Chuyển đổi số nên được coi là một hành trình hơn là một điểm đến. Định nghĩa này đã gây nên không ít những khó khăn cho các nhóm IT - những người thường được cho là đã quen với việc đo lường thành công bằng các kết quả sau kiểm nghiệm hoặc bằng các chỉ số đo lường hiệu suất liên tục của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là phải theo dõi tiến trình chuyển đổi số.
Kevin McCaffrey, Giám đốc điều hành và người sáng lập nền tảng chuyển đổi số Tr3Dent cho biết: “Có một sự thật khắc nghiệt, đó là khoảng 70% quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tổ chức không thành công và điều đó xảy ra trước khi trên thế giới xuất hiện đại dịch Covid-19. Đại dịch là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp đến với nhu cầu chuyển đổi số nhanh hơn bao giờ hết vì nó đã phơi bày sự kém hiệu quả, sự gián đoạn của mô hình kinh doanh truyền thống”.
“Hơn bao giờ hết, các công ty trong bất kỳ nhóm ngành nào cũng phải đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng với chuyển đổi số để đảm bảo hoạt động kinh doanh được diễn ra liên tục và duy trì được tính cạnh tranh. Điều này là hoàn toàn đúng cho tất cả các nhóm ngành dưới mọi quy mô và của doanh nghiệp trên toàn cầu”, ông Kevin nói thêm.
Seth Robinson, Giám đốc cấp cao về phân tích công nghệ tại hiệp hội công nghệ CompTIA cũng nhận định: “Các chiến lược tiếp cận thị trường, tương tác với khách hàng và hỗ trợ lực lượng lao động đều là những ví dụ về các hoạt động đang được chuyển đổi bởi công nghệ. Các tổ chức, doanh nghiệp phải có những tư duy mới về việc thừa nhận, áp dụng công nghệ và đầu tư để duy trì tính cạnh tranh”.
Các chỉ số chính sẽ chỉ ra rằng liệu một doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không, bên cạnh đó một số khía cạnh khác của quá trình sẽ phụ thuộc vào mục tiêu số hóa của tổ chức, doanh nghiệp.
“Các tổ chức cần xác định tiêu chí của riêng họ và phải định hướng trước được như thế nào là thành công. Ví dụ, nếu họ dự định bắt đầu các kênh kỹ thuật số - điều đặc biệt được chú trọng do đại dịch, thì các số liệu đo lường của họ sẽ khác so với việc nếu họ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy hiệu quả nội bộ bằng các sáng kiến kỹ thuật số.
Hơn nữa, bối cảnh công nghệ hiện tại cũng sẽ đóng một phần quan trọng trong việc xác định các chỉ số này. Tuy nhiên, họ có thể học hỏi từ các đồng nghiệp của mình và tìm cách để mở rộng thị trường hơn”, Yugal Joshi - phó chủ tịch nghiên cứu kỹ thuật số, điện toán đám mây và ứng dụng dịch vụ của Everest Group cho biết.
Dưới đây là 7 dấu mốc chuyển đổi số cần chú ý
Chuyển đổi số nên được coi là một hành trình hơn là một điểm đến. Ảnh: Nastel Technologies |
1. Quá trình lặp lại các sáng kiến kỹ thuật số
Các quá trình lặp lại (Repeatable Proccess) là quá trình có thể được lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Một quá trình thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào đặc tính được cho phép lặp lại. Bất kỳ thuộc tính nào khác của quy trình ví dụ như tính linh hoạt, khả năng mở rộng và khả năng đo lường không thể đủ sức tạo nên sự khác biệt nếu quy trình không thể được lặp lại. Tính lặp lại cũng rất cần thiết khi doanh nghiệp cố gắng đo lường sự cải tiến của quy trình, điều đó khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công cuối cùng của tất cả các quy trình trong tổ chức.
Mark Sami, Giám đốc công nghệ của công ty tư vấn kinh doanh và công nghệ West Monroe cho biết điều này sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ “trưởng thành” cơ bản của doanh nghiệp. Nói chung, các chức năng IT chủ yếu là tập trung vào phát triển chuyển đổi số, tìm cách tiếp cận các dự án và chương trình kỹ thuật số với mục đích áp dụng lâu dài.
Sami đã bổ sung thêm rằng, ở mức học thuật thì chúng bao gồm việc xác định các mục tiêu; xác định khoảng cách giữa tình hình hiện tại và mục tiêu đó; dùng chỉ số KPI để đo lường thành công; các nhóm xuyên chức năng (một nhóm với các cá nhân từ nhiều bộ phận chức năng khác nhau cùng làm việc với nhau để thực hiện mục tiêu chung); quản lý sự thay đổi của doanh nghiệp; đào tạo phát triển phần mềm linh hoạt (agile); kiến trúc và cơ sở hạ tầng hiện đại; khả năng liên tục học hỏi, phép lặp (sự lặp lại của một quá trình để tạo ra một chuỗi kết quả) và mở rộng quy mô.
2. Gia tăng các quy trình kinh doanh tinh gọn
Quy trình kinh doanh tinh gọn (Lean Business Processes) là khi một doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra giá trị cốt lõi và loại bỏ sự lãng phí nguồn lực vào các hoạt động hay các quy trình không thiết yếu.
