4 chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, 12 cách phòng ngừa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia Hiệp hội An toàn thông tin ghi nhận 4 hình thức lừa đảo phổ biến mà kẻ xấu thường thực hiện qua điện thoại.

Lừa đảo qua điện thoại đang khá phổ biến
Lừa đảo qua điện thoại đang khá phổ biến

Nhận diện lừa đảo qua điện thoại

1. Lừa đảo qua cuộc gọi giả mạo nhân viên ngân hàng, nhân viên điện lực hoặc cán bộ cơ quan nhà nước. Mục đích kẻ xấu là yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Chúng có thể giả mạo công an đe dọa phạt tiền hoặc bắt giữ khiến người dùng sợ hãi để làm theo yêu cầu của chúng, thường là cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền.

2. Lừa đảo qua tin nhắn. Tin nhắn thường chứa một liên kết có thể lây nhiễm phần mềm độc hại hoặc phần mềm gián điệp vào điện thoại của người dùng.

3. Lừa đảo cuộc gọi “không nói gì”. Kẻ xấu sử dụng thiết bị công nghệ để gọi điện cho nhiều người dùng nhưng chỉ đổ chuông một lần là dừng. Mục đích là gợi sự tò mò của người dùng. Nếu người dùng nhấc máy gọi lại, họ sẽ bị tính cước phí rất cao do gọi vào đầu số quốc tế.

4. Lừa đảo cài đặt virus trên thiết bị di động. Khi sử dụng trình duyệt web, người dùng có thể đột nhiên được chuyển hướng đến một trang khẳng định rằng thiết bị của họ đã bị nhiễm virus. Nó sẽ khuyến khích người dùng tải xuống một ứng dụng diệt virus giả có chứa phần mềm độc hại để xâm nhập vào thiết bị di động, đánh cắp thông tin.

Cách phòng tránh lừa đảo qua điện thoại. Video: Đăng Khoa.

Cách phòng tránh lừa đảo

Bị lừa đảo qua điện thoại có thể khiến người dùng bị mất tiền, mất dữ liệu quan trọng. Để không rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo qua điện thoại, theo chuyên gia của Hiệp hội An toàn thông tin và hãng bảo mật F-Secure, người dùng cần thực hiện 12 điều sau:

1. Không cung cấp số điện thoại di động khi truy cập vào các trang web thiếu uy tín trên mạng. Càng nhiều trang web, ứng dụng và dịch vụ có số điện thoại di động của bạn, nguy cơ bị lừa đảo qua điện thoại và thư rác càng cao.

2. Xóa các ứng dụng ít sử dụng và xóa các tài khoản liên quan đến các ứng dụng đó nhằm hạn chế lượng dữ liệu cá nhân trực tuyến của bạn.

3. Cập nhật phần mềm hệ điều hành và các ứng dụng ngay khi nhà phát hành cung cấp phiên bản mới. Cập nhật phần mềm là rất quan trọng đối với bảo mật thiết bị. Các bản cập nhật phần mềm thường chứa các cải tiến về bảo mật, chẳng hạn như loại bỏ các lỗ hổng mà tội phạm mạng có thể khai thác.

4. Sử dụng mật khẩu mạnh, bật xác thực hai yếu tố đối với các ứng dụng tài chính, ngân hàng. Nhiều tội phạm mạng sử dụng phần mềm tự động để đoán mật khẩu. Mật khẩu ngắn, phổ biến hoặc dễ đoán như ngày sinh rất dễ bị bẻ khóa. Không bao giờ sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Nếu kẻ tấn công có được quyền truy cập vào một tài khoản, mọi tài khoản có cùng thông tin đăng nhập sẽ gặp rủi ro.

Luôn chọn mật khẩu mạnh và duy nhất. Chúng phải bao gồm chữ hoa và chữ thường, số và ký hiệu. Mật khẩu phải dài tối thiểu 12 ký tự. Có thể sử dụng trình quản lý mật khẩu giúp bạn tạo và lưu trữ mật khẩu mạnh để truy cập nhanh từ mọi thiết bị.

5. Luôn thiết lập khóa trên điện thoại di động để bảo vệ dữ liệu trong trường hợp bị mất điện thoại bị mất hoặc bị đánh cắp. Bạn có thể đặt mật khẩu, mã PIN, mẫu hình, hoặc chọn phương pháp xác thực sinh trắc học như quét vân tay hoặc mống mắt. Bạn cũng nên khóa bất kỳ ứng dụng nào chứa thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như ứng dụng thanh toán hoặc ngân hàng.

6. Sao lưu dữ liệu quan trọng vào ổ cứng ngoài hoặc dịch vụ đám mây để tránh trường hợp kẻ xấu khi truy cập vào điện thoại có thể xóa dữ liệu sau khi đánh cắp.

7. Không nhấp vào các liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm trừ phi khẳng định người gửi là quen biết hoặc hợp pháp. Khi bạn không nhận ra số điện thoại hoặc ID người gọi, nên bỏ qua.

8. Không sử dụng Wi-Fi công cộng khi đăng nhập vào các ứng dụng tài chính. Wi-Fi công cộng có vẻ thuận tiện khi sử dụng, nhưng nó đi kèm với rủi ro. Kẻ tấn công có thể chặn các thông tin liên lạc đến và đi từ thiết bị của bạn, bao gồm mật khẩu, số điện thoại, thông tin thẻ tín dụng và bất kỳ thông tin nào khác bạn nhập.

9. Không cài đặt ứng dụng từ các nguồn bên ngoài kho App Store và Play Store. Kho Play Store và App Store là lựa chọn an toàn nhất để tải ứng dụng vì Google và Apple đã kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các ứng dụng có sẵn. Không tải xuống ứng dụng từ các trang web hoặc cửa hàng ứng dụng không chính thức.

10. Quản lý quyền truy cập của ứng dụng. Khi bạn tải xuống một ứng dụng, bạn sẽ có tùy chọn cho phép hoặc từ chối quyền truy cập vào máy ảnh, vị trí, danh bạ và các tính năng khác. Một số ứng dụng yêu cầu nhiều quyền hơn mức cần thiết để hoạt động.

Để xem qua danh sách quyền ứng dụng, hãy mở cài đặt. Từ đó, chạm vào Quyền riêng tư cho iPhone, Ứng dụng > Quyền ứng dụng. Và đối với Android, hãy mở cài đặt, sau đó đi tới Ứng dụng và mở từng ứng dụng. Xóa các quyền không cần thiết.

11. Không làm việc qua điện thoại với những người tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng, điện lực, bảo hiểm... Đặc biệt, không làm theo các yêu cầu chuyển tiền hay yêu cầu xác minh thông tin mà các đối tượng đưa ra qua điện thoại.

12. Cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín. Một ứng dụng bảo mật chất lượng sẽ tăng cường đáng kể tính bảo mật cho thiết bị của bạn. Chẳng hạn như ứng dụng nTrust do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia phát triển, vận hành. Ứng dụng hoàn toàn miễn phí, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website, kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR.