Hạng mục giải Oscar dành cho phim hay nhất từ trước đến nay mới chỉ có 83 phim từng nhận giải. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nhận giải này đồng nghĩa với việc phim sẽ được xếp vào hàng kinh điển. Tuy nhiên vẫn có những bộ phim từng giành giải nhưng không được coi là phim kinh điển, thậm chí còn bị “chê” tơi tả ngay sau khi nhận Oscar.
Phim The Broadway Melody (1929)
Từ khi âm thanh xuất hiện trong phim vào năm 1927, các xưởng phim đã nhận ra tiềm năng của việc kết hợp phim với các bản nhạc. Được công chiếu hai năm sau bộ phim có âm thanh đầu tiên, The Broadway Melody là bộ phim ca nhạc lớn đầu tiên của hãng MGM. Được quảng cáo rất nhiều, bộ phim này giành giải Oscar thứ hai trong lịch sử, vượt qua các phim được coi là tập hợp những phim tệ nhất trong ngành chiếu bóng Mỹ khi đó, tất cả đều phản ánh sự chuyển tiếp từ phim câm sang phim có âm thanh. Những năm đầu của phim ca nhạc do MGM sản xuất gần như không có nhiều đổi mới, thậm chí họ còn không đổi tên phim trong các phần tiếp theo. Chúng đều được gọi là The Broadway Melody of ..., với khoảng trống là năm phát hành của phim.
Phim Calvacade (1933)
Bộ phim nói về một gia đình người Anh qua hai thế hệ trong quá trình sống chung với sự thay đổi của xã hội, cùng với việc một thành viên trong gia đình thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic. Phim giành giải Oscar trong thời điểm Hollywood đã quen với phim có âm thanh và hàng loạt tác phẩm vượt qua các khuôn mẫu trước đó. Tuy nhiên, đó cũng là năm đầu tiên mà các tác phẩm về nước Anh liên tục giành giải. Viện hàn lâm khi đó gần như chỉ yêu thích các yếu tố bắt nguồn từ nước Anh, và điều này đã dẫn đến những quyết định gây khó hiểu về giải cho phim hay nhất trong thời gian sau đó.
Phim Chariots of Fire (1981)
Bộ phim này được nhớ tới nhờ bản nhạc được sử dụng trong hàng loạt cảnh liên quan tới thể thao. Cốt truyện phim kể về hành trình tới thành công của hai vận động viên điền kinh người Anh ở Olympics 1924. Bộ phim đã gây bất ngờ lớn khi đánh bại các phim đình đám như Raiders of the Lost Ark,Reds, Atlantic City và One Golden Pond. Nhà sản xuất và đạo diễn phim từng tiết lộ rằng trong quá trình tìm kiếm hãng phát hành ở Mỹ, họ thậm chí còn không nghĩ tới khả năng phim sẽ được chiếu tại thị trường này chứ chưa nói tới việc giành giải Oscar. Nhiều người cũng dự đoán là bộ phim không thể tồn tại quá một tuần ở các rạp chiếu phim ngày nay.
Phim Around the world in 80 days (1956)
Đây là bộ phim vui nhộn, nổi tiếng nhờ sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao như Frank Sinatra, Cesar Romero, Charles Coburn... Một số người cho rằng Around the world in 80 days giành giải Oscar vì tất cả các diễn viên đã bình chọn cho chính bộ phim của mình. Dù đây giống phim giải trí hơn là một tác phẩm nghệ thuật, vẫn cần phải nể phục tham vọng của đạo diễn Mike Todd. Với 33 trợ lý đạo diễn, ông đã tự bay tới Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan để gặp các vị vua cũng như chính quyền, để có thể tìm được những vị trí quay phim tốt nhất. Việc mời rất nhiều ngôi sao Hollywood cũng không phải chuyện dễ dàng. Todd bỏ ra nhiều tháng để liên hệ với các diễn viên nổi tiếng, và có thể nói bộ phim được bắt đầu từ ý tưởng về những vai diễn dành cho họ.
Phim The English Patient (1996)
Phim là một câu chuyện tình yêu diễn ra vào cuối Thế chiến thứ hai. Đây không phải một bộ phim dở, nhưng nó bị loại khỏi mọi danh sách những bộ phim hay khi đó. Tuy nhiên, phim vẫn nhận được nhiều lời nhận xét tích cực. Phóng viên Susan Stark của báo Detroit News gọi đây là bộ phim hay nhất cô từng xem trong 16 năm đánh giá phim. Ngày nay không còn mấy ai nhớ tới bộ phim này nữa, dù nó từng bị "căm ghét" vì đã đánh bại những cái tên như Shine hay Fargo.
Theo Dân trí