14 bộ, cơ quan trung ương không hề công khai tài liệu nào về ngân sách của mình, tính đến 31/3/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời điểm khảo sát, có tới 14/44 nơi không công khai bất kỳ tài liệu nào trên cổng thông tin điện tử theo quy định của pháp luật. Nhóm nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung chế tài xử lý việc này.

Các diễn giả trong phần giao lưu, hỏi đáp tại hội thảo công bố chỉ số MOBI 2021
Các diễn giả trong phần giao lưu, hỏi đáp tại hội thảo công bố chỉ số MOBI 2021

Ngày 18/10/2022, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã tổ chức công bố Chỉ số Công khai Ngân sách cấp bộ và Cơ quan Trung ương 2021 (MOBI 2021).

Kết quả nghiên cứu thông qua cổng thông tin điện tử của 44 bộ và cơ quan trung ương, trong đó có 38 bộ, và 6 cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ công khai ngân sách dù đã được cải thiện so với những năm trước nhưng vẫn ở mức thấp đáng lo ngại. Cụ thể, điểm số trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm. Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm quy đổi.

Kết quả khảo sát cho thấy, các bộ và cơ quan trung ương công khai chưa đẩy đủ các tài liệu về ngân sách theo quy định. Có 30/44 cơ quan công khai ít nhất 1 tài liệu (68,2%), tăng 3 đơn vị so với năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm 31/3/2022, có 14 bộ và cơ quan trung ương (31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của mình.

PGS .TS. Nguyễn Đức Thành – đại diện nhóm nghiên cứu - nhận định, sau gần một thập niên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước mới, các bộ và cơ quan trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách.

Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022) vẫn còn tới 14/44 nơi không công khai bất kỳ tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Nếu so sánh việc này với các địa phương thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cương – chuyên gia chính của nhóm nghiên cứu - chia sẻ, việc công khai ngân sách của các bộ, ngành chưa thực sự được cải thiện, nhất là so với các địa phương, chưa thể hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương dưới góc độ minh bạch ngân sách.

Vì thế, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các bộ ngành cần duy trì việc công khai ngân sách liên tục và thường xuyên, trành việc công khai tài liệu mới nhưng lại rút đi những tài liệu công khai ngân sách của những năm trước. Điều này cho phép người dân có thể tiếp cận tài liệu công khai mang tính liên tục và đều đặn, có thể sử dụng cho các phân tích, đánh giá.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Quốc hội cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các bộ và cơ quan trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.

Cùng với việc đó, Quốc hội cần xem xét hoạt động công khai ngân sách như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của các bộ và cơ quan trung ương như một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách hàng năm.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra là Luật Ngân sách Nhà nước 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách theo quy định của Luật. Do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý việc này.

Riêng với Bộ Tài chính, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số tài liệu của các bộ và cơ quan trung ương như Dự toán Ngân sách Nhà nước, quyết toán Ngân sách Nhà nước và báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngay hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách và quá trình xây dựng ngân sách của các bộ và cơ quan trung ương để người dân có thể theo dõi thông tin và tham gia trong quá trình ngân sách. Điều này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách ở cấp trung ương.