|
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford Mỹ. |
Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 28/12 đã tiến hành điểm lại 5 sự kiện quân sự lớn năm 2017.
Hải quân Mỹ biên chế tàu sân bay thế hệ mới
Ngày 31/5/2017, tàu sân bay USS Gerald Ford lượng giãn nước 100.000 tấn chính thức bàn giao cho hải quân Mỹ. Kích thước của nó vượt tất cả các tàu chiến khác trên thế giới, công nghệ tiên tiến của nó cũng gây sốc cho dư luận.
Tàu sân bay USS Gerald Ford dài 337 m, đường băng rộng 78 m, độ sâu mớn nước bình quân 12m. Không phải cảng biển nào cũng có thể tiếp đón được con "quái vật" này. Động cơ hạt nhân của nó có thể đưa tàu chạy với vận tốc 30 hải lý/giờ, thời gian tuần tra hầu như không hạn chế.
Dự trữ thức ăn trên tàu sân bay có thể duy trì 100 ngày, dự trữ nhiên liệu của biên đội máy bay chiến đấu trên tàu là 30 ngày, lò phản ứng hạt nhân giúp cho tàu này có thể hoạt động tới 25 năm trên các đại dương toàn cầu.
Tàu này vốn có kế hoạch biên chế vào năm 2014, nhưng bị trì hoãn bởi nhiều nguyên nhân, dự đoán phải đến năm 2020 mới có thể có khả năng tác chiến ban đầu.
Đường băng tàu sân bay USS Gerald Ford có thể tiếp nhận máy bay cỡ lớn cất hạ cánh, nhà chứa máy bay trên tàu có thể chứa 75 - 90 máy bay chiến đấu. Tàu này có thể mang theo 4.660 người, hệ thống phóng điện từ trên tàu đã thay thế phóng bằng hơi nước.
Trung Quốc có căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài
Ngày 1/8/2017, Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh nó chỉ là cơ sở bảo đảm vật tư, kỹ thuật, chủ yếu phục vụ cho thực hiện nghĩa vụ nhân đạo quốc tế. Djibouti có giá trị chiến lược quan trọng, thiết lập được trận địa tiền tiêu ở đó sẽ có thể kiểm soát hoạt động từ Biển Đỏ đến Ấn Độ Dương.
Ở góc độ quân sự, vị trí địa lý của Djibouti được thiên nhiên ưu đãi, hơn nữa tình hình chính trị lại ổn định. Trước đó, Mỹ, Pháp và Nhật Bản đều đã thiết lập căn cứ hải quân ở đây.
Theo báo Nga, ngoài nhiệm vụ nhân đạo, căn cứ này còn có thể đảm nhiệm chức năng quân sự nhất định. Tầng lớp lãnh đạo quân đội Trung Quốc có kế hoạch triển khai tập trận chung với Djibouti và các nước láng giềng xung quanh.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể phát triển hợp tác quân sự với rất nhiều nước trong khu vực như Sudan, Ethiopia, Somalia, Kenya và Tanzania.
Cuộc tập trận chung "Phương Tây - 2017"
Từ ngày 14 - 20/9, dưới sự chỉ huy của đại tướng Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và thiếu tướng Oleg Belokonev, Tổng tham mưu trưởng quân đội Belarus, hai nước Nga và Belarus đã tổ chức cuộc tập trận "Phương Tây - 2017".
Cuộc diễn tập được chia làm 2 giai đoạn và tổ chức ở lãnh thổ hai nước Nga và Belarus. Tình huống giả thiết là 3 "quốc gia xâm lược" giả tưởng lần lượt ở các khu vực như phía tây bắc Belarus, phía nam Lithuania và Latvia, hành lang Suwalki, tiến sang tấn công Belarus.
Trong cuộc diễn tập này, quân đội hai nước đã tiến hành diễn tập các kỹ năng chiến đấu thực tế đáp trả liên minh xâm lược Nga - Belarus, đã kiểm nghiệm mức độ hợp tác giữa cơ quan chỉ huy quân sự hai nước và mức độ huy động sẵn sàng chiến đấu của một số cơ sở hạ tầng khu vực.
Tham gia cuộc tập trận chung này có tổng cộng gần 12.700 binh sĩ, sử dụng tổng cộng 680 trang bị mặt đất và 10 tàu chiến của Hạm đội Baltic.
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm xa
Ngày 29/11/2017, Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15. Vụ bắn thử này diễn ra vào lúc 3 giờ 18 phút sáng cùng ngày (giờ địa phương) do nhà lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp đích thân hạ lệnh.
Có chuyên gia giấu tên nói với hãng tin AFP Pháp rằng nhìn vào số liệu phóng và bay, tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hwasong-15 có thể đạt 13.000 km.
Từ thông tin do Triều Tiên chính thức công bố có thể thấy tên lửa bay tới độ cao tối đa là 4.475 km, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Nó đã bay trong thời gian 53 phút, bay xa 950 km. Chuyên gia Mỹ suy đoán, Triều Tiên có thể đã sở hữu một lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân.
Máy bay chiến đấu Su-57 bay thử lần đầu tiên với động cơ mới
Ngày 5/12, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 Nga lắp động cơ thế hệ thứ hai đã hoàn thành bay thử lần đầu tiên ở bãi thử nghiệm của viện nghiên cứu bay tại Zhukovski, ngoại ô Moscow. Hoạt động bay thử này đã kéo dài 17 phút và diễn ra thuận lợi.
Trước đó, máy bay chiến đấu Su-57 trang bị động cơ AL-41F1, kết cấu và tính năng kỹ thuật của nó tương tự động cơ của máy bay chiến đấu Su-35S.
Hai loại động cơ này đều do Tổ hợp nghiên cứu, sản xuất NPO Saturn thiết kế và do nhà máy chế tạo cơ khí Lytkarino ở Moscow sản xuất. Động cơ mới được gọi là Izdeliye-30, lực đẩy lớn nhất là 19,5 tấn, hiệu suất sử dụng nhiên liệu tăng lên, chi phí sử dụng giảm xuống.
Sau khi có "trái tim" mới, máy bay chiến đấu Su-57 không cần đốt nhiên liệu phụ trội cũng có thể tiến hành bay siêu âm, tốc độ tuần tra có thể đạt 2,1 Mach.
Động cơ Izdeliye-30 sẽ trở thành động cơ chính của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Căn cứ vào kế hoạch, Su-57 sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt và chính thức biên chế từ năm 2019.
Máy bay chiến đấu mới có thiết bị điện tử hàng không hoàn toàn mới, trình độ tự động hóa điều khiển rất cao, đồng thời có thể cung cấp hỗ trợ “trí tuệ nhân tạo” cho tổ lái, vũ khí trên máy bay cũng gây ấn tượng sâu sắc. Thông số chính của nó đều ưu việt hơn so với máy bay chiến đấu cùng loại F-22 Raptor của Mỹ.