|
Tên lửa LRASM của Mỹ |
Khi mà căng thẳng với Trung Quốc và Nga leo thang thì rõ ràng là chiến tranh hải quân hạm đối hạm đang trở lại. Và cùng với nó là nhu cầu tấn công và đánh đắm tàu địch.
Một thế hệ tên lửa chống hạm mới đang lấp ló ở chân trời. Tàng hình, siêu âm và tự hoạt, các tên lửa này có khả năng rất mạnh trong né tránh phòng thủ và săn tìm các hạm tàu đơn lẻ. Dưới đây là một số loại tên lửa chống hạm thú vị, cả những loại đã triển khai và đang được phát triển.
Brahmos
Mang tên ghép của các con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga, tên lửa chống hạm Brahmos là chương trình hợp tác Nga-Ấn. Được phát triển trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, Brahmos là một trong vài loại tên lửa chống hạm được chế tạo trong thời gian này. Hiện nay, tên lửa này được trang bị cho quân đội Ấn Độ.
|
BrahMos |
Brahmos là tên lửa chống hạm bay thấp có tốc độ cao nhất thế giới. Tên lửa có 2 tầng: tầng 1 là một động cơ khởi tốc tên lửa nhiên liệu rắn dùng để đưa Brahmos lên tốc độ siêu âm; tầng 2 là một động cơ phản lực không khí dòng thẳng nhiên liệu lỏng đưa tên lửa lên tốc độ 2,8M.
Tên lửa bay thấp ở độ cao 10 m trên mặt sóng vì thế nó được coi là một tên lửa bay bám mặt biển. BrahMos có tầm khoảng 290 km.
Tên lửa cực kỳ vạn năng, có thể trang bị cho tàu mặt nước, các đơn vị tên lửa bờ biển và máy bay như Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Biến thể phóng từ máy bay có tầm bắn xa hơn là 500 km. Biến thể trang bị cho tàu ngầm đang được xem xét, nhưng chưa phát triển xong vì thiếu sự quan tâm.
Brahmos có uy lực chiến đấu rất mạnh: biến thể phóng từ mặt đất và tàu nổi được trang bị phần chiến đấu nặng 200 kg, còn biến thể phóng từ máy bay mang phần chiến đấu 300 kg. Kể cả khi không có phần chiến đấu, với tốc độ 2,8M, Brahmos có thể hướng một động năng rất lớn vào mục tiêu của nó.
Brahmos sử dụng tốc độ cao, thiết kế tàng hình và khả năng bay bám mặt biển để tránh né phòng không địch. Tốc độ cảu tên lửa là 2,8M, tức là 952 m/s. Giả định radar của bên phòng thủ được bố trí ở độ cao 20 m, Brahmos sẽ bị phát hiện ở tầm 27 km. Như vậy, bên phòng thủ chỉ có 28 giây để bám, chiếu xạ và bắn hạ Brahmos trước khi nó đâm vào tàu.
|
Phóng thử BrahMos từ tàu khu trục INS Kolkata, ngày 14/2/2015 (Indiatoday) |
LRASM
Hải quân Mỹ cần một loại tên lửa chống hạm mới. Tên lửa Harpoon hiện nay được đưa vào trang bị từ năm 1977. Là một trong những tên lửa chống hạm tốt nhất chiến tranh lạnh, Harpoon đã quá cũ, trở thành một tên lửa tầm thường, không có khả năng tích hợp các tiến bộ công nghệ mới nhất.
|
LRASM |
Tên lửa chống hạm tầm xa LRASM (Long-Range Anti-Ship Missile) đang là ứng viên hàng đầu để thay thế Harpoon. LRASM là một biến thể của tên lửa hành trình JASSM-ER của Không quân Mỹ (USAF) và chia xẻ nhiều nét thiết kế của tên lửa này.
Do Lockheed Martin chế tạo, JASSM-ER là tên lửa tàng hình và có khả năng chống nhiễu, có tầm bắn 500 dặm. JASSM-ER được thiết kế để độc lập phát hiện và tấn công mục tiêu dựa trên dữ liệu được tải lên. Tên lửa có thể phóng đi một phần chiến đấu dạng xuyên nặng 1.000 bảng vào mục tiêu với độ chính xác 3 m và có thể trang bị cho phần lớn các máy bay tiến công của USAF.
|
Hình ảnh giả định tên lửa chống hạm tầm xa siêu âm LRASM-B |
LRASM có cách tiếp cận khác với các tên lửa như Brahmos. Thay vì tạo ra tốc độ cao nhiều Mach để làm cho tên lửa có khả năng sống còn cao hơn trước các vũ khí phòng thủ, LRASM dưới âm sử dụng khả năng tàng hình và tự hoạt ra quyết định để tránh né phòng không hạm tàu đối phương. LRASM sẽ tự nhận dạng các mục tiêu giá trị cao và tự dẫn vào chúng.
