Cuộc tập trận Balikatan kéo dài 11 ngày có mục đích chứng tỏ Philippines, cho dù yếu hơn rất nhiều về mặt quân sự, vẫn có thể đối mặt được với Trung Quốc với sự giúp đỡ của đồng minh lâu đời là Mỹ.
Gần đây Bắc Kinh đã cho xây dựng nhiều công trình kiên cố, trong đó có các dàn radar và đường băng trên các đảo đá ngầm và rạn san hô được bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo tại Biển Đông, gây quan ngại cho thế giới.
Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông một cách ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, tham vọng khống chế tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí, quặng mỏ. Các quốc gia láng giềng lo sợ Bắc Kinh có thể kiểm soát về quân sự trên toàn Biển Đông.
Cuộc tập trận chung trên diễn ra vào thời điểm trước khi Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên Hợp Quốc ra phán quyết về đơn kiện Trung Quốc của Philippines. Bên cạnh đó, Philippines còn chuẩn bị tiếp đón quân Mỹ tại năm căn cứ quân sự, theo một hiệp ước quốc phòng nằm trong kế hoạch của tổng thống Barack Obama nhằm tái lập ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Balikatan được thiết trí từ cuộc tập trận chống Hồi giáo cực đoan như Abu Sayyaf ở Philippines, cho đến thực tập tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ, trong lúc tranh chấp với Bắc Kinh đang leo thang. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Philippines nhấn mạnh là cuộc tập trận này không nhắm vào Trung Quốc.
Phát ngôn viên của chiến dịch Balikatan cho biết có 55 chiến đấu cơ Mỹ tham gia, còn Philippines triển khai các chiến đấu cơ vừa mua của Hàn Quốc. Cho dù địa điểm không được tiết lộ, nhưng hai nước đồng minh trong những năm gần đây thường tập trận tại các căn cứ không quân chỉ cách các khu vực tranh chấp ở Biển Đông 230 km.
Theo quân đội Philippines, hệ thống pháo mang tính cơ động cao của Mỹ (HIMARS) được thiết kế để bắn hạ máy bay sẽ được đưa đến Palawan, đảo cực tây của Philippines trên Biển Đông, trong khuôn khổ cuộc tập trận.
Giáo sư Rene De Castro chuyên về quan hệ quốc tế của trường đại học La Salle ở Manila nói với AFP, Balikatan có vẻ nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Việc huy động các giàn phóng tên lửa di động, chiến đấu cơ cho thấy Mỹ-Phi tập trung cho việc bảo vệ lãnh thổ. Còn giáo sư khoa học chính trị Richard Javad Heydarian cũng thuộc đại học La Salle, Manila nhận xét: «Cuộc tập trận nhắm vào việc cải thiện khả năng tương tác giữa các đồng minh và chứng tỏ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết".
Không chỉ thế, Reuteurs cho biết Mỹ cũng đã lên kế hoạch thực hiện đợt tuần tra thực thi hàng hải mới ở Biển Đông, trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đe Mỹ "tránh xa Trường Sa".