Bất ngờ xuất hiện và lớn nhanh “như thổi”
Từ những giao dịch nội bộ đáng ngờ, đóng thiếu thuế cho đến đỉnh điểm là vụ việc xảy ra với Youtube trong thời gian gần đây khiến giá YEG lao dốc không phanh. Tuy nhiên, liệu đây là “vận xui” hay chính là những điều tất yếu sẽ xảy ra với một mô hình kinh doanh không bền vững và mức định giá cổ phiếu quá cao?
Tăng trưởng doanh thu của Yeah1 phụ thuộc lớn vào lượt xem trên Youtube (Nguồn: BCB Yeah1)
|
Theo báo cáo tài chính cuối năm 2018, doanh thu của Yeah đạt 1.658 tỷ đồng, tăng hơn 97%, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế cả năm 180 tỷ đồng, tăng 119% so với mức 82 tỷ đồng của năm 2017. Một sự tăng trưởng thần kỳ.
Nhìn vào những năm trước đó, cũng không thể coi nhẹ tốc độ phát triển của doanh nghiệp này, Yeah1 ra mắt hồi 2006 ban đầu chỉ là một trang tin điện tử được thành lập với số vốn 500 triệu đồng. Đến năm 2017 vốn sở hữu của Yeah1 đã lên tới 238 tỷ đồng. Giữa năm 2018, công ty này chào bán cổ phiếu của mình ra công chúng với mức giá cao choáng váng 250.00 đồng/cp, tự mình định giá công ty lên tới 300 triệu đô.
“Của lạ” của sàn chứng khoán Việt
Thời điểm YEG chào sàn với mức giá “khủng” đã gây lên không ít tranh cãi cho giới đầu tư. Không nhiều người thực sự hiểu về mô hình kinh doanh của Yeah1 và vì sao công ty này có thể tự định giá mình cao đến như vậy? Cổ phiếu của YEG chào sàn với mức giá thậm chí còn cao hơn các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Thế giới di động hay Sabeco.
Lý giải cho mức giá không thể cao hơn của YEG, chủ tịch YEAH1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khẳng định rằng giá trị của Yeah1 không nằm ở những thứ hữu hình, mà nằm ở tương lai sự phát triển của của ngành truyền thông, ngành truyền hình kỹ thuật số?
Diễn biến giá đầy biến động thu hút không ít nhà đầu tư (Nguồn: CafeF)
|
Ông Tống từng khẳng định: “Việc so sánh giá cổ phiếu Yeah1 với các ngành khác của nhiều người là cách nhìn không hiểu ngành, bởi Media và truyền thông là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Thị trường là toàn cầu và sản phẩm là không giới hạn".
YEG quả thực đã có lúc đạt đến mức giá 350.000 đồng/cp và khiến không ít các trái tim hồ nghi trước đó phải xuôi theo những hứa hẹn rất tốt đẹp từ phía công ty này. Nhưng những phiên rớt giá lại liên tiếp xảy ra sau đó, đặc biệt là khi công ty này gặp vấn đề với Youtube – đối tác lớn của mình.
Vì sao YEG bị YouTube “thổi còi”?
Hồi 2015, trong khi những công ty sản xuất nội dung truyền thống vẫn đang chật vật bởi sự phát triển của Internet khiến thói quen – xem, nghe, đọc của người dùng thay đổi, thì Yeah1 đã nhanh chóng tìm cách kiếm lời từ Youtube.
Báo cáo tài chính của Yeah1 chỉ ra cho thấy, doanh thu của hãng thu được từ những nội dung được sản xuất trên nền tảng số tăng rõ rệt theo từng năm và dần dành thế thượng ưu. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, 89% doanh thu của Yeah 1 đến từ kênh Youtube.
Yeah1 phân tách hoạt động của mình ra làm 2 mảng kinh doanh chính là truyền thông truyền thống và truyền thông kỹ thuật số.
Trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng YouTube, Yeah1 có doanh thu trực tiếp đến từ việc quảng cáo trực tiếp các video do hãng quản lý và xây dựng. Và một mảng khác chính là Youtube AdSense (chức năng kiếm tiền từ Youtube), đây cũng chính là mảng doanh thu gây nên những lùm xùm gần đây cho YEG.
Cụ thể, Yeah1 sẽ kiếm tiền bằng cách thu hút chủ nhân của các video clip đăng tải nội dung trên nền tảng network của mình. Phía Yeah1 sẽ làm việc với Youtube để đăng tải quảng cáo lên những nội dung đó, tiền quảng cáo sẽ được chia lại cho youtube, đơn vị sản xuất nội dung video và Yeah1.
Thu "khủng" nhờ video "bẩn" trong kênh trẻ em khiến các bậc phụ huynh lo lắng, sợ hãi và phản ứng .
|
Trên thực tế, chủ sỡ hữu kênh có thể làm việc trực tiếp với Youtube, nhưng họ thường chọn các network như Yeah1, vì Youtube có quy định khán nghiêm ngặt về điều kiện tối thiểu để tham gia, bao gồm tuân thủ tất cả các chính sách của YouTube, có hơn 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất, hơn 1.000 người đăng ký và phải liên kết tài khoản AdSense.
