Zoom thừa nhận thất bại trong chính sách quyền riêng tư và bảo mật

VietTimes -- Nhà sáng lập đồng CEO của Zoom đã chính thức lên tiếng xin lỗi hàng triệu người dùng sau khi ứng dụng họp trực tuyến của hãng bị “bóc phốt” một loạt các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật.
Ứng dụng Zoom đang bị chỉ trích vì một loạt các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật. Ảnh: CNN
Ứng dụng Zoom đang bị chỉ trích vì một loạt các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật. Ảnh: CNN

“Chúng tôi thừa nhận rằng Zoom đã thất bại khi không làm được như sự kỳ vọng của cộng đồng trong vấn đề quyền riêng tư và bảo mật trên nền tảng. Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến người dùng”, CEO Eric Yuan viết trong một bài đăng trên blog vào hôm thứ Tư.

Zoom cho biết sẽ ngừng phát triển các tính năng mới trong 90 ngày tới và thay vào đó chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề riêng tư và bảo mật. Theo ông Yuan, công ty cũng sẽ phát hành một bản báo cáo minh bạch, tương tự như các báo định kỳ được những hãng công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter công khai hàng tháng hoặc hàng quý, trong đó có nêu chi tiết những yêu cầu chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan chính phủ.

Sự bùng phát của virus Corona đã buộc hàng triệu người phải làm việc tại nhà, và Zoom với những ưu thế về các tính năng bất ngờ được mọi người sử dụng rộng rãi. Ông Yuan cho biết Zoom đã cán mốc 200 triệu người dùng vào tháng 3/2020.

Mọi người sử dụng Zoom cho tất cả mọi thứ từ tiệc sinh nhật cho đến các sự kiện tôn giáo lớn và thậm chí là một cuộc họp của chính phủ Anh. Tuy nhiên, sự nổi tiếng quá chóng vánh này lại vô tình khiến công ty không ứng phó kịp thời với các vấn đề phát sinh thường gặp trong các nền tảng trực tuyến lớn, đặc biệt là quyền riêng tư.

Ảnh: Forbes
NASA và SpaceX của Hoa Kỳ đã cấm nhân viên sử dụng Zoom vì lo ngại quyền riêng tư. Ảnh: Forbes

Chỉ trong tuần này, Zoom đã bị Tổng Chưởng lý New York và cơ quan FBI (Mỹ) “sờ gáy”, đồng thời phải đối mặt với các câu hỏi đến từ các chuyên gia bảo mật về mức độ mã hóa trên nền tảng của nó. Ứng dụng họp - học trực tuyến này cũng đang phải đối mặt với hai vụ kiện liên quan đến một tính năng (hiện đã bị Zoom xóa bỏ) có thể chia sẻ một số dữ liệu của người dùng cho Facebook và LinkedIn.


Các cáo buộc đã tác động xấu đến giá cổ phiếu của Zoom - đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 1 nhưng kết thúc phiên giao dịch giảm hơn 11% vào hôm thứ Năm, ngày 2/4 và giảm khoảng 24% trong tuần này.

Ông Yuan cho biết Zoom được thiết kế để phục vụ cho “các tổ chức lớn có hỗ trợ CNTT đầy đủ” như các trường đại học, cơ quan chính phủ và các công ty du lịch tài chính.

Ảnh: CNBC
CEO Zoom, ông Eric Yuan. Ảnh: CNBC

“Chúng tôi đã không thiết kế phần mềm với tầm nhìn xa là mọi người trên thế giới bất ngờ chuyển sang học tập, làm việc và giao tiếp xã hội ở nhà chỉ sau vài tuần”, ông nói thêm. “Hiện tại, chúng tôi có một lượng lớn người dùng đang sử dụng nền tảng của chúng tôi theo vô số những cách không ngờ đến, khiến chúng tôi phải đối mặt với những thách thức không thể lường trước được”.


Zoom cũng xin lỗi vì tuyên bố không chính xác của mình rằng nền tảng cung cấp “mã hóa đầu cuối cho tất cả các cuộc họp”, điều đó cũng có nghĩa là tất cả nội dung trên ứng dụng chỉ hiển thị cho người tham gia. Một số chuyên gia bảo mật đã bày tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng của Zoom trong khả năng cung cấp mức độ mã hóa và công ty vẫn có thể truy cập vào một số thông tin thông qua các máy chủ của họ.

Ông Oded Gal, Giám đốc Sản phẩm của Zoom cho biết trong một bài đăng trên Blog vào hôm thứ Tư rằng Zoom không giải mã bất kỳ thông tin nào nếu tất cả những người tham gia cuộc họp đều có mặt trên ứng dụng của mình và trong trường hợp cuộc họp không được ghi lại. Ông cho biết mã hóa toàn bộ là điều không thể khi mà những người tham gia kết nối từ điện thoại hoặc một thiết bị bên ngoài khác.

“Chúng tôi không có ý định lừa dối khách hàng của mình nhưng thực tế có sự khác biệt về quan niệm mã hóa đầu cuối và cách chúng tôi đang sử dụng nó”, ông Gal nói.

Theo CNN