33 doanh nghiệp lữ hành nước ngoài hiến kế dùng công nghệ để phục hồi du lịch TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch Thành phố Hồ Chí Minh” đang ở vòng “Tranh đấu”, với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp về du lịch trên thế giới hướng đến thị trường Việt Nam.
Ban Giám khảo phỏng vấn các đơn vị lữ hành và chấm điểm dự án tại cuộc thi. Ảnh: Hòa Bình
Ban Giám khảo phỏng vấn các đơn vị lữ hành và chấm điểm dự án tại cuộc thi. Ảnh: Hòa Bình

Rất nhiều đơn vị nước ngoài dự thi

Nhằm phục hồi có hiệu quả các hoạt động của ngành du lịch và chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong thời gian tới trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch” được diễn ra từ tháng 12 năm 2021 cho đến tháng 6 năm 2022 với chủ đề “Chung tay phục hồi du lịch”.

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch” được tổ chức với mục đích tìm kiếm các ý tưởng, dự án, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch có tính khả thi trong các lĩnh vực xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố, ứng dụng công nghệ trong du lịch, quảng bá tiếp thị, chất lượng dịch vụ du lịch… nhằm nâng cao sức hấp dẫn, vị thế và khả năng cạnh tranh của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, góp phần xây dựng kinh tế.

Từ sau lễ Công bố “Cuộc Vận động hiến kế khôi phục du lịch” và Công bố “Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch năm 2021” được diễn ra vào ngày 05 tháng 12 năm 2021, đến ngày 31 tháng 01 năm 2022, cuộc thi đã nhận được tổng số 72 hồ sơ dự thi trong đó có 33 hồ sơ nước ngoài và 39 hồ sơ trong nước. Sau vòng sơ loại, BTC chọn ra 30 dự án có liên quan đến hoạt động du lịch được tiếp tục vào vòng “Tranh đấu”.

Một đơn vị lữ hành từ nước ngoài tham gia cuộc thi đang trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Ảnh: Hòa Bình

Một đơn vị lữ hành từ nước ngoài tham gia cuộc thi đang trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Ảnh: Hòa Bình

Các công ty lữ hành khác nhau từ nước ngoài tham gia cuộc thi bằng phương thức trực tuyến. Ảnh: Hòa Bình

Các công ty lữ hành khác nhau từ nước ngoài tham gia cuộc thi bằng phương thức trực tuyến. Ảnh: Hòa Bình

Vòng “Tranh đấu” được tổ chức ngày 28 tháng 3 năm 2022 tại Saigon Innovation Hub (Số 273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM). Các dự án lần lượt trình bày trực tiếp (đối với các dự án nước ngoài chưa thể đến Việt Nam sẽ trình bày bằng hình thức trực tuyến) với Hội đồng Giám khảo và được thẩm định, đánh giá trên 6 tiêu chí gồm vấn đề và giải pháp giải quyết vấn đề, thị trường và sản phẩm, mô hình kinh doanh, tài chính của dự án, nhân sự của dự án và kỹ năng thuyết minh dự án. Các dự án có tính khả thi cao sẽ được chọn để vào vòng huấn luyện diễn ra trong tháng 4 và tháng 5/2022.

Hội đồng giám khảo của vòng “Tranh đấu” gồm các đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Du lịch, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia du lịch, chuyên gia tài chính và đại diện các quỹ đầu tư.

Ban Giám khảo làm việc trong vòng "Tranh đấu" tại cuộc thi

Ban Giám khảo làm việc trong vòng "Tranh đấu" tại cuộc thi

Đại diện các thành viên sáng lập dự án của một đơn vị lữ hành ở TP.HCM tham gia cuộc thi, trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Ảnh: Hòa Bình

Đại diện các thành viên sáng lập dự án của một đơn vị lữ hành ở TP.HCM tham gia cuộc thi, trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Ảnh: Hòa Bình

Vai trò của công nghệ

Công nghệ được sử dụng trong tất cả các công đoạn khác nhau của ngành du lịch. Không chỉ là lưu trữ dữ liệu khách hàng, remarketing để tăng khả năng bán hàng sau khi đã tiếp cận được khách hàng lần đầu, mà bài toán đau đầu nhất là làm thế nào để có khách hàng sau khi toàn thế giới đều đã bị đại dịch COVID-19 “đánh phá” tan tành khiến tất cả các cá nhân đều phải cắt giảm chi tiêu.

Hãng lữ hành xác định buộc phải dùng công nghệ để cung cấp thông tin chi tiết nhất, đầy đủ, hấp dẫn cho du khách trên các website lữ hành, như những điểm đặc biệt của điểm du lịch, những nơi đáng đến, những món ăn đặc sản của vùng miền, đến thời tiết, khung cảnh… làm sao để thông tin phải thật sinh động và hữu ích, không để du khách sau khi xem các video lại còn phải tự đi tìm thêm thông tin về địa danh, địa điểm hay khu vực muốn đến bằng cách phương tiện khác.

Ở công đoạn hậu mãi sau khi hãng đã tiếp cận được khách du lịch và hoàn tất dịch vụ của mình, phía hãng cũng có thêm nhiều hình ảnh, video clip để truyền thông trong những chiến dịch tiếp theo trên website. Ngược lại, nhiều công ty lữ hành dự thi ở vòng “Tranh đấu” đã cùng phân tích về những trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa bởi sự hỗ trợ của công nghệ, như pots hình ảnh cá nhân kèm với check-in địa danh đã giúp cho du khách nhanh chóng dẫn tới quyết định đi du lịch để có thể lưu lại dấu ấn của mình ở những địa điểm khác nhau, trong nội địa các nước và trên thế giới.

Một đơn vị lữ hành giới thiệu App Saigon My Way như hướng dẫn viên du lịch online. Ảnh: Hòa Bình

Một đơn vị lữ hành giới thiệu App Saigon My Way như hướng dẫn viên du lịch online. Ảnh: Hòa Bình

Trước kia khi không có công nghệ thì hãng lữ hành buộc phải chọn những cách tiếp thị khác nhưng hầu như đều rất chậm và đều phải là những cơ hội hai bên gặp nhau hoặc đến tận nơi như dùng lời nói của hướng dẫn viên, dùng tờ rơi quảng bá… Còn ngày nay, khi đã có phương tiện công nghệ thì toàn bộ thông tin đều được cung cấp tới các bên mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời gian hay dịch bệnh làm chậm trễ.

Những app về du lịch được giới thiệu tại cuộc thi đều trình bày nhiều tính năng tối ưu trải nghiệm cá nhân của người dùng, trên đó cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết về điểm đến, khách có thể book nhiều dịch vụ thuận tiện trên cùng một app lữ hành.

Cuộc thi nhận được sự đồng hành của hơn 20 đơn vị bao gồm các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Việt Nam, các trường Đại học và còn kéo dài tới tháng 6/2022 mới kết thúc.