5 tuyến vận tải khách thủy nội địa được Đà Nẵng đưa vào phục vụ du lịch gồm:
Tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, có lộ trình từ cảng, bến xuất phát đầu tiên trong phạm vi từ hạ lưu cầu Nguyễn Văn Trỗi đến thượng lưu cầu Thuận Phước và cảng, bến đích cuối cùng.
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV. Thời gian hoạt động trên tuyến từ 7h30 đến 23h.
Tuyến sông Hàn - hòn Chảo, có lộ trình từ cảng, bến xuất phát đầu tiên (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi - cầu Thuận Phước) - cầu Thuận Phước - cửa biển - điểm đến theo quy định - cảng, bến đích cuối cùng.
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB. Thời gian hoạt động trên tuyến từ 7h30 và kết thúc lúc 17h30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.
Tuyến từ Bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa, có lộ trình từ Bến thủy nội địa CT15 (bến xuất phát) đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa - bến thủy nội địa CT15 (đích đến cuối cùng), cách bờ không quá 1,8km.)
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB. Thời gian hoạt động bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 17h30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.
Tuyến sông Hàn đi các sông: sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận TP Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, có lộ trình từ cảng, bến trên sông Hàn (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi - cầu Thuận Phước) đi về phía thượng lưu sông Hàn đến sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận TP Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng.
Vị trí bến xuất phát và đích đến cuối cùng là cảng, bến trên sông Hàn (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi - cầu Thuận Phước), kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định.
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV. Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 17h30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.
Tuyến Bến thủy nội địa K20 đi các sông: sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận TP Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định.
Lộ trình tuyến từ Bến thủy nội địa K20 đi về phía thượng lưu sông Cổ Cò đến ngã ba sông Vĩnh Điện sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận TP Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng và kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định.
Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV. Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 17h30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.
Để vận hành các đường thủy nội địa nói trên, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ngoài quy định hiện hành đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa, phương tiện là tàu khách được đăng ký, đăng kiểm và lắp đặt thiết bị theo quy định của UBND TP. Riêng tuyến Bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa phải đảm bảo các yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
Kích thước, khả năng khai thác (sức chở cho phép) của phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến vận tải phải phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng tuyến đường thủy nội địa, khả năng tiếp nhận phương tiện (số lượng, thông số kỹ thuật) cảng, bến được cơ quan có thẩm quyền công bố và chiều cao tĩnh không các công trình vượt sông trên tuyến; phương tiện có vùng hoạt động phù hợp với phạm vi đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa.
Đà Nẵng sở hữu hệ sinh thái sông, biển mang giá trị du lịch vượt trội |
Riêng đối với phương tiện khi hoạt động ở vịnh Đà Nẵng, vùng nước cảng biển Đà Nẵng, thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo đến Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng và chịu sự giám sát, điều động của hệ thống giám sát, quản lý hàng hải tàu thuyền Đà Nẵng (VTS Đà Nẵng) - thuộc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng.
Ngoài ra, phương tiện phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; phương tiện chỉ được phép neo đậu tại nơi quy định trên tuyến (trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định), hành khách không rời phương tiện trong suốt chuyến hành trình (trừ vị trí được cơ quan có thẩm quyền cho phép rời phương tiện).
Đối với thuyền viên, nhân viên phục vụ làm việc trên phương tiện phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ phù hợp theo quy định hiện hành, đồng thời phương tiện phải thực hiện các thủ tục ra vào bến theo quy định hiện hành.
Với việc công bố, đưa các tuyến du lịch thuỷ nội địa vào hoạt động, Đà Nẵng đang thúc đẩy phát triển trở lại sản phẩm du lịch đường sông và biển dựa trên tiềm năng du lịch vượt trội của địa phương khi sở hữu hệ sinh thái sông biển mà thiên nhiên ban tặng.