Ngày 4/1, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tham dự kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực.
Lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính vượt kế hoạch. Cán cân thương mại duy trì thặng dư. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội dự khai mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Hà Nội. |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng gồm:
- Xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
- Xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
- Xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, những kết quả đạt được tại kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ mục tiêu của Chương trình là: Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau:
- Thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỉ đồng);
- Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỉ đồng);
- Thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỉ đồng);
- Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỉ đồng);
- Thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.