“Một khía cạnh thú vị của việc đo lường thành công là đánh giá các quy trình mới - cái được tạo ra nhờ quá trình chuyển đổi số. Quy trình cần phải tinh gọn, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã định bằng cách tiêu tốn ít tài nguyên và thời gian nhất có thể”, theo ông Joshi. Việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả cũng là chỉ số tích cực để chứng minh cho điều này.
3. Chia sẻ quyền sở hữu chung trong các chiến lược và quá trình thực thi chuyển đổi số
Trong thực tế, người ta thường nói rằng chuyển đổi số sẽ không - và không thể chỉ được thúc đẩy bởi IT hoặc do doanh nghiệp. “Các nhóm IT khó có thể đáp lại nhu cầu của doanh nghiệp ngay lập tức nếu bản thân họ không biết điểm mà doanh nghiệp đang muốn tiến đến hoặc nếu các nhóm IT không tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch chiến lược kinh doanh. Cần phải có một sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo tổ chức cho phép các nhóm kinh doanh và nhóm công nghệ làm việc cùng nhau. Quyền sở hữu chiến lược kinh doanh và thực thi kỹ thuật cần được chia sẻ”, ông Sami nhận định.
4. Giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường
Trọng tâm công việc của doanh nghiệp là giới thiệu các sản phẩm và tính năng mới cho khách hàng, vậy nên sự tăng nhanh về tốc độ làm việc cũng là một dấu hiệu tích cực. Theo ông Sami, “chỉ số hoàn hảo để theo dõi khi đo lường hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là tần suất bạn đưa ra, giới thiệu những sự thay đổi mới cho doanh nghiệp, khách hàng hay người dùng cuối (end user).”
“Điều này nghe có vẻ đơn giản và hiển nhiên, nhưng đó là một dấu hiệu đáng mừng có được từ sự hợp tác với các nhóm kinh doanh và công nghệ. Nó cũng có thể được thực hiện bằng cách giải quyết các vấn đề chiến lược thông qua việc triển khai nhanh chóng, xác thực và lặp lại các ý tưởng nghe có vẻ “điên rồ” - đó là cốt lõi của quá trình chuyển đổi số thành công”, ông Sami nhấn mạnh.
5. Khách hàng và nhân viên cùng hài lòng
Ảnh: Sprink Digital |
Ông Joshi cho rằng cải thiện sự hài lòng của khách hàng hoặc nhân viên, gia tăng sự gắn bó của nhân viên, sự phát triển hệ thống khách hàng - tất cả đều là những dấu mốc quan trọng trên con đường chuyển đổi số.
6. Phát triển hiệu quả và năng suất với IT
Ngày nay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào IT, gần như không một mô hình kinh doanh nào không dùng công nghệ và có những giải pháp IT đúng đắn mà có thể phát triển. Tất cả những chức năng từ bán hàng cho đến quản lý cơ sở vật chất đều có thể được nâng cấp bằng việc dùng giải pháp kinh doanh, công cụ kỹ thuật số, và toàn bộ hệ sinh thái IT. Xây dựng chương trình IT hiệu quả và tăng năng suất là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào đều muốn hướng tới.
McCaffrey cho biết, khi quá trình chuyển đổi số được thực hiện thành công, các nhà lãnh đạo IT có xu hướng thử nghiệm các dự án hoặc chương trình IT hiệu quả hơn và giảm thiểu việc phải làm lại. Sự suy giảm trong tổng chi phí của sở hữu công nghệ (tất cả chi phí liên quan đến việc mua bán, chuẩn bị, khởi động, vận hành của một sản phẩm hay một khoản đầu tư) là một số liệu khác cần để mắt đến trong lĩnh vực này.
7. Cải thiện tầm nhìn vào các hoạt động của doanh nghiệp
Trên thực tế, Tầm nhìn là trọng tâm của nhiều nỗ lực trong quá trình chuyển đổi số. Theo McCaffrey, những thành tựu về tầm nhìn trong doanh nghiệp là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tiến bộ.
Bằng cách nắm bắt dữ liệu về cách thức công việc được thực thi trong toàn tổ chức, các nhà quản lý có thông tin mà họ cần để cải thiện sự hiệu quả và độ chính xác của các quy trình hoạch định năng lực, sử dụng nguồn lực và phân bổ ngân sách.
Khả năng về tầm nhìn này cho phép các tổ chức xác định được các nút thắt cổ chai (Bottleneck- điểm tắc nghẽn trong hệ thống sản xuất), thực thi các quy tắc kinh doanh và hợp lý hóa hoạt động vì các quy trình công việc thiết yếu và quy trình kinh doanh cần được tối ưu hóa và cải tiến liên tục
Những cải tiến có hệ thống này cho phép các giám đốc điều hành có nhiều thời gian tập trung vào các công việc đòi hỏi giá trị cao hơn, có thời gian cho các quyết định chiến lược và chiến thuật cũng như phát triển năng lực, lập kế hoạch và dự báo tương lai.
Theo The Enterprisers Project, The Silicon Review