Xung quanh việc Australia tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông

VietTimes – Sau Mỹ, Anh và Canada, đến lượt Australia, quốc gia có nhiều người Trung Quốc nhập cư, chính thức đệ trình một tuyên bố lên Liên hợp quốc, bác bỏ rõ ràng và mạnh mẽ các yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Lần đầu tiên, Australia tuyên bố thẳng thắn bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông (Ảnh: Getty).
Lần đầu tiên, Australia tuyên bố thẳng thắn bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông (Ảnh: Getty).

Bất ngờ tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc

Theo Deutsche Wells (Tiếng nói nước Đức) ngày 26/7, trong một tuyên bố đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc vào ngày 23/7, Australia đã bày tỏ  phản đối mọi tuyên bố chủ quyền nào Trung Quốc mâu thuẫn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đặc biệt là các chủ trương không tuân thủ các quy định về đường cơ sở, lãnh hải và các quy định liên quan khác.

Trong đó, chính phủ Australia tuyên bố rõ ràng rằng Australia bác bỏ cái gọi là “chủ quyền có tính lịch sử” và “quyền lợi biển” của Trung Quốc trên Biển Đông trong lịch sử từ xưa đến nay. Năm 2016, Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra phán quyết các yêu sách liên quan của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để vạch ra một đường cơ sở thẳng các khu vực ngoài cùng của “nhóm đảo' trên Biển Đông. Australia bác bỏ mọi yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên đường cơ sở đó.  

Thủ tướng Morrison tuyên bố nhát trí với lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (Ảnh: aljazeera.net).
Thủ tướng Morrison tuyên bố nhát trí với lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (Ảnh: aljazeera.net).

Trong bản tuyên bố dài hai trang A4 này, nhiều đoạn được bắt đầu bằng các cụm từ như "Australia từ chối", "Chính phủ Australia từ chối" và "Chính phủ Australia không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc về ..." khẳng định các nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa (phía Trung Quốc tự gọi là Tây Sa), quần đảo Trường Sa (phía Trung Quốc tự gọi là Nam Sa) và khái niệm “Tứ Sa” do các học giả Trung Quốc đưa ra sau khi Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc năm 2016 phán quyết yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, là không có cơ sở pháp lý.

Chính phủ Australia tuyên bố không chấp nhận luận điệu của Trung Quốc đưa ra ngày 17/4/2020 nói rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi", chỉ ra rằng cả Việt Nam và Philippines đều đã bác bỏ. Đồng thời, Australia bày tỏ mối quan ngại mạnh mẽ về quan điểm Trung Quốc “thực thi chủ quyền liên tục và thực tế" đối với các đảo, bãi đá nổi lên và chìm khi thủy triều lên xuống, bởi vì Australia không cho rằng chúng có thể tạo thành lãnh thổ thuộc về một quốc gia.

Hạm đội Australia trên đường qua Biển Đông tới Biển Philippines tập trận (Ảnh: Creaders).
Hạm đội Australia trên đường qua Biển Đông tới Biển Philippines tập trận (Ảnh: Creaders).

Một bước ngoặt lớn về lập trường

Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Australia luôn ủng hộ lập trường của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên cho đến trước ngày 23/7, Australia vẫn chưa tuyên bố rõ ràng rằng họ đứng về phía một quốc gia nào cũng tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông. Năm 2016, khi Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án trọng tài Quốc tế PCA, Thủ tướng Australia khi đó là ông Turnbull đã tuyên bố rằng việc triển khai quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông sẽ chỉ “phản tác dụng” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng Australia không có yêu sách đối với Biển Đông và không bày tỏ lập trường (tức là trung lập) trong cuộc tranh chấp về luật pháp quốc tế này. Giờ đây, chính phủ Australia tuyên bố với Liên hợp quốc, rõ ràng đã hoàn toàn thay đổi lập trường trung lập trước đây.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh việc triển khai các cơ sở quân sự và dân sự ở Biển Đông, bao gồm cả việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và mở cửa quần đảo Hoàng Sa cho công chúng với các dự án du lịch. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố rằng việc triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông “có cùng bản chất với việc triển khai quân sự của Mỹ ở Hawaii”. Vào tháng 4/2020, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập hai khu vực hành chính tại cái gọi là “thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam” chiếm gần hết diện tích Biển Đông và triển khai các cơ sở quân sự quy mô lớn trên đảo Phú Lâm, đảo chính của quần đảo Hoàng Sa, gây ra phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng. Vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, lại bị Việt Nam và Philippines lên án mạnh mẽ.

Deutsche Wells viết, Mỹ là “lực lượng đi đầu” trong phản đối yêu sách về cái gọi là "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông lần này. Vào giữa tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc "thực thi đe dọa để kiểm soát tài nguyên ngoài khơi" ở Biển Đông trong nhiều năm qua, “dùng cường quyền quyết định công lý" thay cho luật pháp quốc tế, hòng thiết lập một "đế chế hải dương" trên Biển Đông và lần đầu tiên công khai tuyên bố không chấp nhận yêu sách về cái gọi là "Đường chín đoạn" do Trung Quốc tùy tiện chủ trương.

Lần này, Australia đã chọn đứng cùng hàng ngũ với Mỹ, thể hiện lập trường của mình bằng cách gửi công thư lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và bày tỏ mong muốn "khuyến khích các nước có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, làm rõ yêu sách biển của họ và giải quyết hòa bình những bất đồng căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Trước đó, hãng ABC của Australia ngày 23/7 đưa tin một hạm đội của Hải quân Hoàng gia Australia gồm 5 tàu chiến đã đụng đầu Hải quân Trung Quốc trên đường đến Biển Philippines để tham gia cuộc tập trận quân sự chung với các hạm tàu Mỹ và Nhật Bản. Các nguồn tin quân sự được trích dẫn tuy không tiết lộ khu vực biển cụ thể nơi đối đầu với tàu chiến Trung Quốc, nhưng xác nhận rằng hạm đội Australia đi ngang qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa.

Các tàu chiến của Australia diễn tập chung với tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản (Ảnh: Australia Navy).
Các tàu chiến của Australia diễn tập chung với tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản (Ảnh: Australia Navy).

Theo VOA, hạm đội Australia đã chạm trán với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và hai bên đối đầu nhau. Các nguồn tin nói rằng các tàu chiến Australia đã tham gia cuộc tập trận.

Những động thái này của Australia diễn ra sau khi ngày 16/7 Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Australia sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải ở Biển Đông. Tại cuộc họp báo ngày hôm đó, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ lập trường của Mỹ ở Biển Đông hay không, Thủ tướng Morrison nói: "Australia sẽ áp dụng một lập trường rất nất trí với Hoa Kỳ”.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Australia cũng lên tiếng về cuộc tập trận quân sự chung của Hải quân Hoàng gia Australia với các hạm tàu của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Philippines: "Australia cam kết về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn, cởi mở, thịnh vượng và thích ứng mạnh. Chúng tôi sẽ luôn hợp tác với các đối tác trong khu vực để đối phó với những thách thức an ninh mà mọi nước phải đối mặt”.

VOA cho biết, năm ngoái, tàu chiến của Hải quân Australia cũng đã bị tàu hải quân Trung Quốc bám đuôi trong một chuyến đi tương tự ở Biển Đông.