LRASM sẽ có tầm tương tự JASSM-ER. So với tầm bắn 67 dặm của các tên lửa Harpoon hiện nay, tầm bắn khoảng 500 dặm của LRASM sẽ giúp tăng mạnh tầm tác chiến của các máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ.
Khác với Harpoon, LRASM phù hợp cả với các ống phóng của hệ thống phỏng thẳng đứng Mk. 41 trên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke, lẫn các giếng của hệ thống Mk. 57 trên các siêu khu trục tối tân lớp Zumwalt.
Điều đó sẽ cho phép các tàu chiến đơn lẻ mang được số lượng tên lửa chống hạm nhiều chưa từng có mặc dù điều đó sẽ ảnh hưởng đến số lượng của các tên lửa khác như tên lửa hạm đối không SM-6 và rocket chống ngầm ASROC trong toàn bộ kho vũ khí của tàu.
|
LRASM |
Klub (biến thể chống hạm 3M-54E1)
Là một loại tên lửa chống hạm đang được biên chế cho Hải quân Nga, Klub thực ra là một họ tên lửa sử dụng chung một khung thân. Đây là hệ thống vũ khí vạn năng với các biến thể dùng cho các nhiệm vụ chống hạm (3M-54E1), tấn công mặt đất và chống ngầm. Klub đã được xuất khẩu sang Algeria, Trung Quốc và Ấn Độ.
|
3M-54E1 |
Klub hiện có 4 biến thể là S, N, M và K. Klub-S được thiết kế để phóng từ ống phóng lôi 533 mm vốn là cỡ tiêu chuẩn cho tàu ngầm trên toàn thế giới. Klub-N được thiết kế để phóng từ tàu nổi, Klub-M phóng từ mặt đất và Klub-K bắn từ container tàu biển ngụy trang.
Klub có động cơ tầng 1 dùng nhiên liệu rắn, dùng để đưa tên lửa rời bệ phóng và đạt độ cao hành trình. Sau khi tầng 1 dừng hoạt động, động cơ turbine phản lực hành trình bắt đầu hoạt động. Biến thể cuối cùng dùng để chống hạm là 3M-54E1 được dẫn đến mục tiêu bằng một đầu tìm radar chủ động, hệ thống vệ tinh định vị GLONASS và các hệ thống dẫn đường tích hợp bên trong. Phần chiến đấu của 3M-54E1 có trọng lượng 881 bảng (400 kg).
Là tên lửa hành trình, 3M-54E1 thường bay ở tốc độ 0,8M và độ cao 10-15 m. Ở một số biến thể, ở giai đoạn bay cuối đến mục tiêu, tên lửa tăng tốc lên tốc độ siêu âm cao 2,9M, qua đó làm giảm thời gian phản ứng đối phó của các phương tiện phòng không đối phương.
Tên lửa 3M-54E1 có tầm bắn tối đa 300 km (hay 186 dặm), ngẫu nhiên trùng hợp với tầm bắn tối đa cho phép đối với tên lửa hành trình theo chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa MTCR. MTCR là hiệp ước cấm phổ biến công nghệ tên lửa, quy định hạn chế tầm bắn của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà Nga là một bên tham gia ký kết.
|
Hệ thống tên lửa Club-N dùng để trang bị cho tàu nổi (concern-agat.ru) |
Morinformsystem-Agat, hãng sản xuất tên lửa, vào năm 2010 đã gây ra cú sốc khi thông báo việc chế tạo biến thể Klub-K bố trí trong container tàu biển tiêu chuẩn 40 ft. Mỗi bệ phóng lắp 4 tên lửa được bố trí trong container có thể chở bằng tàu thủy, tàu hỏa hay xe tải.
Các nhà sản xuất Klub-K cũng không thể giải thích thấu đáo việc các lực lượng quân đội hợp pháp phải ngụy trang hệ thống tên lửa thành container chở hàng, một sản phẩm của thương mại toàn cầu, làm gì. Bệ phóng này đã gây ra lo ngại rằng, các nước như Iran (nước quả thực đã quan tâm đến hệ thống này) hay bọn khủng bố có thể lợi dụng để che giấu vận chuyển tên lửa ngang nhiên trước mắt mọi người.
XASM-3
Học thuyết quân sự mang tính phòng thủ thuần túy của Nhật Bản đòi hỏi các hạm tàu, máy bay và các đơn vị phòng thủ bờ biển chỉ được trang bị các tên lửa chống hạm cỡ nhỏ. Nhật đã thiết kế và sản xuất 2 thế hệ tên lửa chống hạm đáp ứng yêu cầu đó, nhưng thế hệ 3 chắc chắ sẽ khác xa các thiết kế cũ.
