5 điểm đổi mới trong triển khai chương trình giám sát của Quốc hội

VietTimes – Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với thông lệ trước đây...
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 và bước đầu triển khai Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, hoạt động giám sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực với một số đổi mới so với thông lệ trước đây….

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ông Cường cho biết, để thực hiện việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội dự kiến những nội dung giám sát để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2022; làm cơ sở để ban hành Kế hoạch triển khai nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.

Trong đó, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với trước đây. Đó là:

Thứ nhất, lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

Thứ hai, các Đoàn giám sát ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát;

Thứ ba, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở;

Thứ tư, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát;

Thứ năm, các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề - khác với trước đây, Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tiến hành giám sát ở các địa phương mà Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đến tiến hành giám sát trực tiếp. Đồng thời, Quốc hội huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Đặc biệt, cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép đổi mới trong ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội là không ban hành kèm theo kế hoạch giám sát, chỉ đưa một số nội dung chính như: phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào Nghị quyết; đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng đoàn giám sát ký ban hành đã mang lại kết quả tích cực, là bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và triển khai các đoàn giám sát chuyên đề những năm tiếp theo.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường còn cho biết, bên cạnh giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Trước khi tổ chức chất vấn, lãnh đạo Quốc hội đã nghe các cơ quan, người bị chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị của hoạt động chất vấn, các kiến nghị, đề xuất liên quan để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vướng mắc phát sinh. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Đây là nghị quyết chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hiệu lực thi hành và làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.