuổi này đã đến chợ vào ngày 3/6 để mua sắm; ngày 5/6 ông bị mệt mỏi, đau đầu và các triệu chứng khác. Ông đã đi đến bác sĩ sau khi bị sốt và được xét nghiệm dương tính với axit nucleic vào ngày 12/6. Ông là một trong những bệnh nhân sớm nhất có triệu chứng trong số các trường hợp thông báo chính thức của Trung Quốc.

Kim Đông Nhạn nói, muốn xác định nguồn gốc của virus, cần phải tiến hành xét nghiệm kháng thể những người tiếp xúc ở quanh chợ để xác định virus đã tồn tại trong chợ bao lâu và liệu có tình trạng tương tự với hàng hóa nhập khẩu ở các vùng khác của Trung Quốc hay không.

Việc kinh doanh nông sản trong khu chợ Tân Phát Địa đã bị cấm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ kinh doanh và sinh hoạt của dân chúng Bắc Kinh (Ảnh: Reuters).
Việc kinh doanh nông sản trong khu chợ Tân Phát Địa đã bị cấm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ kinh doanh và sinh hoạt của dân chúng Bắc Kinh (Ảnh: Reuters).

Trang mạng Trung Quốc Caixin đã đưa tin hôm 15/6, một chuyên gia ở CDC Trung Quốc cho biết, mặc dù virus thuộc nhánh tiến hóa châu Âu của dòng tiến hóa di truyền virus, nhưng nó không nhất thiết trực tiếp nhập khẩu từ châu Âu vì các ca bệnh nhập cảnh từ Nội Mông ở Đông Bắc Trung Quốc cũng thuộc chi nhánh châu Âu.

Vào tháng 5 năm nay, thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang cũng đã trải qua sự tái phát của dịch bệnh COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bộ gene virus của những người nhiễm bệnh không triệu chứng ở thành phố này thuộc hệ châu Âu cũng giống như các trường hợp bệnh nhân nhập cảnh qua cửa khẩu Tuy Phần Hà.