30 % nợ nước ngoài của Sri Lanka là từ Trung Quốc, có thể xuất hiện khu tập trung người Hoa

VietTimes -- Tình hình hiện nay làm cho Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng cảm thấy lo ngại. Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận dành 80% quyền lợi ở cảng Hambantota với giá khoảng 1,1 tỷ USD cho Trung Quốc thuê, thời hạn thuê là 99 năm.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. Ảnh: The Hindu

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 15 tháng 1 dẫn các nguồn tin cho hay Trung Quốc có thể sẽ có được quyền lợi ở cảng biển của Sri Lanka, có lợi cho Trung Quốc xoay sở trên Ấn Độ Dương.

Sri Lanka là một quốc gia ở Ấn Độ Dương, chính quyền Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena từng đưa ra chủ trương thoát khỏi lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, tính đến ngày 9 tháng 1 năm 2017 đã tròn 2 năm lên cầm quyền.

Sau cuộc nội chiến, quá trình tái thiết của Sri Lanka đã gặp khó khăn hơn trong vấn đề nợ nước ngoài. Trung Quốc dựa vào sức mạnh kinh tế từng bước gây ảnh hưởng ở Sri Lanka, cho dù chính quyền Sri Lanka hiện nay không quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc như chính quyền tiền nhiệm.

Doanh nghiệp Trung Quốc dự tính sẽ nhận được quyền lợi ở cảng biển lớn của Sri Lanka vào cuối tháng này - đây là một cứ điểm quan trọng của tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trên biển.

Tình hình hiện nay làm cho Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng cảm thấy lo ngại. Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận dành 80% quyền lợi ở cảng Hambantota với giá khoảng 1,1 tỷ USD cho Trung Quốc thuê, thời hạn thuê là 99 năm.

Hiện trường dự án Colombo do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Ảnh: ifeng

Năm 2008, Mahinda Rajapaksa, cựu Tổng thống Sri Lanka đã khởi động phát triển cảng biển miền nam này, phần lớn số tiền đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD đến từ khoản vay của Trung Quốc. Năm 2013, ở lân cận cảng Hambantota còn xây dựng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa.

Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện chiến lược "chuỗi ngọc trai" mở rộng các “cứ điểm” cảng biển ở Ấn Độ Dương, phát triển cảng Hambantota được cho là việc làm mang tính tượng trưng của chiến lược này.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2015, ông Maithripala Sirisena đã trúng cử, sau đó nước này đã thay đổi chính sách ngoại giao, việc phát triển cảng ở thành phố lớn nhất Colombo do Trung Quốc viện trợ cũng bị gián đoạn.

Nhưng, tháng 8 năm 2016, chính quyền Maithripala Sirisena đã tái khởi động phát triển cảng Colombo. Nợ nước ngoài của Sri Lanka khoảng 27 tỷ USD, trong đó trên 30% là nợ Trung Quốc. Cho thuê lâu dài cảng Hambantota cũng là để hoàn lại khoản vay, do đó tiếp tục lệ thuộc vào nguồn vốn của Trung Quốc.

Sân bay Mattala Rajapaksa xây dựng ở lân cận bến cảng bị phê phán là "sân bay nhàn rỗi nhất thế giới", kinh doanh gặp khó khăn.

Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cảnh báo: "Trong tương lai, sân bay cũng sẽ giao cho Trung Quốc, miền nam Sri Lanka có thể xuất hiện khu vực tập trung người Trung Quốc".

Bến cảng Hambantota của Sri Lanka do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Ảnh: Sina