Tuy nhiên, đòn đánh đã giáng vào Yeah1 khi Youtube thổi còi và ban lệnh chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA) sau ngày 31 tháng 3 năm 2019 tới đây, đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube AdSense của Tập đoàn bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Mô hình kinh doanh không bền vững
Phần lớn doanh thu phụ thuộc vào Youtube, nhưng phía Yeah1 lại chủ quan trước những chính sách đang ngày càng được thắt chặt hơn bởi nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Youtube thổi còi công ty mà Yeah1 có nắm cổ phần là - SpringMe Pte. Ltd. với lý do SpringMe đã vi phạm nội quy khi đăng tải những nội dung không phù hợp lên Youtube.
Yeah1 đã "dung túng" cho “Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life” - 1 kênh youtube trong network trong tập đoàn phát triển rất nhiều tập phim cho thiếu nhi, thu một lượng “khủng” tiền quảng cáo, nhưng trong kênh này thừa thãi những cảnh bạo lực, kinh dị, thậm chí nội dung người lớn, khiến các bậc phụ huynh Việt phải “la làng” kinh hãi.
Hồi cuối năm 2017, công ty này từng bị Cục Phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xử phạt 20 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính khi không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.
Suy cho cùng, việc bị phạt một số tiền nhỏ như vậy chẳng ảnh hưởng gì tới sự phát triển của một tập đoàn. Nhưng lần này, lệnh cấm của Youtube thì khác. Dù theo như Yeah1 chỉ ảnh hưởng tới mảng YouTube AdSense vốn đem đến doanh thu 13% cho công ty, nhưng thực sự đã làm nhà đầu tư trở nên nghi ngại trước khả năng kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc 90% vào Youtube như YEG; và về tất cả những con số mà YEG công bố trong thời gian gần đây.
Không chỉ “nội dung bẩn”
Hồi cuối tháng 12 năm 2018, Yeah1 đã bị xử phạt hành chính 330 triệu đồng vì hành vi vi phạm thuế. Cụ thể, cơ quan này đã kê khai không đúng quy định số thuế phải nộp, đồng thời, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (hóa đơn mua sau ngày doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh).
Cuối tháng 8 năm 2018, chủ tịch Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và cổ đông lớn của Yeah1 - DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd cũng đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hàng chục triệu đồng vì hành vi giao dịch cổ phiếu không báo cáo.
Hoạt động kinh doanh vốn phụ thuộc rất nhiều vào Youtube của Yeah1
|
Hồi mới niêm yết, Yeah1 cũng đã khiến không ít nhà đầu tư hồ nghi khi có những giao dịch lòng vòng, “mua đi bán lại” của các cổ đông trong công ty. Sau đó, phía Yeah1 đã lý giải rằng đây là biện pháp để giúp cổ đông lớn của Yeah1, là DFJ Vinacapital bán YEG đang nắm giữ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Yeah1 luôn tự đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của mình, công ty này cũng tự nhận mình đang là MCN (mạng đa kênh) lớn thứ 6 trên youtube. Tuy nhiên, công ty đã không diễn giải vị trí xếp hạng này là từ đâu mà có, được đánh giá ra sao (?).
Khi cổ phiếu YEG của Yeah1 lao dốc không phanh, phía YEG cũng thông báo mua lại cổ phiếu quỹ, nhằm cứu vãn tình hình. Ban đầu YEG dự định mua 600.000 cổ phiếu, nhưng sau đó đã được nâng lên con số 3,1 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, YEG vẫn chưa có dấu hiệu mua thực sự, điều này khiến không ít nhà đầu tư mất niềm tin vào ban lãnh đạo của công ty này.
Chốt phiên giao dịch gần nhất (20/3), YEG tiếp tục bị "nện sàn" sang phiên thứ 13 liên tiếp, về còn 95.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu của cơn ác mộng (phiên 4/3), cổ phiếu YEG đã giảm tổng cộng 149.300 đồng, tương ứng mức giảm 60%. Điều này khiến vốn hóa thị trường của Yeah 1 mất hơn 4.670 tỉ đồng. Trong báo cáo mới nhất gửi HoSE để giải trình về biến động kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, Yeah 1 đã nêu rõ lý do lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018 của doanh nghiệp này đã bị giảm 17 tỷ đồng (-9,4%) so với kết quả trước kiểm toán (Lợi nhuận tự lập là 180 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán chỉ còn 163 tỷ đồng). Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc YouTube tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Dịch vụ Lưu trữ Nội dung vào ngày 3/3/2019, bao gồm các điều chỉnh: (1) Ghi nhận khoản trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào Công ty Springme Pte. Ltd; (2) Điều chỉnh tăng chi phí đầu tư đã phát sinh trong năm 2018 liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty SacleLab LLC. Như đã đề cập, Springme Pte. Ltd là đơn vị bị YouTube cáo buộc có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Vì vậy YouTube áp dụng chính sách chấm dứt thòa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn Yeah1 bao gồm Springme, Yeah1 Network và ScaleLab LLC (Mỹ). Tại một báo cáo khác gửi đến HoSE trong cùng ngày, Yeah 1 đã giải trình về mức tăng ấn tượng của kết quả lợi nhuận năm 2018. Theo đó, năm 2018 lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn này đạt 163 tỷ đồng, tăng tới 98,2% so với con số cùng kỳ 2017 (82,3 tỷ đồng). “Chủ yếu là do trong năm 2018, Công ty đã tăng cường hoạt động mua bán và sáp nhập các công ty trong ngành và mở rộng một số mảng hoạt động kinh doanh mới làm tăng doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế TNDN của cả Tập đoàn” – văn bản ký bởi Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống nêu khá chung chung./. |