5 trường hợp sẽ bị khóa căn cước điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ 1/7 quy định cụ thể 5 trường hợp công dân sẽ bị khóa căn cước điện tử.

5 trường hợp sẽ bị khóa căn cước điện tử theo quy định của Luật căn cước.
5 trường hợp sẽ bị khóa căn cước điện tử theo quy định của Luật căn cước.

Trả lời câu hỏi của công dân về việc, những đối tượng nào sẽ bị khoá căn cước điện tử và trường hợp nào thì căn cước điện tử được mở khóa trở lại? Bộ Công an cho biết, căn cứ theo khoản 1, Điều 34, Luật Căn cước quy định căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp như sau:

Thứ nhất, khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa (điểm a).

Thứ hai, khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia (điểm b).

Thứ ba, khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước (điểm c).

Thứ tư, khi người được cấp căn cước điện tử chết (điểm d).

Thứ năm, khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền (điểm đ).

Về việc mở khoá căn cước điện tử sẽ căn cứ theo khoản 2 Điều 34 Luật Căn cước, cụ thể:

Thứ nhất, khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1, Điều này yêu cầu mở khóa;

Thứ hai, khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1, Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

Thứ ba, khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1, Điều này được trả lại thẻ căn cước;

Thứ tư, khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1, Điều này yêu cầu mở khóa.

Đồng thời, khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 34 (trừ trường hợp người được cấp căn cước điện tử chết), cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.

Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024 có những điểm mới đáng chú ý như sau: Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước; bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024; bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử; bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học…

Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 1/1/2025. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.