XASM-3 là tên lửa chống hạm đang được hợp tác phát triển bởi Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật (Technical Research and Development Institute) của chính phủ Nhật và hãng Mitsubishi Heavy Industries (MHI). Mặc dù, hiện tại người ta biết khá ít về tên lửa này, nếu được đưa vào sản xuất, XASM-3 sẽ là bước tiến lớn so với năng lực hiện có của Lực lượng Phòng vệ Nhật.
|
XASM-3 |
XASM-3 sẽ là tên lửa siêu vượt âm, trag bị 1 động cơ tên lửa nhiên liệu rắn tích hợp với một động cơ phản lực dòng thẳng và bay với tốc độ đến 5M. Tên lửa được thiết kế theo công nghệ tàng hình. Giống như tên lửa Brahmos, XASM-3 sẽ sử dụng tốc độ để hạn chế thời gian phản ứng và đánh chặn của địch. Sử dụng các tham số chiến đấu như Brahmos, XASM-3 sẽ chỉ dành cho bên phòng thủ 15 giây phản ứng.
XASM-3 có cả đầu tự dẫn chủ động và đầu tự dẫn thụ động tích hợp. Tên lửa nặng 860 kg (1.900 bảng), nhưng kích cỡ phần chiến đấu hiện chưa rõ. Dự kiến, tên lửa sẽ có tầm bắn gần 200 km (hơn 120 dặm).
Tên lửa sẽ được trang bị cho tiêm kích nội địa F-2 của Nhật Bản. Các phương tiện mang khác có thể là máy bay tuần biển P-1 của hãng Kawasaki và các tiêm kích F-35A mà Nhật mua của Mỹ. XASM-3 nhiều khả năng sẽ không thể lắp trong các khoang vũ khí bên trong của F-35 nên sẽ phải treo bên ngoài, làm cho F-35 dễ bị phát hiện hơn.
XASM-3 bắt đầu được phát triển vào năm 2002 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, chậm mất 6 năm. Lúc đó, MHI sẽ phải quyết định có đưa tên lửa vào sản xuất loạt không. Nếu XASM-3 được đưa vào sản xuất, có khả năng tên lửa này sẽ được phép xuất khẩu cho các nước thân hữu.
NSM
Là tên lửa chống hạm mới do công ty Kongsberg của Na Uy thiết kế, NSM (Naval Strike Missile - tên lửa tấn công hải quân) được công ty quảng cáo là “tên lửa chống hạm thế hệ 5” đầu tiên trên thế giới.
NSM sử dụng một động cơ tên lửa khởi tốc để tăng tốc, sau đó nó chuyển sang dùng động cơ turbine phản lực. NSM là tên lửa bay bám mặt biển ở độ cao dưới 10 m trên mặt sóng. Tốc độ tên lửa chưa được thiết lộ, song nhiều khả năng là dưới âm cao.
|
NSM |
Kongsberg gọi NSM là tên lửa “hoàn toàn thụ động”, có nghĩa là nó không sử dụng các sensor chủ động để bám mục tiêu. NSM không phát sóng hồng ngoại hay radar để tàu địch có thể phát hiệ ra. Có trọng lượng 410 kg, NSM nhỏ hơn các tên lửa khác trong danh sách 5 loại tên lửa chống hạm này. Tên lửa có tầm bắn 185 km và mang phần chiếu đấu 125 kg.
NSM hiện được trang bị cho các tàu tên lửa lớp Skjold và các tàu khu trục lớp Fritjof Nansen của Hải quân Nauy. NSM còn được quân đội Ba Lan sử dụng trong lực lượng pháo bờ biển.
Tháng 10/2014, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa NSM phóng từ tàu chiến nước nông USS Coronado. Vụ thử thành công, tên lửa bắn trúng trực tiếp một mục tiêu mô phỏng. Vụ thử này là một phần của Chương trình thử nghiệm so sánh vũ khí nước ngoài (Foreign Competitive Testing Program) của Hải quân Mỹ và không nhất thiết có nghĩa là Hải quân Mỹ sẽ mua sắm NSM.
|
Tên lửa NSM bắn trúng tàu đổ bộ-chở dầu USS Ogden (LPD 5) lớp Newport đã bị loại bỏ của Mỹ (janes.com) |
Một biến thể của NSM là JSM (Joint Strike Missile - tên lửa tấn công liên quân) đang được phát triển. JSM sẽ có khả năng làm nhiệm vụ tấn công không đối đất và chống hạm và sẽ vừa để bố trí trong các hoang vũ khí bên trong của tiêm kích tiến công liên quân F-35 JSF. Nó cũng có thể phóng từ ống phóng lôi tiêu chuẩn 533 mm của tàu ngầm. Theo kế hoạch, JSM sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2023.
Theo VND